(SGTT) - Đối với một số phụ nữ, thuật ngữ cơ sàn chậu có thể còn xa lạ. Tuy nhiên, đây lại là nhóm cơ quan trọng mà bạn cần tập luyện suốt đời để tránh các triệu chứng bệnh liên quan đến tiểu són, tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều lần - các dấu hiệu cho thấy cơ sàn chậu của bạn đang yếu. Tuy các triệu chứng trên không phải là bệnh và không ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng về mặt xã hội, các chứng này có thể gây mặc cảm, bất tiện và khó chịu cho người bệnh.
- Lợi ích của nhảy dây: không đơn giản chỉ là giảm cân
- Khả năng chấn thương và một số ảnh hưởng mà căng thẳng gây ra trong quá trình tập luyện
Cơ sàn chậu là gì?
Một số người có thể nghĩ rằng họ còn quá trẻ để quan tâm đến sức khỏe vùng chậu của mình. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát gần đây của Censuswide-Intimina với 10.000 phụ nữ từ 25 đến 55 tuổi, hơn 50% số người được hỏi cho biết đã mắc chứng tiểu không tự chủ hoặc gặp phải tình trạng sa tử cung sau sinh con.
Vùng sàn chậu bao gồm hệ thống sinh dục (tử cung và âm đạo), hệ thống niệu (bàng quang và niệu đạo), và hệ thống tiêu hóa (trực tràng và hậu môn). Cơ sàn chậu là khối cơ kéo dài từ xương cụt đến xương mu phía trước, tạo thành một mặt sàn phẳng giữa hai chân và nâng đỡ các cơ quan vùng sàn chậu. Cơ sàn chậu có nhiệm vụ bảo vệ và nâng đỡ các cơ quan này, ngăn chúng không bị dịch chuyển khi vận động cũng như kiểm soát việc đại tiểu tiện.
Khi cơ sàn chậu suy yếu, việc kiểm soát tiểu tiện giảm sút, dẫn đến hiện tượng són tiểu và tiểu đêm nhiều lần. Ngoài ra, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như: cảm giác đau và căng ở âm đạo; cảm giác có khối gì đi xuống trong âm đạo hay còn gọi là “sa” - hiện tượng một hay nhiều cơ quan trong vùng chậu như tử cung, âm đạo rớt khỏi vị trí bình thường; dễ bị són tiểu khi ho, cười hay hắt hơi, tiểu không kiểm soát; tiểu nhiều lần cả ngày hay đêm; tiểu gấp và không nín tiểu được; són phân.
Tăng cường cơ sàn chậu với các bài tập kegel
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tập luyện các cơ sàn chậu có thể giúp cải thiện việc kiểm soát bàng quang, tử cung và hậu môn. Hiện nay, một số phương pháp điều trị phổ biến khi cơ sàn chậu suy yếu là uống thuốc; mổ để đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo (phương pháp TOT trong điều trị són tiểu); đặt đầu dò trong âm đạo để tập luyện cho cơ sàn chậu; thực hiện các bài tập tại nhà như tập kegel, squat, bridge hoặc tabletop, bird dog... Trong đó, kegel là bài tập dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao nhất.
Bài tập cơ sàn chậu, hay còn gọi là bài tập Kegel được nhiều bác sĩ khuyên tập để nâng cao sức khỏe cơ sàn chậu. Bài tập này giúp nâng đỡ các cơ quan nằm đúng vị trí ban đầu, giảm chứng tiểu không kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng sa cơ quan vùng chậu, tăng cường sức mạnh cơ xương khớp và cải thiện chức năng tình dục.
Phương pháp này rất đơn giản, bao gồm việc co bóp và thả lỏng các cơ âm đạo nhiều lần. Trước khi thực hiện, bạn cần xác định chính xác vị trí cơ sàn chậu bằng cách thử ngưng tiểu giữa chừng. Cảm giác thắt chặt ở âm đạo là dấu hiệu cho thấy cơ sàn chậu đã được xác định đúng. Sau đó, nằm ngửa trên sàn hoặc thảm tập và siết chặt các cơ ở âm đạo như cách nín tiểu trong 3 giây, lưu ý không siết chặt bụng, chân hoặc mông. Cố gắng thực hiện 10 lần mỗi ngày và nâng cấp độ khó cho bài tập bằng cách kéo dài thời gian hoặc chuyển sang tư thế ngồi.
Tập kegel là bài tập tại nhà và dễ thực hiện động tác. Tuy nhiên, đối với ai từng tập cơ sàn chậu sẽ nhận thấy không dễ dàng để có thể tập co được đúng cơ, bởi việc nhận biết được đúng vị trí cơ sàn chậu rất khó ngay cả với nhân viên y tế. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của huấn luyện viên hoặc bác sĩ để tìm hiểu các tư thế tập luyện chính xác và hiệu quả nhất cho cơ sàn chậu của mình.
Theo Vogue, Nike, Naver