Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Tăng độ phủ sóng Wi-Fi

CHÍ THỊNH -

Người dùng có thể dễ dàng mở rộng mạng không dây trong nhà bằng cách gắn thêm các thiết bị Wi-Fi Range Extender. Các thiết bị này sẽ giúp mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi, xóa bỏ các “điểm chết” trong nhà do bộ phát sóng Wi-Fi không thể phát sóng đến.

Mở rộng khu vực phát sóng

Nếu như ngôi nhà có diện tích quá lớn, dẫn đến việc mạng không dây Wi-Fi không đủ sức phủ sóng đến một số vị trí, có thể dùng đến thiết bị mở rộng phạm vi phủ sóng không dây (Wi-Fi Range Extender). Các thiết bị này khá nhỏ gọn, có thể gắn trên tường, treo trên trần nhà; thích hợp để gắn ở những vị trí khó đi dây mạng (nếu muốn thay thế cho mạng không dây).

WiFi2

Có một số thiết bị mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi hỗ trợ cách lắp đặt đơn giản như cắm thiết bị vào ổ cắm điện và kích hoạt kết nối mạng Wi-Fi với thiết bị phát sóng Wi-Fi (router) chính ở trong nhà. Nhờ cắm điện trực tiếp nên khi tiến hành lắp đặt thiết bị sẽ không cần đến việc trang bị thêm cáp nguồn.

Một số nhà phố, nhà cao tầng, biệt thự cũng có thể sử dụng các thiết bị này để mở rộng khu vực phủ sóng Wi-Fi. Ví dụ, nhà có bốn tầng, bộ phát sóng Wi-Fi đặt ở tầng hai chỉ có thể phát sóng đến tầng một và ba; còn tầng bốn không thu được sóng Wi-Fi. Một cách đơn giản, bổ sung thiết bị mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi ở tầng ba để phủ tín hiệu không dây cho tầng bốn.

Do thiết bị này chỉ đóng vai trò tiếp sóng và phát sóng trở lại nên người dùng vẫn chỉ nhìn thấy tên mạng Wi-Fi duy nhất trong nhà. Các khu vực không thu được sóng Wi-Fi trước đây sẽ có thể kết nối mạng không dây Wi-Fi bình thường thông qua thiết bị mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi.

Kết nối đa năng

Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều sản phẩm Wi-Fi Range Extender với nhiều nhãn hiệu khác nhau như Netgear, Linksys, D-link, TP-link… Các thiết bị này thường có tốc độ kết nối mạng không dây vào khoảng 150-300 Mbps (megabit/giây).

WiFi1

Giá bán các thiết bị này thường chỉ bằng 1/2 so với giá bán một bộ phát sóng Wi-Fi chính hãng. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm cao cấp hỗ trợ nhiều tính năng, tiện ích sẽ có giá bán cao hơn.

Thay vì phải mua một bộ phát sóng Wi-Fi có công suất lớn hơn, người dùng có thể mua thiết bị Wi-Fi Range Extender với cách thức sử dụng đơn giản hơn. Thay vì phải cài đặt bộ thu phát Wi-Fi khá phức tạp, chỉ cần mua Wi-Fi Range Extender và bấm nút tự động chọn mạng không dây và chia sẻ tín hiệu Wi-Fi…

Ngoài ra, bên cạnh việc mở rộng mạng Wi-Fi, các sản phẩm này thường có thêm tính năng phụ như phát tín hiệu âm thanh ra loa, kết nối mạng không dây với các dàn âm thanh gia đình (Home Theater), ti vi thông minh, đầu phát đĩa Blu-ray…

Thiết bị Wi-Fi Range Extender sẽ được kết nối trực tiếp với các loại ti vi, máy tính để bàn, máy chơi game… thông qua cáp mạng Ethernet. Khi đó, các loại ti vi, máy tính để bàn, máy chơi game… sẽ có thêm tính năng kết nối mạng không dây, thay vì phải kết nối Internet bằng cáp mạng như trước.

Còn hãng Linksys lại tung ra thị trường dòng sản phẩm RE6500, vừa giúp mở rộng phạm vi phủ sóng Wi-Fi, vừa có thể phát nhạc từ máy tính ra hệ thống loa mà không cần gắn cáp âm thanh. Phía sau sản phẩm RE6500 có thêm cổng 3,5 mm dùng để chuyển tín hiệu âm thanh ra hệ thống loa. Đây cũng là một giải pháp biến những cặp loa thường thành loa không dây.

Lưu ý khi mở rộng mạng Wi-Fi

Sau khi kết nối với bộ thu phát sóng Wi-Fi chính (Wi-Fi router), thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi sẽ tạo ra hai mạng không dây với cùng một mật khẩu. Mật khẩu mạng không dây này chính là mật khẩu gốc của Wi-Fi router trong nhà.

WiFi3

Khi ở trong phạm vi phủ sóng của mạng thứ nhất (Wi-Fi router), các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… sẽ kết nối với điểm phát sóng Wi-Fi thứ nhất. Chỉ khi nào vượt quá phạm vi phủ sóng này thì các thiết bị di động sẽ chuyển qua kết nối Wi-Fi với điểm thu phát sóng thứ hai (Wi-Fi Range Extender).

Một số thiết bị mở rộng sóng Wi-Fi thường có đến ba cách thức cấu hình mạng không dây mở rộng. Thứ nhất là cấu hình một chạm thông qua nút bấm WPS (Wi-Fi Protected Setup); người dùng chỉ cần bấm nút cài đặt tự động. Thứ hai là cấu hình qua trình duyệt web theo cài đặt mạng Wi-Fi kiểu truyền thống. Cách cuối cùng là cấu hình qua ứng dụng di động của nhà sản xuất.

Cần lưu ý, người dùng sẽ không thể thay đổi mật khẩu đăng nhập mạng Wi-Fi mở rộng sau khi đã cài đặt xong đối với một số thiết bị. Nếu muốn thay đổi mật khẩu, người dùng sẽ phải nhấn nút reset (khôi phục cài đặt gốc) trên thiết bị và tiến hành cài đặt trở lại với mật khẩu mới.

Ngoài ra, một số thiết bị phát sóng Wi-Fi có khả năng hoạt động như một bộ phát sóng Wi-Fi chính trong nhà; hoặc sử dụng như một thiết bị mở rộng phạm vi phủ sóng. Đối với các thiết bị phát sóng Wi-Fi cũ có chế độ lặp lại tín hiệu không dây (Wi-Fi repeater) cũng có thể tận dụng để tăng cường phạm vi phủ sóng Wi-Fi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối