Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Tăng giá trị cho cây tỏi

Đức Tâm

Tỏi đen – loại tỏi được lên men từ củ tỏi trắng bình thường nhằm tăng cường các chất có lợi trong tỏi – đang dần được người tiêu dùng biết đến trong khoảng hai năm trở lại đây. Mặc dù tạo thêm giá trị gia tăng cho củ tỏi trong nước, nhưng sản phẩm mới này vẫn chưa đủ tạo những thay đổi tích cực trong cuộc sống người nông dân.

Thêm đầu ra

Những người trong ngành cho biết tỏi đen có thể lên men từ tất cả các loại tỏi trắng trồng ở các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, một số người có khuynh hướng chọn tỏi một tép, hay còn gọi nôm na là tỏi “cô đơn”, được trồng nhiều tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo giải thích của những người trồng tỏi, tỏi cô đơn khá đặc biệt, sinh ra do sự “khuyết tật” của cây tỏi trong quá trình sinh trưởng. Một cây tỏi bình thường sẽ cho củ tỏi có nhiều tép, nhưng với tỏi cô đơn thì chỉ có đúng một tép. Do vậy nhiều người cho rằng tất cả các chất dinh dưỡng từ cây mẹ đều dồn hết vào tép tỏi này. Đó là một trong những lý do tỏi mồ côi được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Công nhân đang làm việc tại Công ty LEO. Ảnh: Công ty cung cấp
Công nhân đang làm việc tại Công ty LEO. Ảnh: Công ty cung cấp

Anh Bùi Tuấn Anh, một người dân trồng tỏi tại huyện đảo Lý Sơn, cho biết khoảng hai năm trở về trước, giá tỏi cô đơn chỉ khoảng 700.000 đồng/kg. Hiện nay, giá trung bình của loại tỏi này khoảng 1 triệu đồng/kg, mùa cao điểm khoảng 1,5 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến 2 triệu đồng/kg như mùa tết vừa qua. Anh Tuấn Anh cho biết sự “lên hương” của tỏi cô đơn một phần nhờ vào chất lượng thực sự của tỏi, một phần nhờ sự giới thiệu lan truyền của khách du lịch cũng như cộng đồng mạng.

Với giá trị kinh tế mà tỏi cô đơn mang lại, hiện chính quyền địa phương đang có kế hoạch nghiên cứu để có thể chủ động trồng được loại tỏi này. “Ở Nhật, người ta đã trồng được tỏi cô đơn này”, anh Tuấn Anh cho biết.

Ngoài Lý Sơn, tỏi cô đơn còn được trồng ở Phan Rang thuộc tỉnh Ninh Thuận, nhưng có giá mềm hơn, khoảng 700.000 đồng/kg nếu mua số lượng ít, giảm xuống còn 600.000 đồng/kg nếu mua từ 10 kg trở lên. Với mức giá mềm hơn, tỏi Phan Rang cũng được các doanh nghiệp làm tỏi đen nghĩ đến khi tìm nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện chưa có những phân tích khoa học so sánh thành phần của tỏi cô đơn tại hai địa phương này. Những so sánh, nếu có, chủ yếu dựa vào cảm nhận và sở thích khẩu vị riêng của từng người tiêu dùng.

[box type="download"] Theo lương y Đinh Công Bảy, tỏi tươi có vị cay tính ấm. Ăn tỏi giúp thông khí, tiêu thực và giải độc.

Nếu tỏi tươi có vị nồng và cay thì tỏi đen lại không còn nồng, có vị ngọt, ăn vào cảm giác dẻo như ô mai. Tỏi đen được cho là giúp tiêu hóa, giải độc và bảo vệ gan, có hoạt chất chống ô xy hóa nhiều gấp hai lần so với tỏi thường.

Hiện trên thị trường có hai thương hiệu tỏi đen do Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ xuất nhập khẩu LEO và Công ty TNHH AUM sản xuất. Các sản phẩm có giá dao động 1,65 triệu-1,75 triệu đồng/kg tùy nhãn hiệu.[/box]

...và tiềm năng thị trường

Tỏi đen được cho là có nguồn gốc lâu đời từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng loại tỏi này thực sự được nhiều người biết đến là nhờ Scott Kim, một người Mỹ gốc Hàn đã nghiên cứu phát triển tỏi đen vào năm 2004. Sau đó Scott Kim đem tỏi này phổ biến tại Mỹ, và từ Mỹ lan rộng sang châu Âu.

Tại Việt Nam, từ năm 2011 tỏi đen đã bắt đầu xuất hiện khi ông Cao Quốc Vinh, một người dân tại TPHCM sản xuất thành công loại tỏi này dựa trên công nghệ Nhật Bản và xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Với sức hấp dẫn từ thị trường nước ngoài, gần đây thêm một doanh nghiệp bước chân vào lĩnh vực này, đó là Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ xuất nhập khẩu LEO do ông Nguyễn Leo Long, một Việt kiều Mỹ thành lập. Ông Long cho biết sản phẩm tỏi đen được bán tại Nhật với giá 670 đô la Mỹ/kg, tương ứng khoảng hơn 14 triệu đồng. Nếu quy ra củ thì mỗi củ tỏi đen có giá gần 4 đô la Mỹ.

Giá bán sản phẩm này đủ ấn tượng để ông Long sẵn sàng mua công nghệ Nhật và dành gần ba năm nghiên cứu để cuối cùng sản xuất thành công tỏi đen lên men từ tỏi cô đơn. Hiện trung bình mỗi tháng công ty này tiêu thụ khoảng 7 tấn tỏi tươi để tạo ra thành phẩm là 3,5 tấn tỏi đen.

Sự thành công của ông Vinh, ông Long, cộng với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu tỏi đen Hàn Quốc và Nhật Bản được đóng gói bán tại thị trường Việt Nam đã thôi thúc Học viện Quân y bắt tay vào nghiên cứu đề tài này, và cũng đã thành công.

Một số người cho rằng, tuy sự xuất hiện của tỏi đen chưa đem lại nhiều thay đổi cho đời sống người nông dân trồng tỏi, nhưng nó phần nào tạo thêm giá trị gia tăng, cũng như tìm thêm đầu ra cho cây tỏi của người nông dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối