KIM AN -
Dịp cuối năm luôn là cao điểm mua sắm quà tặng. Nhưng liệu những món quà được gói cầu kỳ so với một phiếu mua hàng, hay thậm chí là tiền mặt, người nhận sẽ ưa thích thứ gì hơn?
Mặt trước của tờ tiền BerkShares chỉ được lưu hành trong vùng.
Đối với một số nước châu Á, việc tặng quà bằng tiền mặt được coi là mang lại may mắn cho người cho cũng như người nhận, như những phong bao lì xì. Nhưng đối với các nước phương Tây, điều này lại bị xem là không đúng phép lịch sự cho lắm, mặc dù việc tặng tiền mặt thay tặng quà dễ dàng cho người cho lẫn người nhận vì họ có thể sử dụng tùy theo ý muốn.
Tiền mặt mang tính cổ điển và an toàn, mặc dù từng có thời thẻ tín dụng hay thẻ ngân hàng đe dọa làm tiền mặt không cần phải hiện hữu. Vẫn có một số loại tiền mặt lại có sức hấp dẫn rất riêng bởi chúng có thiết kế mang tính biểu tượng, như tờ 2 đô la Mỹ, đồng đô la bằng bạc có hình Kennedy, hay sắp tới đây là có tờ 10 đô la Mỹ mới sẽ in hình người phụ nữ.
Ngoài ra, ở một số vùng nhất định, có những đồng tiền được thiết kế mang tính nghệ thuật rất cao, mà chính quyền vùng đó phát hành nhằm kêu gọi người dân ủng hộ cho các doanh nghiệp nhỏ thay vì các chuỗi cửa hàng lớn. Ví dụ mới nhất là tờ tiền BerkShares ở miền Tây Massachusetts, Mỹ, có hình vẽ củ cải. Các đồng tiền địa phương khác bao gồm cả các con dấu đóng bằng đất sét, như tại khu Santa Barbara Missions, California, hay tại Ithaca Hours, New York có loại tiền bằng giấy được chấp nhận ở hơn 300 điểm quanh khu vực. Ngoài các khu vực nội bộ thì những đồng tiền này không có giá trị ở bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu như người nhận đón nhận món quà bằng tiền mặt một cách vui vẻ đi chăng nữa thì vẫn còn khó đối với người tặng cho dù đưa tiền dưới hình thức nào. Jacqueline Whitmore, chuyên gia về phép lịch sự tại Palm Beach, Florida (Mỹ), nói: “Hiếm khi nào có được sự hồi đáp như mong đợi”. Thật vậy, khi hình ảnh của món quà với những dây ruy-băng cột quanh và chiếc hộp to, đẹp được đặt trên bàn có lẽ làm người nhận hồi hộp hơn. Trên thực tế, không ai đưa lên mũi hít hà tờ 100 đô la. Người Á Đông có một giải pháp hữu hiệu, lâu đời để trao tiền thưởng hay tiền lì xì là thường bỏ vào bao đỏ như lời chúc may mắn đầu năm.
Một số người tranh cãi, cho rằng một món quà không gì khác hơn là làm giảm giá trị của đồng tiền. Theo nhà kinh tế học Joel Waldfogel viết trong một cuốn sách của ông hồi năm 2009, cho rằng thường có sự khác biệt giữa người nhận quà nghĩ về trị giá món quà của mình và cái mà họ sẵn sàng để trả tiền nếu họ mua cho chính họ. Lấy ví dụ, nếu ai đó tặng bạn món quà có giá trị 50 đô la thì bạn có suy nghĩ nếu có số tiền đó thì mình sẽ không mua đúng món đó, mà mua những món khác mà bạn nghĩ bạn sẽ cần hơn.
Mỗi năm vào mùa lễ Giáng sinh, chỉ riêng tại Mỹ, người tiêu dùng chi ra xấp xỉ 616 tỉ đô la tiền cho quà cáp và khoảng 123 tỉ đô la mỗi năm chi phí cho các giấy gói quà bị vứt đi sau đó, nên có đến khoảng 20% giá trị của món quà bị lãng phí. Và với những món quà chung mà các doanh nghiệp thường nhận của nhau cuối năm, một lệ thường là nhân viên bốc thăm nhận quà, chắc chắn không phải ai thích sô cô la cũng đều bốc được gói kẹo sô cô la, và rồi nảy sinh thêm một “quy trình” phụ khác là phân phối lại quà, nhưng không phải ai cũng thích điều này.
Có thể các phiếu quà tặng, thẻ quà tặng phần nào đó giúp người tặng lẫn người nhận dễ dàng hơn nhưng phiếu quà tặng lại thường có thời hạn sử dụng, trong khi tiền mặt là vô thời hạn. Tiền mặt có thể lạnh lùng nhưng nó lại có giá trị và kéo dài lâu hơn, ít ra là theo Công ty Tư vấn Cornerstone Advisors khi công ty này cho rằng con người sẽ còn sử dụng tiền giấy trong 200 năm nữa.