Thứ tư, Tháng Một 8, 2025

Tăng thuế bảo vệ môi trường: Người tiêu dùng gánh hết

Tâm An-Anh Quân-

Câu chuyện tăng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng lại được nhắc lại. Và lần này cũng không khác trước, nhiều chuyên gia cho rằng nếu đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Bộ Tài chính (từ 3.000 đến 8.000 đồng/lít) được thông qua và áp dụng ở mức cao nhất, giá xăng sẽ tăng lên đáng kể mà người “chịu trận” không ai khác chính là người tiêu dùng.

Gần 40% là thuế

Những người trong ngành tính toán, ở thời điểm hiện tại, khi mua mỗi lít xăng, người tiêu dùng đã đóng cho ngân sách khoảng 6.300 đồng tiền thuế các loại, chiếm hơn 39% cơ cấu giá bán lẻ. Mức thuế này sẽ còn tăng lên nếu đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Bộ Tài chính được thông qua.

Giá xăng bán lẻ sau kỳ điều chỉnh giảm 440 đồng vào ngày 5-7 vừa qua đã về mức 16.060 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel tăng 120 đồng/lít lên mức 12.950 đồng/lít và dầu hỏa tăng 280 đồng/lít lên 11.660 đồng/lít.

Dựa vào những con số về giá bình quân nhập khẩu 15 ngày, từ 20-6 đến 4-7 (mức 55,96 đô la Mỹ/thùng), mức thuế bình quân gia quyền (9,31%) mà Bộ Công Thương công bố có thể thấy hiện tại, người dân đang đóng khoảng 800 đồng thuế nhập khẩu, gần 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường và gần 1.500 đồng thuế giá trị gia tăng (10%) mỗi khi mua mỗi lít xăng. Tổng các loại thuế này chiếm 39,2% trong giá bán lẻ hiện hành (16.060 đồng/lít).

Bên cạnh đó, người đổ xăng cũng còn phải “gánh” các khoản khác như 300 đồng cho quỹ bình ổn giá xăng dầu, 1.050 đồng/lít cho chi phí định mức của doanh nghiệp, 300 đồng cho lợi nhuận định mức.

Tất cả những yếu tố này đã khiến giá CIF (bao gồm giá nhập, cước vận tải và bảo hiểm) của mỗi lít xăng khi về đến cảng ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 8.300 đồng/lít nhưng cuối cùng thì người tiêu dùng phải mua với giá 16.060 đồng/lít như đã nói ở trên.

Nếu tách riêng khoản thuế bảo vệ môi trường thì sắc thuế này hiện đang chiếm 18,7% giá bán lẻ của xăng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của sắc thuế này là được tính theo số tuyệt đối (3.000 đồng/lít) thay vì tỷ lệ phần trăm như các sắc thuế khác nên dù giá nhập khẩu thành phẩm có tăng hay giảm thì con số người dân phải đóng trong từng lít xăng vẫn không thay đổi, tức hoàn toàn không được hưởng lợi khi giá nhập khẩu đi xuống.

xangNếu đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Bộ Tài chính được thông qua và áp dụng ở mức cao nhất, giá xăng sẽ tăng lên đáng kể.  Ảnh: Thành Hoa

Giá bán lẻ sẽ tăng

Mới đây, Bộ Tài chính trong báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục giữ quan điểm xin tăng sắc thuế này với xăng lên khung mới, từ 3.000 đồng đến 8000 đồng/lít. Khung hiện hành là 1.000 đến 4.000 đồng/lít và đang áp dụng ở mức 3.000 đồng/lít.

Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho áp dụng ngay ở mức cao nhất là 8.000 đồng/lít thì ngay lập tức, giá bán lẻ sẽ bị đẩy lên. Lấy ví dụ, kể cả trong trường hợp giá nhập khẩu bình quân 15 ngày của RON92 vẫn là 55,96 đô la Mỹ/thùng, thuế nhập khẩu vẫn là 9,31%, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng vẫn là 10% như hiện nay thì giá xăng bán lẻ sẽ lên mức mới 21.060 đồng/lít. Lúc này, thuế bảo vệ môi trường chiếm 38% và tổng các loại thuế đã chiếm hơn 53% cơ cấu giá bán lẻ. Nói cách khác, người dân bỏ 10 đồng mua xăng thì hơn phân nửa là chịu gánh nặng thuế. Nếu áp thuế ở mức khác, thấp hơn mức tối đa thì giá bán lẻ cũng ngay lập tức tăng thêm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ, chuyện giá bán lẻ bị tác động ngay lập tức khi thuế bảo vệ môi trường tăng là rất rõ ràng dù Bộ Tài chính có “hứa” sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên như thế nào. Bởi lẽ, cứ nhìn vào “lịch sử hứa hẹn” của bộ này cũng như tình hình ngân sách là thấy. Lãnh đạo Bộ Tài chính từng cam kết sẽ không làm tăng giá bán lẻ khi tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít hồi 1-5-2015 nhưng thực tế lại ngược lại.

Vấn đề quan trọng hơn, theo ông Long, tăng khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tác động lớn đến cả nền kinh tế chứ không phải chỉ là những người dân mua xăng chạy xe hàng ngày. Bởi lẽ, xăng là đầu vào của mọi doanh nghiệp. Trực tiếp thì có các doanh nghiệp vận tải, đánh bắt xa bờ… Gián tiếp thì là tất cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác vì phải dùng xăng, dầu để vận chuyển hàng hóa đến điểm bán.

Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu (không chỉ vì năng suất lao động thấp mà còn vì chi phí vốn lớn khi lãi suất vay cao…), nếu giá xăng còn tăng nữa thì doanh nghiệp càng khó khăn. Muốn giữ biên lợi nhuận thì phải tăng giá bán hàng hóa, sản phẩm. Mà việc này thì cũng cần phải cân nhắc kỹ càng bởi sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ khi hàng hóa từ các nước với giá rẻ hơn ngày càng tràn ngập.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng những năm qua, giá xăng dầu diễn biến thất thường, dẫn đến giá thành vận tải cũng chịu ảnh hưởng theo. Sắp tới, nếu tăng thuế môi trường vào xăng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do vậy, việc tăng thuế môi trường vào thời điểm nào, mức tăng bao nhiêu thì cần tính toán kỹ.

Ông Liên tính toán, hiện xăng dầu chiếm đến 40% trong tỷ lệ giá cước. Nếu tăng thuế môi trường thì giá xăng dầu sẽ tăng thêm 10-20%, khi đó giá vận tải sẽ tăng lên theo. Việc giá xăng tăng cao không chỉ tác động đến doanh nghiệp vận tải mà sẽ tác động trực tiếp đến người dân.

Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải  Minh Liên, cho biết hiện nay, doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn về thuế phí, như phí bảo trì đường bộ, phí BOT tăng hàng năm. Mỗi lần giá xăng dầu biến động, doanh nghiệp luôn phải tính toán để tránh việc tăng giá làm đảo lộn thị trường.

Theo ông Phú, việc tăng thuế bảo vệ môi trường trên giá xăng sẽ tạo ra sự leo thang của giá cả hàng hóa. Một khi chi phí đầu vào tăng thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù vào. Rốt cuộc, người tiêu dùng sẽ gánh hết.

Đại diện một hãng hàng không giá rẻ cho biết, bình quân một máy bay A320 một giờ bay sẽ tiêu tốn khoảng 2,3-2,5 tấn nhiêu liệu (1 tấn tương đương khoảng 810 lít). Nếu một ngày hãng bay tổng cộng 100-120 chuyến, với phí môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì bình quân mỗi ngày hãng sẽ phải tốn thêm 1,5 tỉ đồng riêng cho loại phí này.

Ước tính cả năm 2017, hãng sẽ phải tốn thêm hơn 500 tỉ đồng cho việc tăng thuế  môi trường áp vào giá xăng. “Nếu chi phí đầu vào tăng thì buộc hãng phải tăng giá vé, khi đó giá vé rẻ sẽ ngày càng ít và người dân sẽ ít có cơ hội đi máy bay giá rẻ nữa”, vị này phân tích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối