PHAN CHÚC -
Tháng 6, 7 chính là thời điểm sinh viên năm cuối tất bật với việc tìm kiếm cho mình một chỗ thực tập hợp lý. Với những sinh viên học ngành sư phạm, ngành y hoặc sinh viên các trường thuộc khối vũ trang thì việc phân bổ địa điểm thực tập không khó khăn lắm. Song với các ngành học như kinh tế, kỹ thuật, xã hội... thì việc tìm được một chỗ thực tập đúng nghĩa không phải là chuyện dễ dàng cho sinh viên.
Với sinh viên không có mối quan hệ thì mọi chuyện càng không dễ dàng. Hơn nữa với đặc thù như ngành kinh tế, kỹ thuật nhiều công ty e ngại nhận sinh viên thực tập vì sợ “vướng bận chân tay” hoặc sợ lộ bí mật công ty... Đôi khi sinh viên đã nhận vào thực tập nhưng chỉ phân công làm những việc vặt như pha trà, rót nước, quét dọn, photocopy công văn giấy tờ... Thậm chí, có những công ty, cơ quan còn cho phép sinh viên ở nhà và cuối kỳ thực tập mang giấy tờ đến công ty để được nhận xét, đánh giá.
Việc thực tập của sinh viên là rất cần thiết để người học bước đầu tiếp cận với công việc sau khi ra trường cũng như đánh giá, kiểm tra lại những gì mình đã học. Do vậy sinh viên, ngoài việc nhờ nhà trường tìm chỗ thực tập thông qua mối quan hệ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, thì nên chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, làm quen với doanh nghiệp ngay khi còn đi học, để có chỗ thực tập trước khi ra trường. Đồng thời, trong quá trình thực tập nên cố gắng học hỏi chuyên môn, tìm hiểu cách thức làm việc, rèn luyện các kỹ năng mềm như giao tiếp, xây dựng mối quan hệ… để không lãng phí thời gian thực tập.
Bên cạnh đó, các công ty, cơ quan cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập, để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng không chỉ biết lý thuyết mà còn vững về thực hành, đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội.