HÀ ĐÌNH NGUYÊN -
Đã thành truyền thống, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân là giới nghệ sĩ của “Sài Gòn xưa” lại có dịp quây quần bên nhau để tâm sự chuyện đời, chuyện nghề hoặc có cơ hội lên sân khấu phô diễn những “ngón nghề” sở trường xưa. Và cũng để chạnh lòng bởi bạn bè năm ngoái hãy còn, năm nay không thấy nữa.
Tao ngộ bằng huynh trao quà cho các nghệ sĩ.
Người viết được ca sĩ Ánh Tuyết rủ rê đến với “Tao ngộ bằng huynh” từ ba năm trước (cũng là lần đầu tiên Ánh Tuyết tham dự rồi tự nguyện trở thành mạnh thường quân cho hội nhóm này). Chú Trương Phước Hoài (Hoài Mập, từng là tay trống chơi trong một ban nhạc Philippines ở các vũ trường Olympia, Đồng Khánh, Ma Kaban trước 1975) nay là trưởng nhóm cho biết, vào cuối năm 2005, một số anh em nghệ sĩ tổ chức họp mặt ở quán Cây Sung (bờ kè kênh Nhiêu Lộc, quận 3) rồi quyết định sẽ tổ chức họp mặt hàng năm và lấy tên là “Tao ngộ bằng huynh”.
Nhóm quy tụ khoảng 200 nghệ sĩ (đa số là các nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ hài... mà phần lớn đã thành danh trước năm 1975, bây giờ mỗi năm mỗi “rơi rụng” do tuổi tác). Những năm trước đây, nhóm do chú Xuân Mỹ (kèn saxo téno), rồi anh Liêm (guitar) phụ trách, sau khi hai người này lần lượt qua đời thì chú Hoài Mập nhận trách nhiệm.
Mỗi dịp “Tao ngộ bằng huynh” tổ chức họp mặt là một dịp để thế hệ trẻ tỏ lòng ngưỡng mộ những nhân vật đặc biệt trong lĩnh vực ca nhạc, sân khấu... mà nay đã vào ngưỡng “bách niên thượng thọ” nhưng vẫn nặng lòng với nghề, như các cụ Tám Lang (97 tuổi, chơi trống), cụ Chẻn (97 tuổi, kèn trompette), Cụ Bê (nữ, chơi piano), Thái Vampi, Thành (kèn saxo téno), Thành Lùn (guitar, phải ngồi xe lăn vì tai biến)... Đặc biệt khả năng biểu diễn của các “bô lão” vẫn rất điêu luyện: một Phùng Trọng khiến người ta nhớ đến tay trống vang danh của ban nhạc Khánh Băng-Phùng Trọng một thời, một Tòng Sơn với cây kèn harmonica vẫn thật bay bướm trong Cánh bướm vườn xuân, người nghe chạnh lòng nhớ tới bạn diễn “song kiếm hợp bích” với ông là nghệ sĩ kèn saxophone Huỳnh Hoa lừng danh một thời. Rồi “quái kiệt” Tùng Lâm, “quái kiệt” Đoàn Dự chơi đàn guitar bằng… răng. Hay nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên cây đàn piano hoặc nữ ca sĩ U 70 Kendy Xuân với những bài hát ngoại quốc bốc lửa… Không chỉ thế hệ các “bô lão” mà còn có các thế hệ kế thừa như nghệ sĩ trống Khắc Triệu (chồng ca sĩ Cẩm Vân) và những ca sĩ còn rất trẻ khác.
Những nghệ sĩ lớn tuổi biểu diễn cho đồng nghiệp của mình xem trong nhóm Tao ngộ bằng huynh.
“Tao ngộ bằng huynh 2016” được tổ chức tại nhà hàng Lộc Ẩn (Tân Bình, TPHCM). Năm nay, NSND Kim Cương lần đầu tiên tham dự, chị nói: “Thật tiếc, mãi đến lần tổ chức thứ 12 tôi mới đến với “Tao ngộ bằng huynh” được vì không ai cho hay. Một mô hình tương trợ của các nghệ sĩ rất đáng hoan nghênh. Tôi không giúp đỡ được gì nhiều nhưng nhiều năm qua tôi có chân trong Ban Chấp hành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM nên có thể giúp đỡ các cô chú, anh em khi phải mổ mắt hoặc mổ tim”.
Trong buổi họp mặt, cử tọa còn được dịp tán thưởng tài nghệ của bà Mỹ Hoa (82 tuổi), bà đi hát từ năm 15 tuổi rồi học violon với một nghệ sĩ nước ngoài và trở thành nữ ca sĩ kiêm nhạc công violon đầu tiên ở miền Nam trước năm 1975. Lần này bà lên sân khấu hát một lúc bốn bài hát tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và biểu diễn violon nhấn nhá tiếng chim hót làm ai cũng phải ngưỡng mộ. Đến với “Tao ngộ bằng huynh” lần đầu còn có diễn viên Huỳnh Thanh Trà. Trước 1975, ông là diễn viên trong ban kịch Sống (của kịch sĩ Túy Hồng, vợ nhạc sĩ Lam Phương), ông từng đóng vai chính “Loan Mắt Nhung” trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lê Dân (theo truyện dài Loan Mắt Nhung của Nguyễn Thụy Long), đóng cặp cùng ông là nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vai Xuân.
Gặp gỡ trong buổi họp mặt, nhà báo Ngọc Giao bày tỏ cảm xúc: “Trước 1975, dân trong giới nghệ sĩ có câu “nhất Biếu, nhì Giao, tam Đăng, tứ Ngọc” để chỉ bốn ông bầu sô nổi tiếng là Hoàng Biếu, Ngọc Giao, Sĩ Đăng và Duy Ngọc. Nay ba người đã ra đi chỉ còn một mình tôi (Ngọc Giao), buồn nhất là Duy Ngọc mới mất tháng trước". Chú Trương Phước Hoài cũng ngậm ngùi thông báo “Chúng ta lại vĩnh biệt thêm hai người, đó là anh Phúc (trống) và anh Minh Tấn (vũ sư)”. Dịp này, ban tổ chức cũng đã trao 40 phần quà cho các nghệ sĩ già, neo đơn (1 triệu đồng/phần) trích từ số tiền quyên góp của ca sĩ Ánh Tuyết (45 triệu đồng), chú Hoài vận động Việt kiều 1.000 đô la (của nhà báo Trần Quốc Bảo và ca sĩ Phương Hồng Quế), NSND Kim Cương (10 triệu đồng)… và rất nhiều tấm lòng hảo tâm khác.
Vậy đấy, ở Sài Gòn luôn có một “Tao ngộ bằng huynh” – nơi để giới nghệ sĩ ca nhạc, sân khấu ở TPHCM trao đổi tâm tình và chia sẻ ấm nồng trong những mùa xuân yêu thương.