Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tạo sự khác biệt trong mỗi sản phẩm để hút khách sau dịch Covid-19

(SGTT) - Đại dịch Covid-19 khiến xu hướng du lịch của khách sẽ thay đổi. Khách sẽ lựa chọn loại hình gần gũi với thiên nhiên theo hướng du lịch xanh, du lịch nông nghiệp và những trải nghiệm thú vị mang yếu tố nghỉ dưỡng hơn là chỉ khám phá.
Ông Stiermann Martin (đứng), Giám đốc khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ricefield Lodge ở Phong Điền, Cần Thơ trong một chuyến chở khách tham quan.

Trong chương trình livestream trực tuyến trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị diễn ra hôm 12-8 với chủ đề: Xu hướng du lịch nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19 do Sài Gòn Tiếp Thị và Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện, ông Stiermann Martin, Giám đốc khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ricefield Lodge ở Phong Điền, Cần Thơ, cho rằng, hình thức du lịch nông nghiệp sẽ thu hút du khách khi hết dịch.

Thật ra, loại hình du lịch nông nghiệp đã là một trong những hình thức khá hấp dẫn du khách trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, đã có nhiều tour mở ra đón khách như một ngày làm nông dân, bỏ phố về vườn…

Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi xu hướng và nhu cầu của con người. Sau đại dịch, mọi người sẽ không thích đi xa, thường chỉ đi trong bán kính khoảng 300km hoặc di chuyển với thời gian khoảng 4 giờ đồng hồ.

Mô hình lưu trú kết hợp tham quan vườn khép kín tại Ricefield Lodge, Phong Điền, Cần Thơ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia du lịch, vì lo sợ sự lây lan của dịch nên sẽ hạn chế di chuyển bằng xe lớn; cùng với đó, nhiều người có điều kiện hơn sẽ thích du lịch theo hình thức “cá thể hóa”, đi nhóm nhỏ với gia đình hoặc bạn bè.

Theo ông Stiermann Martin, những khách đến từ Đức và châu Âu thường họ thích loại hình du lịch nông nghiệp. “Khoảng 2 năm trước khi đại dịch xảy ra, tôi quan sát khách của mình đến từ châu Âu, thấy khách đến từ Đức, Hà Lan, Pháp… họ không có quá nhiều hoạt động trải nghiệm nên thường chỉ lưu lại khoảng 2, 3 ngày rồi đi”, ông nói.

Theo các chuyên gia du lịch, khách châu Âu thích tắm biển (ngâm mình trong nước) nên các khu nghỉ dưỡng hướng tới thị trường quốc tế thường sẽ phải có bể bơi cho khách.

Ngay như sản phẩm du lịch nông nghiệp dành cho nhóm đối tượng du khách trong nước cũng không có nhiều trải nghiệm. Thông thường chỉ là tham quan vườn cây ăn trái, khám phá ẩm thực vùng hoặc tát mương bắt cá…

“Những chủ doanh nghiệp cần tạo nhiều hoạt động cho khách; cần có sự kết nối giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với nhau để giữ chân khách lâu hơn”, ông Martin đề xuất.

Một góc vườn tại Ricefield Lodge.

Để làm được điều đó, theo ông Martin, mỗi điểm đến phải xây dựng thành điểm duy nhất, khác biệt về hoạt động trải nghiệm… mới tạo được lợi thế để níu giữ chân du khách bởi những sự mới lạ.

Ngay như tại Ricefield Lodge, ông chủ này đã giữ điểm du lịch của mình yên tĩnh và độc đáo. Ngoài ra, trước dịch Covid-19, tại khu nghỉ dưỡng này đã có dịch vụ cho du khách tham quan các khu vực khác như kênh Xáng Xà No hay tham quan khu vực khác bằng tàu cao tốc để khách trải nghiệm dịch vụ một cách đầy đủ.

Ông Martin cũng cho rằng, sau dịch lượng khách sẽ giảm nhiều, không còn như trước nhưng chắc chắn khách nước ngoài sẽ trở lại Việt Nam và chất lượng khách sẽ cao hơn trước rất nhiều.

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối