Nhân Tâm -
Trong ba năm qua, các hoạt động văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn, thành phố Đà Nẵng không những giúp người dân và du khách hiểu về các giá trị văn hóa địa phương mà còn giúp tạo ra “cú hích” cho ngành du lịch thành phố biển miền Trung.
Giá trị gia tăng
Thứ Bảy tuần qua, anh Kim cùng bạn của mình đến chụp hình tại khu vườn tượng điêu khắc dọc bờ sông Hàn trên đường Bạch Đằng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Vị du khách người Hàn Quốc này cho biết đã đến đây được một tuần. Tối thứ Bảy tuần trước, anh xem chương trình âm nhạc đường phố diễn ra trên vỉa hè dọc sông Hàn, sau được thưởng thức màn “rồng phun lửa, phun nước” tại khu vực cầu Rồng. “Thật là tuyệt vời. Tôi thật là may mắn,” anh cho biết.
Âm nhạc đường phố và rồng phun lửa, phun nước là hai trong số khoảng 30 hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức xuyên suốt trong năm 2018 dọc hai bờ sông Hàn. Bà Dương Lê Phương, Phó phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, cho biết đây là năm thứ ba liên tiếp thành phố Đà Nẵng tổ chức các hoạt động trên hai bờ sông Hàn nhằm tận dụng lợi thế về vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên của con sông này.
“Điểm mới trong năm nay là sự kiện "Phiên chợ sách" do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật cuối tháng của mỗi quí trong khuôn viên thư viện và vỉa hè phía bờ sông đường Bạch Đằng,” bà Phương cho biết. Đà Nẵng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hai bên bờ sông nhằm giới thiệu cho người dân và du khách về văn hóa truyền thống của Đà Nẵng, qua đó giúp bảo tồn và phát huy giá trị, nâng cao nhận thức của người dân, tạo điểm du lịch mới cho du khách và nhà đầu tư.
Đại diện các công ty du lịch cũng đồng tình, cho rằng các hoạt động văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn rất hữu ích, giúp lôi kéo khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, những hoạt động này đa dạng, sinh động, giúp du khách có nhiều lựa chọn. Đây được xem là những giá trị gia tăng mà các công ty du lịch đem lại cho du khách khi đến thành phố biển này.
[box type="bio"] Lễ hội pháo hoa gắn liền với thương hiệu Đà Nẵng và nó vẫn tiếp tục là từ khóa hot cho du lịch Đà Nẵng trong nhiều năm. Bên cạnh đó, không gian, cảnh quan thành phố dọc bên bờ sông Hàn rất đẹp, hiện đại, gợi cho chúng ta nghĩ đây là thành phố ở một nước phát triển. Trong khung cảnh đó, có một không gian âm nhạc đường phố làm tăng thêm rất nhiều chất văn minh đô thị du lịch.
Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Travelmart.[/box]
Tuy không đưa ra những con số cụ thể, nhưng bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist ) - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết các hoạt động này góp phần giúp tăng lượng khách du lịch của các công ty nói chung và công ty của bà nói riêng. “Vào mùa hè, không chỉ có lượng khách nội địa đông hơn mà khách Trung Quốc, Hàn Quốc và khách Tây cũng tăng,” bà Thuận nói và cho biết thêm các dịch vụ kinh doanh khác như nhà hàng, khách sạn, quán ăn dọc hai con đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo cũng được hưởng lợi nhờ lượng khách tăng.
Ông Nguyễn Như Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietnam Travelmart, cũng cho rằng việc Đà Nẵng quan tâm đến các hoạt động văn hóa, lễ hội trong ba năm qua có tác động tích cực đến ngành du lịch thành phố, “góp phần đa dạng hóa các hoạt động giải trí của người dân thành phố, đặc biệt là hướng đến khách du lich.”
Ông Nam cho biết thêm từ khi thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội dọc hai bờ sông Hàn, công ty của ông luôn bám sát các kế hoạch chương trình để khai thác, triển khai bán sản phẩm đến với nguồn khách, cả trong nước và khách quốc tế. “Đa phần những khách hàng khi nhận được sản phẩm kết hợp tham gia vào các lễ hội địa phương đều phấn khích. Ví dụ như sản phẩm du lịch Đà Nẵng kết hợp xem pháo hoa và các lễ hội phụ trợ bán khá chạy ở nhiều thị trường khách du lịch khác nhau,” ông Nam cho biết.
Kích cầu du lịch
Mặc dù đánh giá cao những giá trị mà các hoạt động văn hóa và lễ hội này đem lại, nhưng đại diện các công ty du lịch cho rằng để tạo ra giá trị bền vững cho những hoạt động này, từ đó kích cầu du lịch về lâu về dài, thành phố cần cải thiện nhiều vấn đề.
Đầu tiên là tăng cường thật nhiều các tiện ích công cộng, đặc biệt là khu vực vệ sinh công cộng. “Đây là điều nhạy cảm nhưng cũng là điều gây cảm tình và đánh giá độ hài lòng về điểm đến của bất kỳ du khách nào,” ông Nam cho biết. Theo ông, tiện ích về giao thông, bao gồm quy hoạch nơi dừng xe để đón/trả khách và luồng xe ưu tiên cho khách đoàn khi tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội cũng nên được cải thiện.
Bà Thuận của BenThanh Tourist cũng cho rằng, việc phân bổ hợp lý nơi đậu đỗ xe và quy định cụ thể về các loại xe đậu đỗ dọc hai bờ sông Hàn là rất quan trọng. Điều này giúp tránh tình trạng bát nháo, lộn xộn, tạo nên hình ảnh không hay trong lòng du khách.
“Khách du lịch, đặc biệt là khách Tây, rất thích các hoạt động giải trí về đêm. Tôi cũng đề nghị nên có nhiều hoạt động về đêm nhằm kéo khách đến lâu dài. Khi họ thấy thích, họ sẽ quay trở lại,” Bà Thuận nói.
Theo bà, cần làm phong phú và hợp lý thêm các hoạt động. Ví dụ, không nhất thiết phải cố định phun lửa, phun nước vào 21 giờ ngày thứ Bảy và Chủ Nhật nhằm tránh tình trạng quá tải khi tất cả khách du lịch đổ dồn về cầu Rồng để xem. “Tổ chức vào các ngày trong tuần hay các hoạt động hấp dẫn khác trong cùng khung giờ để kéo giãn khách là giải pháp,” bà chia sẻ.
Những người trong ngành cho rằng, ngoài các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn… thì vẻ đẹp sông Hàn giữa lòng thành phố cũng thu hút rất đông người dân và du khách đến thưởng lãm. Vì vậy, việc thành phố tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hai bên bờ sông là điều quan trọng trong quá trình xây dựng hình ảnh điểm đến.