Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Tạo thói quen đọc sách: khó mà dễ

(SGTT) - Việc đọc sách đem đến nhiều lợi ích, ai cũng biết, nhưng cũng như thể dục, biết là có lợi cho sức khoẻ nhưng nào phải ai cũng tập thể dục. Nhất là thời bây giờ, người người mải mê lướt mạng Internet khiến việc ngồi lại đọc sách càng lúc càng trở nên xa vời.

Tạo thói quen đọc sách thường xuyên sẽ giúp bồi dưỡng tâm hồn và làm giàu kiến thức.

Sách tác động vào tâm hồn mỗi người bằng con đường tình cảm và tự giác. Quá trình này không hiển hiện rõ từng bước, có khi người ta cũng không nhận thức được. Nhưng không thể phủ nhận rằng, sách thanh lọc tâm hồn và hướng con người tới những điều tốt đẹp.

Đọc sách một cách có... kỷ luật

Làm sao để có thói quen đọc sách? Câu hỏi vẫn cứ bật lên cho bản thân, cho những ai vẫn còn tin rằng đọc sách là một thói quen tích cực; chỉ là khi ta cầm sách lên thì điện thoại lại nhấp nháy khiến tay và mắt khó rời khỏi màn hình công nghệ. Câu hỏi này cũng bật lên khi chúng ta nghĩ đến cảnh không lẽ mai mốt con cái của mình cũng suốt ngày dán mắt vào điện thoại chứ không thích lần giở các trang sách?

Muốn trẻ con có thói quen đọc sách thì trước hết, người lớn phải là tấm gương.

Thói quen nào cũng gắn liền với kỷ luật. Chứ việc cao hứng nhất thời mua chồng sách về rồi chụp tấm hình bìa sách nào đó đăng lên mạng xã hội kèm vài dòng như “quân tử ba ngày không đọc sách mặt mày nhợt nhạt” thì cũng chỉ là “sống ảo”. Kỷ luật là dù bạn làm gì làm, mỗi ngày phải dành ra tối thiểu từ 15 đến 30 phút để đọc sách. Và biết đâu khi đọc được một cuốn sách phù hợp nhu cầu hiện tại thì ta sẽ có thể say sưa đọc, tranh thủ đọc. Ba mươi phút thành ra bốn mươi phút, và từ chỗ giữ kỷ luật mà có thêm cảm hứng sẽ càng làm cho việc đọc trở nên dễ dàng hơn.

Nếu như một người chưa hề đọc sách, chẳng biết cuốn sách hay thể loại sách nào là phù hợp, có thể bắt đầu từ một vấn đề, một sự trăn trở nào đó của bản thân để quyết định tìm đến sự trợ giúp của sách. Ví dụ, nếu không biết làm sao để quản lý thời gian cho hiệu quả, bạn có thể tìm sách nói về cách quản lý thời gian; nếu đang mang thai thì đọc sách hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ sơ sinh... Đơn giản hơn, bạn có thể chọn những cuốn sách mỏng mỏng, nhẹ nhẹ, chữ to mà đọc... tạo đà.

Các “thành tích” nhỏ như sau bốn ngày đã đọc xong một cuốn sách, đọc vài hôm đã “tỉa” ra được vài điều sâu sắc, tâm đắc để chia sẻ cùng bạn bè hay thảo luận trên mạng xã hội… sẽ là nguồn cảm hứng để hành trình xây thói quen đọc sách của bạn được tiếp diễn.

Thay đổi thói quen hằng ngày

Mỗi tuần, “mọt sách tương lai” có đôi lúc cũng nên thử sống khác đi, như ra ngoài chỉ có cuốn sách cầm theo và nhất quyết để điện thoại ở nhà. Những lúc như vậy, người đọc sách sẽ ít nhiều khám phá sách theo một cách rất khác, có cơ hội cho nhiều điều đọng lại.

Tinh thần tự giác vẫn là thứ nếu tự thiết lập thì sẽ rất hay, hoặc bạn cũng có thể kiếm “đồng minh”. Tìm bạn bè để tạo sức ép, ép buộc mình làm theo một điều gì đó cũng là cách để xây dựng một thói quen. Chuyện sĩ diện, tự hào với bạn bè chuyện mình có cái áo, cái túi xách hàng hiệu cũng có thể áp dụng với chuyện mới đọc được cuốn sách nào thú vị.

Ngoài ra, tham gia nhiều nhóm đọc sách online như “Thách thức 100/10/1” - tức hành trình 100 ngày đọc sách, một ngày phải đọc được 10 trang, hay “5AM” - thức dậy lúc 5 giờ sáng để đọc sách… cũng là cách hay để người đọc tìm được những người có cùng sở thích, tìm ra những luật chơi thú vị để ép mình vào kỷ luật. Bạn cũng có thể tìm kiếm các từ khoá thích hợp, như nhóm đọc sách, hội thách nhau đọc sách... trên Google để gia nhập. Những hội này không chỉ có luật chơi vui vẻ như ai vi phạm sẽ phải đóng tiền mua sách tặng trẻ con, mà qua đây, bạn còn có cơ hội để được giới thiệu những cuốn sách hay.

Đọc một cách linh hoạt

Thời của kỹ thuật số, việc đọc sách giấy, sách điện tử hay nghe sách nói… đều được khuyến khích, miễn là nắm được nội dung. Người không thích hoặc không quen đọc thì nghe sách nói cũng là một cách hay để tiếp nhận kho tàng kiến thức từ sách. Những ai đổ lỗi tại sách mắc quá lại còn cồng kềnh thì ebook là giải pháp. Và như một câu nói: muốn thì tìm giải pháp, không muốn thì có cả triệu lý do.

Bạn có thể đọc nhanh, đọc những dòng tóm tắt nội dung sách thông qua thông tin trên các trang mạng, qua lời giới thiệu của những người đã từng đọc. Bạn có thể tranh thủ “đọc” qua người khác để rồi sau đó có thể cân nhắc đọc cuốn sách A hay cuốn sách B.

Giả sử bạn là sếp và muốn xây dựng văn hóa học tập trong doanh nghiệp thì sách là một gợi ý phù hợp bởi chi phí thấp. Ví dụ, bạn cho nhân viên đi học về cách bán hàng, chăm sóc khách hàng nhưng nhiều khả năng nhân viên của bạn sẽ học đâu rồi quên đó. Vậy nên, việc có thêm những cuốn sách cùng chủ đề thì sẽ thêm một dịp đào sâu kiến thức. Thậm chí xây dựng được không khí đọc, tinh thần đọc trong đội ngũ nhân viên cũng là cách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp: học hỏi, tiến lên.

Có thể khi đọc hết những lý do trên đây, bạn vẫn chưa muốn xây dựng thói quen đọc sách vì thấy những lợi ích của việc đọc sách còn mơ hồ quá. Vậy thì xin chia sẻ cùng bạn câu chuyện nhỏ sau đây. Đó là có một người cháu hỏi ông nội về ý nghĩa của việc đọc sách. Sau khi nghe cháu nói: Con đọc mãi mà chẳng nhớ được gì, người ông nhờ cháu mang một chiếc giỏ ngày thường đựng than để ra sông lấy nước. Chiếc giỏ thủng lỗ chỗ nên mãi không lấy được chút nước nào. Tuy nhiên, khi người cháu quay về định than phiền với ông nội, mới chợt nhận ra chiếc giỏ đã sạch tự khi nào...Bạn tin không, việc đọc sách cũng tương tự vậy thôi.

Võ Ca Dao

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối