LÊ ANH -
Sau khi di chuyển bến tàu cánh ngầm từ bến Bạch Đằng, quận 1 về khu cảng Nhà Rồng, quận 4, đội tàu cánh ngầm tuyến TPHCM -Vũng Tàu vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng lượng khách đã giảm khá nhiều so với trước.
Từ khi có đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, lượng khách đi tàu cánh ngầm có giảm so với trước đó.
Các hãng tàu cánh ngầm gặp nhiều khó khăn trong năm 2014 khi mà cả ba hãng lớn chạy tuyến TPHCM-Vũng Tàu phải ngưng chạy trong thời gian dài để kiểm tra chất lượng tàu, do xảy ra vụ cháy tàu cánh ngầm vào đầu năm 2014.
Sau khi hoạt động lại vào cuối tháng 8-2014 thì đến đầu năm 2015 các hãng tàu lại phải dời bến từ Bạch Đằng sang khu cảng Nhà Rồng, được xem là không phù hợp lắm cho việc rước khách. Cùng thời gian này, đường cao tốc TPHCM -Long Thành-Dầu Giây được khánh thành tạo thuận tiện hơn trước đối với giao thông đường bộ. Vì thế, hoạt động của các tàu càng khó thêm.
Tuy vậy, các hãng tàu hiện nay vẫn duy trì hoạt động tại bến tàu này.
Vào đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua, Công ty Greenlines DP đã chính thức đưa một chiếc tàu cao tốc vào hoạt động trên tuyến TPHCM-Vũng Tàu. Chiếc tàu này được Greenlines DP đầu tư với giá trị hơn một triệu đô la Mỹ.
Loại tàu hai thân mà Greenlines DP đưa vào sử dụng có ưu điểm là tàu chạy êm và đặc biệt là không tạo sóng gây ảnh hưởng đến các tàu khác. Với tốc độ di chuyển 55-60 km/giờ, thời gian tàu chạy từ TPHCM đến Vũng Tàu là 1 giờ 15 phút.
Giá vé đi tàu là 250.000 đồng/lượt. Đối với hành khách trên 62 tuổi giá vé là 180.000 đồng và trẻ em dưới 11 tuổi là 120.000 đồng; riêng trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí.
Sau nửa tháng khai trương, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty Greenlines DP, cho biết lượng khách đi tàu những ngày cuối tuần khá đông, còn những ngày thường hành khách đi ít hơn.
Greenlines DP cũng cho biết sắp tới công ty sẽ đưa thêm tàu vào hoạt động trên tuyến TPHCM-Vũng Tàu, đồng thời lên kế hoạch mở thêm tuyến bến Nhà Rồng-Củ Chi hoặc tuyến bến Nhà Rồng-Rừng Sác để ngắm cảnh rừng ngập mặn Cần Giờ.
Việc đưa tàu mới vào hoạt động, mở thêm tuyến cũng là cách để Greenlines DP thu hút thêm khách đi tàu. Bên cạnh đó công ty này muốn thay đổi cách nhìn của hành khách về tàu cánh ngầm, gắn với yếu tố thưởng ngoạn thay vì đơn thuần là di chuyển bằng đường thủy.
Đề cập đến tình hình hoạt động của các hãng tàu cánh ngầm, ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tàu cao tốc Vina (Vina Express), cho biết từ khi có đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, lượng khách đi tàu cánh ngầm có giảm so với trước đó. Tuy nhiên, do hành khách đi tàu cánh ngầm chủ yếu là khách đi du lịch từ TPHCM ra Vũng Tàu, chọn đi tàu để ngắm sông nước, vì thế đội tàu của Vina Express vẫn duy trì được.
Đường cao tốc TPHCM-Long Thành -Dầu Giây hoàn thành đã rút ngắn thời gian đi ô tô từ TPHCM ra Vũng Tàu, tương đương thời gian đi tàu cánh ngầm. Tuy nhiên, giá vé ô tô rẻ hơn một nửa so với vé tàu.
Anh Thành, nhân viên một công ty dầu khí tại Vũng Tàu, cho biết kể từ khi có đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây anh đã chuyển sang đi xe khách vì giá rẻ hơn so với đi tàu như trước đây. Hơn nữa, hành khách sẽ được xe đón tận nhà, còn nếu đi tàu hành khách phải bắt taxi ra bến tàu.
Theo giám đốc một hãng tàu, các tàu cánh ngầm hiện phải cạnh tranh rất quyết liệt với ô tô, và có phần yếu thế hơn do các yếu tố về chi phí, thời gian di chuyển, và cả vị trí bến tàu không thuận tiện như nói trên. Ông cho rằng sở dĩ loại hình vận chuyển bằng tàu cánh ngầm còn tồn tại được là vì khách có thể thấy thú vị khi ngồi tàu ngắm cảnh sông nước.