Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Tàu chậm đến tương lai

TRẦN MINH -

Nhật Bản, vườn thiền, Ryoan-ji..., những cái tên cứ ám ảnh tôi từ nhỏ, từ khi đọc một bài báo mô tả cái vườn thiền ở chùa Ryoan-ji (Kyoto, Nhật Bản) - nơi có những hòn đá lúc ẩn lúc hiện. Cuối cùng tôi cũng đạt được ước nguyện khi làm du khách đến đây trong một ngày mưa ảm đạm. Rất ngạc nhiên, thay vào cảm giác sung sướng vì toại nguyện lại là sự hồi tưởng về cuộc chia tay với người bạn thân đã lâu lắm rồi.

Tân Sơn Nhất - ga đi - 20 năm trước... Trong đám đông chen chúc tôi tìm đến bạn để nói vài lời chia tay trước khi bạn ra đi để định cư ở vùng đất xa xôi. Bạn làm vị trí quản lý cho một công ty lớn với mức lương không nhỏ thời đó. Trẻ trung, hoạt bát, năng động, tương lai của bạn đang rất rộng mở. Vậy nên khi bạn không ngần ngại quyết định đến lập nghiệp ở một môi trường mới có phần nào bất ngờ.

- Bạn ơi, tại sao lại ra đi?

- Mình muốn thấy một xã hội phát triển, một chân trời mới khoa học công nghệ tiến bộ.

- Cái giá phải trả là từ bỏ bạn bè, người thân và cả sự nghiệp phía trước.

- Mục đích sống của con người là gì? Không phải là vươn lên bắt kịp thời đại sao?

- Nhưng bạn ơi, điều đó có phải là mục đích duy nhất để sẵn sàng đánh đổi mọi thứ?

- Không thể ngồi đáy giếng mà tự vui sướng với khoảng trời của mình.

Nói vậy, rồi đường bạn bạn đi và thời gian cứ thế mà trôi. Tôi cũng cố gắng qua nhiều “khoảng trời” để tự hỏi có phải mình cố hạnh phúc khiên cưỡng trong cái đáy giếng chật hẹp không.

Kyoto – Ryoan-ji – vườn thiền... Dù là một ngày mưa, mây đen u ám, nhiệt độ chỉ vào khoảng 5 độ C, lạnh run người nhưng dòng du khách vẫn lũ lượt nối đuôi nhau vào ngôi chùa và khu vườn thiền nổi tiếng.

Dòng người cuồn cuộn ở ga Shibuya (Tokyo) được nhiều người cho là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống hối hả của một thế giới phát triển.
Dòng người cuồn cuộn ở ga Shibuya (Tokyo) được nhiều người cho là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống hối hả của một thế giới phát triển.

Vườn thiền ở Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng. Quả thật, vườn thiền ở xứ này luôn có lối kiến trúc đặc trưng với cây, nước, đá, cát... và tất cả đều được xếp đặt theo một ý tưởng rõ rệt. Ở những khu vườn Nhật Bản, luôn cảm nhận được sự hòa trộn giữa con người và thiên nhiên một cách trật tự. Nhưng tôi nghĩ người ta nói nhiều đến chúng còn vì lý do khác.

Tokyo - Shibuya - Starbucks Coffee... Với nhiều du khách đây là địa điểm yêu thích khi đến Nhật Bản. Người ta phải tranh nhau để có một chỗ ngồi bên cửa sổ mà nhìn xuống dưới đường nơi những dòng người cuồn cuộn, hối hả ra vô ga Shibuya, một trong những nhà ga có mật độ khách đông nhất thế giới. Một cảnh tượng đặc trưng của nước Nhật.

Những lần đầu đến Nhật, tôi có cái cảm giác bị ngợp trong những trò chơi công nghệ. Dường như người dân ở đây có nỗi đam mê áp dụng công nghệ mới lạ vào cuộc sống. Từ nhà vệ sinh cho đến trạm xe buýt, máy bán nước công cộng, thùng rác... ở đâu có thể là có những màn hình LCD, chạm, nhấn, quẹt...

Xã hội tự động hóa, máy móc hóa, và con người cũng như là một bộ phận của cỗ máy khổng lồ đó. Một nhân viên đứng cúi chào một cửa hàng trống không trước khi bước vào, một người lái tàu tự ra dấu với chính mình khi cho tàu tăng tốc... là điều không hiếm gặp.

Tất cả điều đó góp phần tạo thành một xã hội nhìn rất hiện đại, hoàn hảo, tiên tiến. Dòng người mặc áo đen nối đuôi nhau di chuyển như những đợt sóng tại Shibuya như minh chứng hùng hồn cho cả xã hội cùng quyết tâm lao nhanh về tương lai. Hình mẫu đó đang được rất nhiều quốc gia cố gắng vươn đến.

Kyoto - Ryoan-ji - vườn thiền... Trong môi trường như vậy thì vườn thiền được nhắc đến một cách đặc biệt là điều dễ hiểu. Vườn thiền như là nơi để những thân thể rã rời vì cuộc sống công nghiệp, máy móc, bon chen... đến tìm vài giây phút yên bình.

Vườn thiền ở chùa Ryoan-ji (Kyoto) nổi tiếng thế giới vì vẻ đẹp đơn giản của đá và sỏi.
Vườn thiền ở chùa Ryoan-ji (Kyoto) nổi tiếng thế giới vì vẻ đẹp đơn giản của đá và sỏi.

Vườn thiền Nhật Bản là đặc sản của đất nước này, và mảnh vườn ở Ryoan-ji là “món ngon” nhất trong “bữa tiệc” đặc sản đó. Vườn Ryoan-ji khoảng 250 m2 và rất đơn giản, chỉ gồm 15 hòn đá đủ kích cỡ trên nền cát sỏi. Không hề có bóng dáng cây xanh. Mảng xanh duy nhất là những mầm rong rêu hiếm hoi bám quanh các hòn đá.

Điều làm mảnh vườn nhỏ bé này nổi tiếng thế giới là vì các hòn đá được khéo xếp đặt đến nỗi đứng nhìn từ bất kỳ vị trí nào xung quanh vườn cũng không thể thấy đủ 15 hòn. Khi người quan sát di chuyển đến vị trí mới sẽ thấy hòn đá bị che khuất hiện ra và đồng thời hòn đá khác bị che khuất. Người ta nói rằng 15 hòn đá không bao giờ được thấy đầy đủ đó cũng như không bao giờ chúng ta có thể hiểu đầy đủ về cuộc đời. Nền đá sỏi của vườn hàng ngày được các nhà sư cày thành những làn sóng nhỏ một cách tỉ mỉ tạo cảm giác 15 hòn đá trôi bồng bềnh trên con sóng cuộc đời. Vườn Ryoan-ji như một sân khấu, có lẽ chính vì thế mà bên dưới mái hiên chùa ngay bên cạnh vườn người ta làm nhiều bậc tam cấp lớn như những hàng ghế trong khán phòng nơi du khách có thể ngồi mà thưởng thức vở kịch thiền không lời, không diễn viên.

Tôi cố gắng kiếm một chỗ trong khán phòng dưới mái hiên đó. Xung quanh là du khách đủ màu da với đủ kiểu thưởng thức vườn thiền. Người thì đứng ngồi không yên để giành nhau chỗ chụp hình “selfie” tốt nhất, người thì đi lòng vòng quan sát vườn đủ góc cạnh như nhà khoa học đang nghiên cứu, người thì cười nói và chẳng tỏ vẻ quan tâm gì đến vườn, người thì lớn tiếng giảng cho người khác nghe hiểu biết của mình về triết lý thiền, người thì ngồi ngủ... Khán phòng có vẻ cũng là cuộc đời.

Bao quanh vườn là một bức tường gạch màu nâu đỏ. Người ta đồn rằng bức tường đó đã tồn tại như vậy hàng mấy thế kỷ từ khi khu vườn được hình thành. Sở dĩ nó được giữ nguyên trạng vì hình thức và màu sắc của nó rất hài hòa với khung cảnh vườn, tạo nên một vẻ đẹp wabi-sabi (là vẻ đẹp từ sự không bình thường, không hoàn hảo, không trọn vẹn của sự vật theo quan điểm thẩm mỹ của người Nhật).

Với tôi thì bức tường đó quả thật không bình thường. Ngồi nhìn khu vườn ngẫm nghĩ về cuộc đời mình, rồi nhìn vào bức tường đơn giản hoen ố vì thời gian đó có cảm giác như thước phim quá khứ của mình đang được chiếu lên. Tôi nhớ những kỷ niệm ấu thơ, nhớ những ngày tháng buồn vui chập chững bước vào đời để tranh đấu cho tiền tài danh lợi. Tôi nghĩ đến những được mất và tôi nhớ đến những niềm hối hận vì những bước đi vội vã... rồi nhớ đến người bạn đã chia tay.

Bạn tôi bây giờ đã là một người khác. Bạn là một nhân viên văn phòng khiêm tốn ở trời xa. Cứ hai, ba năm bạn lại về Việt Nam thăm người thân ở cái đáy giếng bạn đã rời bỏ. Khi nói chuyện, bạn chỉ tâm sự về thú vui cuộc sống gia đình, về sự sung sướng mỗi lần gặp lại người thân, ôn lại kỷ niệm xưa. Bạn lẩn tránh mỗi khi nói đến những ước mơ danh vọng, cống hiến cho sự phát triển của xã hội, bạn không nhắc đến những máy móc công nghệ mới, bạn không hào hứng khoe cái smartphone, cái tablet mới.

Ở một môi trường thời thượng về vật chất, khoa học công nghệ có làm mọi người thấy hạnh phúc?

Rất khó nói. Tỷ lệ tự tử ở Nhật trong vài thập kỷ qua luôn ở tốp đầu của các quốc gia phát triển. Thậm chí chính quyền Nhật Bản phải ra hẳn chính sách để hạn chế nạn tự tử. Biết vậy nhưng rõ ràng nếu đã chọn lao vào giữa dòng chảy xã hội thời thượng và hừng hực khí thế như vậy, bạn muốn bước ra là điều không tưởng. Bạn sẽ kẹt trong đó và có khi phải đánh đổi tất cả những gì thân thương hay thậm chí cả cuộc đời.

Tôi đứng lên khỏi bậc tam cấp dưới mái hiên chùa, ngoái nhìn một lần nữa mảnh vườn đá và bức tường cũ kỹ trước khi ra về. Tôi thấy như một lần nữa đứng trước cảnh chia tay. Lần này không phải với bạn mà với việc hối hả lao nhanh về tương lai bằng mọi giá.

Mỗi người có quan điểm sống khác nhau. Mỗi người lựa chọn cách đến tương lai theo ý mình. Riêng tôi ở giữa vườn thiền Ryoan-ji, tôi chọn chuyến tàu chậm đến tương lai, đi chậm để kịp thấy những mất mát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối