Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025

Taxi không ngại “so găng” cùng Uber, Grab, nếu…

Chí Thịnh -

Các hãng taxi cho rằng họ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng nếu Uber và Grab cũng bị kiểm soát giống như họ. Ví dụ như các hãng taxi được phép thay đổi giá cước linh hoạt qua đồng hồ điện tử, họ sẽ có sức so găng cùng Uber, Grab.

Cần được đối xử như nhau

MaiLinhtaxxi-hiephoitaxxiHCMHiện tại, các doanh nghiệp taxi truyền thống muốn hoạt động phải có đủ 13 điều kiện kinh doanh, ví dụ như phải có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc, có ít nhất 10 xe (đối với đô thị lớn phải có tối thiểu 50 xe)…

Tại buổi tọa đàm “Taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh cùng Uber, Grab” do báo Pháp luật TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh taxi cho rằng Nhà nước phải quản lý Uber, Grab giống như taxi truyền thống. Còn như hiện nay có sự kiểm soát đối với taxi truyền thống, trong khi Uber và Grab lại không bị kiểm soát bởi các quy định dành cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Theo ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Taxi Vinasun, trong đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử, Uber và Grab đăng ký với hình thức là công ty cung cấp ứng dụng công nghệ, kết nối các đơn vị vận tải hành khách. Như vậy, họ sẽ cung cấp phần mềm cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tự các đơn vị này thực hiện giao dịch cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, Uber và Grab lại hoạt động như các hãng taxi, trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng (qua ứng dụng Uber, Grab), quy định giá cước, khuyến mãi, điều kiện thanh toán…

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT TPHCM), cũng cho rằng lẽ ra Uber chỉ làm nhiệm vụ cung cấp phần mềm cho đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải, sau đó đơn vị này sẽ ký hợp đồng với khách hàng mới đúng quy định pháp luật.

Đại diện các hãng taxi Vinasun, Mai Linh nhận xét, theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì các doanh nghiệp taxi truyền thống muốn hoạt động phải có đủ 13 điều kiện kinh doanh, ví dụ như phải có trung tâm điều hành, đăng ký tần số liên lạc, có ít nhất 10 xe (đối với đô thị lớn phải có tối thiểu 50 xe)… Nhưng trong khi đó, Uber và Grab lại không chịu sự ràng buộc này mặc dù hai bên hoạt động kinh doanh giống nhau.

Ngoài ra, theo các hãng taxi, cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý thêm hiện tượng xe nhàn rỗi (xe cá nhân), không đăng ký giấy phép kinh doanh vận tải, tham gia vào hoạt động chuyên chở hành khách qua ứng dụng di động. Hoặc vẫn còn một số xe Uber, Grab chưa dán logo pháp nhân đơn vị kinh doanh vận tải (tên hợp tác xã vận tải, nơi tài xế, chủ xe đăng ký chạy xe hợp đồng).

[box] Lượng xe đăng ký phù hiệu vượt gấp đôi quy hoạch

Theo thông tin từ Sở GTVT TPHCM, số lượng xe hợp đồng được sở cấp phù hiệu hiện tại đã vượt gấp hai lần so với quy hoạch taxi (11.000 xe). Nếu như vào tháng 8-2016 chỉ có hơn 9.400 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng thì tới tháng 2-2017 đã có tổng cộng hơn 21.000 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng (xe dưới 9 chỗ ngồi).[/box]

Bỏ đồng hồ cước, được không?

Tại buổi tọa đàm, có một ý kiến đặt vấn đề rằng liệu các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống có thể bỏ đồng hồ tính cước (thường gắn cố định trên taxi), chuyển sang tính cước trên máy tính bảng, ứng dụng gọi xe giống như Uber, Grab hay không. Điều này có thể giúp cho các hãng taxi tăng thêm sức cạnh tranh với Uber, Grab.

Đại diện hãng taxi Vinasun cho biết, hiện tại hầu hết taxi của Vinasun đã được gắn máy tính bảng, cài đặt ứng dụng Vinasun app, có thể kiểm tra lộ trình di chuyển trên bản đồ số, tính cước qua ứng dụng, quản lý đội ngũ taxi từ xa. Tuy nhiên, theo quy định về kinh doanh vận tải thì Vinasun vẫn phải tính tiền đi taxi qua đồng hồ tính cước.

Ông Giao của Sở GTVT TPHCM cũng nhận định, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã có sự tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ, ra mắt các ứng dụng gọi xe, hoạt động chuyên chở hành khách của các doanh nghiệp taxi gần đây cũng tốt hơn trước, khách hàng được chăm sóc…

Theo ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc Công ty Taxi Mai Linh, hiện Uber và Grab có thể áp dụng hình thức linh hoạt tăng, giảm giá cước trong ngày mà không bị cơ quan nhà nước quản lý. Chẳng hạn, sáng sớm là lúc lượt khách đi xe không nhiều thì họ điều chỉnh mức giá cước thấp để cạnh tranh với các hãng taxi, nhưng khi bước vào giờ cao điểm, nhu cầu đi xe tăng lên, họ sẽ tăng giá cước lên cao. Trong khi đó, doanh nghiệp taxi muốn thay đổi giá cước sẽ phải làm nhiều thủ tục như thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, kiểm định đồng hồ tính cước…

Các hãng taxi cho rằng, nếu cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận cho họ bỏ đồng hồ tính cước cùng các quy định ràng buộc khi doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá cước thì sẽ góp phần tăng điều kiện cạnh tranh cho các hãng. Các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ chuyển qua sử dụng máy tính bảng, smartphone, ứng dụng gọi xe để kết nối, giao tiếp với khách hàng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu (không phải chạy xe rỗng đón khách), tăng thêm tiện ích cho người tiêu dùng khi đón taxi…

Xét về quyền lợi người tiêu dùng, nếu như các hãng Taxi phục vụ tốt, có thêm tiện ích gọi xe qua di động, giá hợp lý, thì người tiêu dùng vẫn sẵn sàng gọi taxi. Còn nếu như các hãng taxi vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, muốn được tăng thêm ưu đãi, sẽ khó lòng cạnh tranh với Uber, Grab, cũng như khó khăn trong việc thu hút khách hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối