Chí Thịnh -
Uber Việt Nam bắt đầu tăng giá cước từ ngày 24-8. Điền này khiến nhiều người cho rằng các hãng taxi ở Hà Nội và TPHCM sẽ giảm bớt sức ép cạnh tranh khi giá cước UberX sau khi tăng giá đã gần như ngang bằng với giá cước một số hãng taxi tại Hà Nội.
Mất lợi thế giá rẻ
Việc áp dụng công nghệ đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tình hình cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Ảnh: Như Quỳnh
Nhiều người cho rằng, bắt đầu từ ngày 24-8, khi giá cước UberX tăng lên 8.500 đồng/km tại TPHCM và 8.000 đồng/km ở Hà Nội thì Uber phần nào đã mất lợi thế về những cuốc xe giá rẻ. Với mức tăng này, giá cước UberX ở Hà Nội đã gần sát với giá niêm yết của một số hãng taxi, hiện đang ở mức 10.000 đồng/km.
Đó là chưa kể giá cước 8.000 đồng/km của UberX chưa bao gồm cước phí tính theo thời gian (300 đồng/phút) tại Hà Nội. Theo cách tính của Uber, giá cước sẽ được tính dựa trên ba phần, gồm giá mở cửa xe, khoảng cách di chuyển và thời gian di chuyển. Tại Hà Nội, hiện tại chỉ áp dụng giá tối thiểu 15.000 đồng (những chuyến đi ngắn dưới 2km).
Ví dụ, tại Hà Nội, một chuyến xe đi quãng đường 10 km trong vòng 30 phút thì số tiền phải trả sẽ là: 8.000 x 10 (km) + 300 x 30 (phút) = 89.000 đồng, chứ không phải là 8.000 x 10 km = 80.000 đồng. Theo cách tính này thì giá cước taxi ở Hà Nội hiện nay không quá cao so với xe UberX.
Một số doanh nghiệp kinh doanh taxi ở Hà Nội cho biết, ước tính hiện nay có tới 2/3 số lượng xe ở đây là các dòng xe nhỏ, loại ô tô 4-5 chỗ ngồi. Đây chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với UberX.
Nói về đợt tăng giá này, đại diện Uber Việt Nam có đề cập tới yếu tố giá xăng tăng thời gian qua cũng như mong muốn cải thiện thu nhập cho tài xế chạy UberX.
Trước đó, ông Nguyễn Vinh, đại diện câu lạc bộ Uber Sài Gòn, cho biết giá cước UberX quá thấp nên cũng phần nào thiệt thòi cho những người chạy xe Uber. Câu lạc bộ đã từng lên tiếng đề nghị công ty Uber tăng giá cước UberX.
Trên thực tế, có những cuốc xe quá ngắn, tiền cước tài xế thu được chỉ vào khoảng 15.000-20.000 đồng. Giới tài xế thường gọi các cuốc xe này là những cuốc “đưa đò”. Đó là những cuốc xe đưa nhân viên văn phòng đi ăn trưa, thường là 1-2 km, có những cuốc chỉ có 500-600 m.
Tuy nhiên khi trao đổi với một số tài xế chạy UberX thì được biết, cước phí ở TPHCM có tăng lên 1.500 đồng/km nhưng khoản thưởng mỗi tuần cho tài xế lại giảm thì thu nhập nhìn chung cũng không tăng bao nhiêu.
[box] Trong bảng xếp hạng giá taxi năm 2017 được đưa ra bởi Carspring, một trang web kinh doanh ô tô trực tuyến (Anh quốc), đã có 80 thành phố trên toàn thế giới được khảo sát để tìm ra những nơi có mức cước taxi rẻ nhất.
Trong số 20 quốc gia đầu tiên trong bảng xếp hạng, Hà Nội (Việt Nam) được xếp hạng 10 về mức cước taxi còn thành phố Bangkok (Thái Lan) xếp hạng 7. Cước phí đi taxi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội (sử dụng xe 4 chỗ) là 323.000 đồng, còn cước phí tính trên quãng đường 3 km vào khoảng 47.500 đồng. Còn taxi ở Bangkok đi từ sân bay về thành phố mất cước phí khoảng 251.6000 đồng, cước phí quãng đường 3 km là hơn 37.000 đồng.[/box]
Tăng tốc cạnh tranh
Nhiều người cho rằng, các hãng taxi truyền thống nếu không có sự đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ (gọi xe qua di động), nâng cao chất lượng… sẽ khó lòng cạnh tranh với Uber hoặc Grab. Tuy nhiên, hiện tại đã có một số hãng taxi tại TPHCM cũng như Hà Nội đã bắt đầu ứng dụng công nghệ, cho phép khách hàng yêu cầu xe với nhiều hình thức khác nhau như gọi xe trực tiếp trên trang web, qua ứng dụng di động, qua Facebook, qua tổng đài taxi.
Ông Nguyễn Khương Duy, đại diện Thành Công taxi (Hà Nội), cho biết việc ra mắt ứng dụng @ThanhCong App trên nền tảng Facebook đã giúp hãng hỗ trợ thêm dịch vụ yêu cầu xe qua Facebook Messenger. Việc áp dụng công nghệ đã tạo ra một kênh mới tiếp cận khách hàng dễ dàng, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong tình hình cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.
Ngoài ra, Thành Công taxi cũng áp dụng ứng dụng MOCA để thanh toán, giúp khách hàng thanh toán cước qua ứng dụng di động. Trước đó, Long Biên taxi ở Hà Nội cũng áp dụng công nghệ thanh toán thông qua mã QR code do VTC Pay cung cấp (thẻ thanh toán Long Biên taxi).
Đại diện một hãng taxi sắp ra mắt tại Hà Nội cũng cho biết, công ty sẽ áp dụng công nghệ mới giúp khách hàng có thể yêu cầu xe với nhiều hình thức kết nối khác nhau, thay vì chỉ gọi điện thoại cho tổng đài taxi theo kiểu truyền thống trước đây. Đồng thời, công ty sẽ áp dung mức cước 7.500 đồng/km vào giờ thấp điểm, sẵn sàng cạnh tranh về giá với các ứng dụng gọi xe qua di động như Uber hoặc Grab.
Ngoài ra, có một “mặt trận” khác mà Uber, Grab cũng đang vấp phải sức cạnh tranh khá mạnh là các chuyến xe đưa khách đi sân bay Nội Bài (Hà Nội) cũng như Tân Sơn Nhất (TPHCM). Đã xuất hiện một số ứng dụng gọi xe qua di động tung ra cách thức tính cước đưa/đón sân bay khá thấp (so với taxi) và gần như ngang ngửa so với Uber, Grab.
Các công ty này thường cung cấp dịch vụ chuyên đưa đón sân bay (phổ biến là Nội Bài) với mức cước thấp hơn 20-30% so với taxi truyền thống. Ví dụ, một chuyến đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, taxi truyền thống thu phí 300.000-350.000 đồng (có thể cao hơn) nhưng các ứng dụng này chỉ thu 150.000-170.000 đồng đối với những khách hàng đặt xe trước.
Hiện nay, một số hãng taxi cũng đưa ra mức cước phí cạnh tranh đối với khách hàng có nhu cầu đưa đón sân bay Nội Bài. Cụ thể, Thành Công taxi có mức cước 160.000 đồng/chuyến sân bay Nội Bài-Hà Nội cho khách hàng đặt trước.
Trong khi đó, nếu chưa áp dụng tăng giá theo thời điểm đặt xe (cước phí linh hoạt) của UberX, GrabCar 4 chỗ thì các chuyến xe từ sân bay Nội Bài về nội thành Hà Nội cũng vào khoảng 220.000-250.000 đồng.
Do đó, việc taxi công nghệ tăng giá đang mở ra cơ hội cạnh tranh cho các hãng taxi truyền thống, đặc biệt là khu vực Hà Nội. Với chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ mới, cước phí không thay đổi theo thời gian, các hãng taxi vẫn có thể cạnh tranh cùng Uber và Grab.