(SGTT) - Khi đi làm tour về Sài Gòn hào hùng của một thời khói lửa, tôi lại chạm được vào một góc hoài niệm khác, một ký ức Sài Gòn xưa ngọt ngào, bao dung và hào sảng.
Tôi chưa đủ trình độ, tư tưởng, kinh nghiệm và tuổi đời để bàn chuyện chính trị nhưng vốn yêu lịch sử Việt Nam và lịch sử nhân loại nên chỉ dám nói chuyện tour và chuyện làm tour về lịch sử!
Tôi thích câu nói của ông Võ Văn Kiệt đại ý rằng có những ngày “hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn”. Chiến tranh luôn để lại những vết thương và nỗi đau từ cuộc nội chiến sâu hơn và luôn rỉ máu. Và:
“Cả trăm năm nhà tan cửa nát
Rồi lịch sử cũng chỉ ghi lại vài dòng...”
Đó là chưa kể nhà biên sử bị hãm hại do nghịch ý vua hay có thời kỳ ngoại bang đốt sách hủy diệt văn hóa và lịch sử để đồng hoá dân tộc thì lịch sử lại càng khó ghi nhận cho đầy đủ!
Dù chủ quan và có thể phiến diện nhưng có được tiếp xúc với những người đã thầm lặng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng của họ và dũng cảm đối diện với hiểm nguy kể cả cái chết; đồng thời nghe chính những người con của họ kể những nỗi đau khi trong chiến tranh không được nhìn nhận cha mẹ, thay tên đổi họ, cả tuổi cũng không biết chắc... họ thật sự “mất quê từ thuở làm người giữ quê” như Phan Đắc Lữ nói.
Từ đó, tôi thật sự cảm động và quyết tâm sẽ xây dựng cho được một tour để cùng nhau nhìn lại con đường tình báo âm thầm mà họ đã đi và không được để lại bất cứ dấu vết gì!
Nói đơn giản, ai từng thích các bộ phim “Điệp viên 007”, “Trên từng cây số”, “17 khoảng khắc mùa xuân” , “Mata Harry”... của nước ngoài hay các bộ phim Việt Nam: “Ván bài lật ngửa”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn” thời của thế hệ chúng tôi, chắc chắn tim mình cũng đập loạn nhịp ngay khi nhắc đến cảnh phim. Khi làm tour con đường tình báo, tôi lại một lần nữa thấy tim mình thổn thức!
Và tôi không chỉ gặp những người lính phía bên này, tôi còn gặp những người lính phía bên kia, thỉnh thoảng họ vẫn tranh luận nảy lửa nhưng có lúc lại cùng nhau người đàn, người hát “Mười năm tình cũ”...
Cả những cựu chiến binh Mỹ, Úc và cả Đại Hàn cũng đến và lắng nghe thì tại sao chúng ta lại không thanh thản lần giở vài trang lịch sử nhỉ?
Và khi đi làm tour về Sài Gòn hào hùng của một thời khói lửa, tôi lại chạm được vào một góc hoài niệm khác, một ký ức Sài Gòn xưa ngọt ngào, bao dung và hào sảng.
Từ hình ảnh đẹp của các đồ vật kỷ niệm như chiếc tivi, cái loa cũ mèm, cái máy hát dĩa than, xe 67, xe Honda Dame, xe Cyclo máy, xe Velo Solex; cái giỏ nhựa đi chợ của mẹ... cho đến các món ăn xưa đang dần bị mai một như cơm thố, cà phê bơ, giò cháo quẩy, hủ tiếu... ta sẽ tìm lại được cả một thời dấu yêu.
Từ những cuốn sách cũ, tiếng nhạc dịu êm đến những con đường nhỏ quanh khu chợ Tân Định mà ngày nào tôi cũng đi bộ đến trường, từ những cái quần ống loe, chiếc áo dài hippy cho đến cái kẹp tóc hay cái kiếng mát đen to đùng, cả một vùng trời thương nhớ tuổi thơ hay tuổi thanh xuân ùa về.
Và lớn hơn ký ức tuổi trẻ, tôi hiểu thêm về “phong cách” người Sài Gòn: ung dung Sài Gòn sáng sớm tinh mơ với ly cà phê, đọc báo, đánh cờ và nhân ái từ thùng trà miễn phí đến cái miếu nhỏ 2 tầng ở dưới tán cây si già góc đường Nguyễn Du.
Cái miếu đặc biệt không có ở bất kỳ nơi nào trên đất Việt và có lẽ trên toàn thế giới: miếu thờ những người lính đã tử trận trong chiến dịch Mậu Thân 1968 ở cả hai phe.
Trước kia, tầng trên thờ những người lính Việt Nam Cộng hòa và tầng dưới thờ những người lính Việt Minh, để phân biệt tầng dưới họ gắn thêm ngôi sao nhỏ, sau 1975 thì ngược lại, dẫu ở hai chiến tuyến, họ là anh em đồng bào mà!
Và còn nhiều nữa, nhiều nữa các chất liệu cảm xúc trong tour của chúng tôi.
Hãy tìm lại lịch sử một cách nhẹ nhàng không phán xét, hiểu hơn về dân tộc Việt và người Sài Gòn, không phải thể chế mà là chủ nghĩa anh hùng dân tộc và lòng yêu nước bất diệt!
Phan Yến Ly
Tác giả Phan Yến Ly là một chuyên gia du lịch với hơn 30 làm việc trong ngành. Hiện chị đang là Giám đốc về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, trong đó có sản phẩm du lịch của một công ty lớn đóng trên địa bàn TPHCM.