Vũ Yến -
Bắt đầu thực hiện từ trung tuần tháng 12 năm ngoái, đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ở TPHCM được đánh giá đã tạo sự chuyển biến nơi thị trường. Sau khi vận hành đề án tại một số siêu thị và chuỗi bán lẻ, các đơn vị thực hiện đang hướng đến việc đưa con tem truy xuất nguồn gốc này đến các chợ.
Trên thực tế, hành trình đi đến mục tiêu giúp người tiêu dùng biết rõ về nguồn gốc miếng thịt heo mà họ mua lại là một chặng đường dài còn nhiều khó khăn và thách thức.
Chưa trở thành nhu cầu thiết yếu
Người tiêu dùng tham gia truy xuất nguồn gốc heo tại một siêu thị ở quận Gò Vấp. Ảnh: Thành Hoa
Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị tại một siêu thị thuộc danh sách các điểm bán thịt heo có áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc trên đường Cống Quỳnh, quận 1 (TPHCM), trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 10 giờ 30 phút đã có hơn 10 người đến mua hàng ở quầy thịt. Thế nhưng nhân viên bán hàng vẫn chỉ thực hiện các bước cân hàng, đóng gói, dán biểu giá và giao cho khách mà bỏ qua bước dán tem truy xuất lên gói hàng. Nguyên nhân là do các nhân viên tại đây quên bước gắn tem trong quy trình bán hàng. Những người mua cũng không quan tâm đến việc thịt có hay không có tem nhận diện nguồn gốc. Ở quầy hàng thực phẩm đóng gói sẵn thì những khay thịt heo đã được gắn tem từ trước.
Tại một cửa hàng thực phẩm trên đường Lê Thị Riêng, quận 1, tình trạng tương tự dã diễn ra, nhân viên bán hàng không dán tem và người mua cũng chẳng yêu cầu.
Anh Minh Sơn, một người sống tại quận 1, nói rằng qua báo đài và thông tin gửi qua tin nhắn SMS từ Sở Công Thương TPHCM, anh biết về chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo này. Ở góc nhìn cá nhân, anh thấy không cần thiết phải tải phần mềm ứng dụng Te-food truy xuất nguồn gốc thịt heo về chiếc điện thoại thông minh (smartphone) của mình, bởi anh và người thân trong gia đình luôn mua thực phẩm ở các siêu thị và tin tưởng các mặt hàng nơi đây đã qua các bước kiểm tra về nguồn gốc và tính an toàn, vệ sinh.
Có cùng quan điểm với anh Minh Sơn, chị Vân Phương, sống tại quận Bình Thạnh, cho rằng thịt heo tại các chợ cần được truy xuất nguồn gốc hơn, cụ thể là các mặt hàng đến từ các thương lái, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, chị Nguyễn Nguyệt, sống tại quận Gò Vấp, kể rằng chị đã tải ứng dụng miễn phí Te-food về máy điện thoại của mình ngay sau khi biết về nó và mỗi lần đi mua thịt heo dù tại siêu thị hay cửa hàng tiện lợi chị đều bật phần mềm trong điện thoại lên để “soi” nguồn gốc thịt. Điều này giúp chị Nguyệt an tâm hơn khi nấu cho gia đình những món ăn làm từ thịt và theo chị, những chiếc tem nhỏ bé này sẽ góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo thói quen về việc lựa chọn và mua sắm thực phẩm an toàn.
[box type="download"] Trong buổi làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối thịt gia cầm và trứng vào ngày 9-2 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, Sở Công Thương dự kiến trình UBND TPHCM bản đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng.
Đề án sẽ có sự tham gia của bốn chủ thể gồm trại cung cấp con giống; trại, cơ sở chăn nuôi; cơ sở giết mổ và các đơn vị thương mại.
Theo đó, ứng dụng Te-food sẽ có thêm tính năng hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng. Nếu đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo ở giai đoạn này mới chỉ truy xuất được nguồn gốc heo từ cổng trang trại tới bàn ăn thì đề án truy xuất nguồn gốc gia cầm sẽ truy xuất được nguồn gốc gia cầm từ khi sinh ra cho tới khi tới tay người tiêu dùng. Nét mới của đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng là cung cấp các công cụ hỗ trợ để điện tử hóa chu trình VietGAP. Bên cạnh đó, đề án sẽ thực hiện việc ghi chép tự động, hệ thống quản lý kho điện tử...[/box]
Điều chỉnh để hoàn thiện đề án
Sau hệ thống phân phối hiện đại, Sở Công Thương TPHCM cùng các đơn vị phối hợp đã đưa đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo đến 53 sạp kinh doanh thịt heo Vissan tại tám ngôi chợ ở TPHCM hôm 20-1 vừa qua. Bao gồm chợ Bến Thành (quận 1), Hòa Bình (quận 5), Minh Phụng, Phú Lâm và Phú Định (quận 6), Rạch Ông (quận 8), Bình Thới (quận 11) và Gò Vấp (quận Gò Vấp).
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM, cho biết sau một tháng thực hiện việc thí điểm dán tem truy xuất tại hơn 350 điểm bán lẻ thuộc hệ thống phân phối hiện đại, cơ quan này đã có cuộc đánh giá sơ bộ. Theo đó, một số điểm bán hàng chưa thực hiện tốt việc kích hoạt tem nhận diện và nhiều người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen mua hàng có truy xuất nguồn gốc... Sở Công Thương TPHCM đã gửi văn bản đến các điểm bán hàng nhắc nhở thực hiện nghiêm túc việc dán tem nhận diện lên hàng hóa trước khi bán cho người tiêu dùng.
Đồng thời, theo ông Phương, đến ngày 1-3, 100% các quầy, sạp kinh doanh thịt heo tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn cũng sẽ triển khai chương trình này.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn Vissan cho biết, truy xuất nguồn gốc thịt heo là một đề án mang tính thực tế và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Việc truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng định hướng lại cho ngành chăn nuôi theo hướng sạch, an toàn, đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự thay đổi để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Theo ông Mười, việc kiểm soát chất lượng thịt heo là việc từ lâu nay Vissan đã làm, hiện nay với việc tham gia vào đề án kể trên thì hoạt động này của Vissan được đồng bộ hóa với hoạt động của nhiều đơn vị khác. Sau khoảng 1,5 tháng tham gia chương trình, lượng tiêu thụ thịt heo của Vissan đã tăng lên 10%. Tuy nhiên, ông Mười băn khoăn rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo mới chỉ tạo ra sự chuyển biến nơi kênh phân phối hiện đại, ở các chợ truyền thống đề án đã được triển khai nhưng chưa có tính đồng bộ và chưa tạo ra tác động mang tính tích cực.
“Tôi nghĩ điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ngành chăn nuôi, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với sản phẩm. Đây chính là gốc của vấn đề. Chăn nuôi đúng tiêu chuẩn, an toàn thì người tiêu dùng không còn cần phải truy xuất nguồn gốc nữa”, ông Mười nói. Theo ông, ở các nước phát triển, thực phẩm được mặc định là sạch và an toàn, người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi họ có sự nghi ngờ. Việt Nam nên học kinh nghiệm trong việc đưa ra các quy định cần thiết trong quy trình chế biến và phân phối thịt tươi sống, ví dụ như sử dụng hệ thống công nghiệp giết mổ tập trung, áp dụng các điều kiện về bảo quản thịt tươi sống nơi các chợ...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện đề án. Cụ thể, mở rộng đề án ra các chợ là một trong những phần việc quan trọng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.
Theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, đơn vị tư vấn thực hiện đề án, bước đầu tiên trong hành trình dài này là khuyến khích người tiêu dùng cùng chia sẻ mục tiêu loại bỏ thực phẩm bẩn, đưa TPHCM trở thành thành phố của thực phẩm sạch.
Đề cập đến những điểm hạn chế của đề án, ví dụ như hiện tượng nhân viên tại các điểm bán hàng quên dán tem truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm hay sự thờ ơ của nhiều người tiêu dùng với con tem này..., ông Trung cho rằng cần khuyến khích người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc heo tại các điểm bán hàng, dù là chợ hay siêu thị, vì đây chính là một bước quan trọng để tiến đến loại bỏ thịt heo không an toàn
“Những người thực hiện đề án vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện ứng dụng công nghệ để đưa vào ứng dụng Te-food các tiện ích miễn phí khác. Ví dụ, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm khác như thịt gà, trứng, giá cả, giá trị dinh dưỡng của sản phẩm...”, ông Trung nói.