(SGTTO) - Đối diện những quán nhậu trên đường Trường Sa là nơi mưu sinh của nhiều người vô gia cư. Bên kia đường sôi động tiếng hô "1, 2, 3 dô" đón Tết từ các bàn nhậu. Còn bên kia bờ kè nơi có chiếc võng và vườn rau thì người vô gia cư tìm niềm vui bên những món quà từ thiện do người dân đến phát trong dịp Tết.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2020/01/IMG_1483-1.jpg)
Chị hàng xóm trên đường Trường Sa, quận 3 (TPHCM) bước sang đường qua bờ kè nơi có chiếc võng của chú Trần Văn Hùng đặt chén bánh tét và gà lên trên thành bờ kè. Chị cười nói: "Tết rồi, mời ổng qua nhà ăn cơm mà chắc ổng đi câu cá rồi. Thôi để tạm đồ ăn ở đây cho ổng về ăn vậy".
Theo lời chị kể thì chú đã câu cá mưu sinh trên bờ kè này từ vài năm nay. "Ngôi nhà" trên bờ kè này chỉ có vỏn vẹn chiếc võng mắc vào thành bờ kè, vài thùng xốp để đủ thứ linh tinh chú nhặt được.
Vừa đi câu về, chú Hùng bỏ mấy con ếch còn sống vào các thùng xốp sắp xếp gọn ghẽ bên cạnh thùng rác công cộng rồi lấy chiếc ghế gỗ nhỏ mời tôi ngồi. Chú cùng chiếc võng "chinh chiến" trên bờ kè đã được 4-5 năm.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2020/01/IMG_1490-1.jpg)
Năm nay đã 60 tuổi, chú từng có nhà trên đường Trường Sa này, "chỗ chiếc võng tôi giăng này từng là nhà của tôi", chú nói. Sau khi khu đất trên đường Trường Sa được giải tỏa để xây đường và bờ đê, chú về ở nhà của người chị.
Chú cũng từng đạp xích lô rồi chuyển sang làm thợ hồ, nhưng rồi chú lại bị bỏng nặng năm 1999 khi đang thi công công trình. Sau tai nạn phỏng gần nửa người, chú yếu hẳn nên không ai dám kêu chú đi làm nữa.
Chị em chú cũng không hợp, cứ cãi nhau hoài nên chú ra bờ kè ở vừa tự do hơn mà vừa có thể câu cá kiếm ăn. Không nhà, không vợ con, ra đây ở cùng chiếc võng chú lại thích hơn. Cuộc sống tự do tự tại, ngày ngày đi câu cá, câu ếch mà chú lại thấy vui và không phải lệ thuộc vào ai.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2020/01/IMG_1487-2.jpg)
Chú còn nhặt các thùng xốp rỗng ngoài đường về trồng rau. "Tui thấy giống như tui đang ở làng quê vậy đó. Muốn có thức ăn chỉ cần đi câu cá, câu ếch rồi có rau, bên cạnh lại có bờ kênh. Có ai giàu như tui không?", chú cười nói, "không những vậy, hàng xóm quý mến thường xuyên ra thăm tui, rồi tui lại có nhiều người bạn vô gia cư khác cùng nhau chia sẻ."
Ngày Tết, chú Hùng bận rộn hơn ngày thường nhiều vì phải tiếp khách tại nhà của chú là chiếc võng bên bờ kè này. Ngoài những người hàng xóm cũ đến thăm hỏi, biếu quà Tết còn có nhiều người dân đi phát quà Tết cho người vô gia cư đến tìm. Đến tối, nhiều người vô gia cư khác cũng tụ họp cạnh chiếc võng của chú, cùng nhau mở quà từ thiện.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2020/01/IMG_1493.jpg)
Tôi đã hỏi chú có về thăm người thân vào dịp Tết không chú chỉ lắc đầu dù họ ở rất gần đấy. Thật tâm chú cũng mong được họ đến thăm, cũng hỏi han những người hàng xóm cũ có gặp chị mình không. Vậy mà chú không thể bỏ hết tự ái đến gặp chị mà cũng chẳng có người thân nào đến tìm chú.
Chú Hùng bình thường rất lạc quan, chỉ có ngày Tết thì nhìn người du xuân qua lại bờ kè mới làm chú buồn. Rồi những tiếng reo hò bên bàn nhậu phía bên kia đường như tiếng pháo nổ ngày Tết cũng làm chú chạnh lòng. Chú lại nhớ rằng đáng lẽ mình cũng có mái ấm, cũng dắt díu gia đình đi chơi Tết, nếu không có tai nạn bỏng lần ấy. Và chú lại nhớ đến người ngày xưa đã từng đính hôn với mình.
Rồi chú lại lẩm bẩm "tên trong giấy tờ của tôi là Trần Văn Cường đó." Ánh mắt chú lạc vào không trung một lúc rồi bất giác chú quay sang gọi anh hàng xóm vô gia cư của mình "mày đi đâu nãy giờ, người ta đến phát quà từ thiện đó. Thôi, lát kiếm gì nhậu đi bay, Tết rồi."
Mỹ Huyền