Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Tết Đoan Ngọ: bánh tro, cơm rượu tăng giá nhẹ

(SGTTO) - Dịp Tết Đoan Ngọ, các hoạt động mua bán từ chợ dân sinh, siêu thị đến các trang thương mại điện tử diễn ra sôi động. Theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, giá cả các mặt hàng đặc trưng của dịp này như cơm rượu, bánh ú tro tăng nhẹ với đa dạng mặt hàng do có sự tham gia của nhiều người tự làm và bán trực tuyến.

Bánh tro vẫn là mặt hàng được ưa chuộng dịp Tết Đoan Ngọ hằng năm. Ảnh: Nhung Nguyễn

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch) là ngày Tết truyền thống tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Bên cạnh đó, theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc. Vào ngày này, người ta thường ăn bánh tro, bánh ú, chè trôi nước, trái cây và cơm rượu để diệt sâu bọ, bệnh tật trong người.

Tết Đoan Ngọ năm nay đặc biệt rơi vào khoảng thời gian thiết lập trạng thái bình thường mới sau dịch, nên các hoạt động mua bán hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng cúng, trở nên sôi động, nhộn nhịp. Điều đáng ghi nhận là nhu cầu mua bánh trái dịp Tết Đoan Ngọ vẫn ổn định, không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng tăng nhẹ 2%-5%. Cụ thể, bánh tro có giá dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/10 - 12 cái loại có nhân, 20.000 - 30.000 đồng/chục loại không nhân. Cơm rượu có giá dao động khoảng 10.000 - 15.000 đồng/100g. Bó lá xông (lá trừ tà) có giá khoảng 10.000 đồng/bó.

Khảo sát trên các trang thương mại điện tử, siêu thị online, dịch vụ bán đồ cúng trên mạng cũng đang được quảng cáo rầm rộ. Nhu cầu khách hàng đặt mua ngày càng nhiều vì sự tiện lợi, phù hợp với những người không có thời gian chuẩn bị hay đi chợ truyền thống.

Một số gia đình, cá nhân có tay nghề làm bánh tro hay cơm rượu cũng nhân Tết Đoan Ngọ này làm tại nhà và bán hàng qua mạng xã hội. Nhờ uy tín cá nhân và giá cả phải chăng, dễ đặt hàng, bánh tro “nhà làm” được nhiều chị em nội trợ thời 4.0 chọn lựa. Theo đó, bánh tro bán qua các trang mạng xã hội có giá dao động từ 50.000 - 65.000 đồng/10 - 12 cái, loại có nhân. Nhân bánh tro cũng được sáng tạo thêm thành nhân đậu xanh sầu riêng, nhân đậu xanh dừa, nhân đậu đỏ, nhân trứng muối mặn… Cơm rượu, chè trôi nước bán qua mạng xã hội có giá cao hơn chợ truyền thống, khoảng 30.000 đồng hộp từ 10 - 15 viên.

Bánh tro không nhân ăn kèm mật mía bán qua mạng có giá 40.000 đồng/10 cái. Ảnh chụp màn hình.
Bánh có nhân chỉ từ 50.000 đồng/10 cái. Ảnh chụp màn hình.
Cơm rượu, chè trôi nước có giá khoảng 30.000 đồng hộp 10 - 15 viên. Ảnh chụp màn hình.

Trái cây cũng là mặt hàng không thể thiếu trong dịp này. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã tăng cường chuẩn bị nhiều mặt hàng trái cây tươi đủ chủng loại phục vụ cho nhu cầu mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, giá mặt hàng trái cây có giá tăng cao từ 50 - 60% so với ngày thường.

Đặc biệt, thời điểm này còn rơi vào mùa của vải thiều Lục Ngạn, một loại quả thông dụng trong mâm cúng Đoan Ngọ. Giá vải thiều những ngày này đang rơi vào mùa cuối vụ nên có phần nhỉnh hơn đầu mùa, rơi vào khoảng 45.000 - 60.000 đồng/kg, cá biệt một số cửa hàng niêm yết vải thiều loại 1 giá lên đến 100.000 đồng/kg.

Một trang dịch vụ Đồ cúng Việt online đã đưa ra hai phương án mâm cúng cụ thể với giá từ 1 triệu đến hơn 3 triệu đồng/mâm cúng. Ngoài ra, đồ lễ của dịch vụ online trên các trang mạng mua sắm điện tử như Shopee, Lazada... đang rao bán sôi động như nhang hương có giá 7.000đ/bó, giấy cúng ông bà có giá 14.000đ/bộ, tiền vàng 25.000đ/bộ, trọn bộ đồ bánh cổ truyền có giá 280.000 đồng/bộ…

Yến Nhi - Lâm Như

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối