Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Tết là trở về

Cứ khi Tết đến gần, tâm hồn ta dao động.

Ký ức tuổi thơ thật khó quên. Nhớ khi ta như mầm non tin yêu của gia đình và nhà trường, ta biết Tết sắp về là khi cô giáo hay bạn quản ca bắt nhịp cho lớp hát dăm bài ca về Tết. Còn giờ đây, ta biết Tết là khi người ta phát nhạc xuân từ mấy chiếc loa rần trời kéo dọc theo hè phố, cho có khí thế.

Những người con xa xứ phải đón tết tại TPHCM cùng nấu bánh chưng để nhớ "mùi" tết. Ảnh: Nam Bình.

Hôm rồi, tình cờ nghe được câu nhạc chế từ chú bảo vệ vui tính: “Nghe xuân sang thấy trong lòng mình ứa gan...”, biết có những người sợ Tết, chắc cũng vì nhiều lẽ riêng, mà dễ cảm thông nhất là vì trách nhiệm, bổn phận của mỗi người đối với dịp đoàn tụ hiếm hoi trong năm của cả gia đình, sao cho tròn vẹn.

Lại ngược về ký ức tuổi thơ, Tết ngày ấy, ta là đứa trẻ hăm hở đón mẹ đi chợ về cùng chiếc giỏ ăm ắp những củ kiệu, gấc, thanh nứa, lá dong, hoa trái..., và chắc chắn không thể thiếu mấy bộ quần áo mới tinh cho con trẻ. Sáng 29 Tết, trẻ con năn nỉ bố đưa đi xem “đánh đụng” lợn và bà con trong xóm xúm xít chia nhau thịt thà. Chiều 29 Tết, cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng, trẻ con cũng gói ghém bằng được những chiếc “bánh cóc” không giống ai, cho riêng mình.

Giờ thì chẳng còn mấy nhà chịu tốn công, tốn sức. Những việc ấy đã có các cửa tiệm dịch vụ đáp ứng người tiêu dùng. Các siêu thị vẫn ra rả rao khuyến mãi, tha hồ mua sắm, chẳng thiếu thứ gì, chỉ sợ thiếu tiền. Bây giờ cũng đã bớt cảnh còng lưng dọn nhà ăn Tết, vì cứ rước máy móc về cho nó làm thay...

Và tuổi thơ, mùi Tết rõ như mùi cơm xôi, bánh nếp của mẹ, mùi thịt thơm ngậy với hương vị gia truyền từ gian bếp nhà mình, mùi hoa lá tỏa hương, mùi áo mới tinh tươm được cất cẩn thận trong tủ gỗ... Mùi nào ra mùi nấy, không nhầm lẫn vào đâu trong từng không gian cảm nhận, trong từng gom góp chân thành cho cái Tết. Mùi Tết ngày nay hơi khó mô tả, nhưng những người đã phải lớn lên như tôi có thể sẽ gật gù rằng trước tiên là... mùi tiền, rồi mới thấy mùi khác!

Nói cho ngay có ai thực dụng và “sốt sắng” như tôi? Mỗi tháng trong năm tình nguyện nhắc mình nhét vào heo đất những tờ tiền màu xanh, màu hồng. Cuối năm nhẩm tính, cộng lương tháng 13, thêm tiền thưởng Tết (nếu có), rồi tiền làm thêm..., gom góp lại sau cả năm ròng rã “cày cuốc” để dậy lên khát khao đón một cái Tết ấm no. Lòng tôi còn nôn nao khi nghe những thanh âm đợi chờ đầy thấp thỏm, mong ngóng vào lúc lên đường về quê ăn Tết. Có lúc sợ nghe “xin lỗi”, sợ bị hoãn chuyến ở cảng hàng không. Có khi hối hả ở bến xe chen chúc, lữ khách không khỏi lo lắng về chuyến xe vừa đắt đỏ vừa mệt mỏi.

Để rồi sau bao nếm trải, những mùi vị, thanh âm rất đỗi đời thường của một năm được trút bỏ lại phía sau khi ta đứng trước hiên nhà mình. Là đoàn viên, là tìm về những âm hưởng, dư vị đích thực của Tết mà phải trở về quê nhà mới thấy. Vì ta thuộc về nơi ấy, nơi gìn giữ hồn cốt, tâm tình ta.

Và Tết cũng chỉ gói gọn trong ba ngày đầu năm. Theo truyền thống Công giáo ở Việt Nam, “ba ngày Tết” là dịp để mỗi người ghi nhớ: ngày mùng 1 cầu bình an cho gia đình, quê hương và cho mình. Ngày mùng 2 dành kính nhớ ông bà, tổ tiên, nguồn cội đã làm nên tấm thân ta, ta luôn mang theo công ơn và tình thương vô bờ bến của các bậc sinh thành để sống sao cho xứng đáng. Ngày mùng 3 cầu cho công ăn việc làm, để bằng trí khôn, sức khỏe và đôi bàn tay góp phần kiến tạo cuộc đời này ngày một tốt đẹp hơn lên.

Có lẽ âm hưởng ba ngày Tết như thế cũng đủ! Đủ cho một năm phía trước chẳng mong tài lộc nhiều ngoài sự bình an và khả năng làm chủ đôi tay để lao động chân chính và cống hiến. Đủ cho một năm phía trước với hành trình mới: đi để trở về.

Vì Tết là trở về...

Trần Duy Thành

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân Tân Sửu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối