Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Tết này đi đâu, làm gì khi đến Huế?

(SGTT) - Dưới đây là một số điểm vui chơi đón Xuân đầy ấn tượng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 tại Thừa Thuên Huế.

Tuy dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng với những nỗ lực của Huế, chắc chắn du khách sẽ có những cảm nhận đầy bất ngờ khi đến du Xuân tại vùng đất Cố đô đầy thơ mộng và mến khách.

Bờ sông Hương, thành phố Huế

Cầu gỗ lim dọc bờ sông Hưởng: Ảnh: Visit Huế

Với diện mạo đô thị Huế được chăm chút kỹ càng, ngày một đẹp hơn, xanh, hơn đặc biệt là nhiều sắc hoa, khách du Xuân không thể bỏ qua điểm “check in” cực kỳ ấn tượng tại không gian đi bộ bên bờ sông Hương với điểm nhấn là công viên – đài phun nước đa sắc màu tuyệt đẹp; các tiểu cảnh ở công viên; trong đó nổi bật là tượng “gia đình hổ” ở đài phun nước cùng với các thảm hoa rực rỡ sắc màu sẽ mang đến cho du khách những hình ảnh vô cùng ấn tượng.

Với sự đầu tư, nâng cấp trong thời gian gần đây, Tết này cầu đi bộ bờ Nam sông Hương trở nên lung linh hơn khi đêm về với muôn màu ánh sáng rực rỡ, cùng với cầu bán nguyệt ở bờ Bắc sông Hương (trước Cửa Nhà Đồ) thì đây là những điểm “check in” rất nổi tiếng được nhiều bạn trẻ yêu thích mỗi khi đến với thành phố Huế mộng mơ và rất năng động.

Bên cạnh đó với hai vườn hoa mai vàng ở trước Hoàng Thành và công viên dọc đường Lê Duẩn cũng sẽ là điểm chụp hình, thưởng thức “hương Xuân” rất ấn tượng và riêng có tại Cố đô Huế.

Quần thể di sản Huế

Hoàng Thành Huế mở cửa đón Tết. Ảnh: Visit Huế

Đặc biệt, trong các ngày từ mồng 1 đến mồng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa miễn phí tham quan đối với du khách và tổ chức một số hoạt động vui Xuân tại các di tích do Trung tâm quản lý. Trong đêm giao thừa, từ 20:30 sẽ có các hoạt động văn nghệ tại Quảng trường Ngọ Môn.

Ngoài tham quan tại Khu Di sản Huế, du khách và người dân có thể tản bộ, ngắm hoa, chụp hình, “check in” để hòa mình vào không khí đầy chất Xuân tại các con đường dạo đầy xanh mát xung quanh Hoàng Thành Huế.

Đền Huyền Trân

Vào ngày mồng 9 tháng Giêng năm Nhâm Dần, người dân và du khách gần xa sẽ có dịp hòa mình vào Lễ hội Đền Huyền Trân (dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế) - một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cố đô Huế, mang trong mình chút phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.

Chợ phiên Quảng Điền

Tại huyện Quảng Điền, sẽ có một số hoạt động diễn ra như Chợ phiên truyền thống ở thôn Vĩnh Tu, xã Quảng Ngạn (từ 1-2 đến 3-2-2022); Đu tiên tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ; thôn Đông Lâm, Sơn Tùng xã Quảng Vinh (từ 1-2 đến 4-2-2022). Hội Bài chòi sẽ diễn ra từ ngày 2-2 đến 10-2-2022 (mồng 2 đến mồng 10 tháng Giêng). Tại Nhà Văn hóa huyện, từ ngày 29-1-2022 đến ngày 6-2-2022 (27 tháng Chạp đến ngày mồng 6 Tết) du khách sẽ có cơ hôi được tặng chữ đầu Xuân.

Cầu ngói Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn, thành phố Huế. Ảnh: Visit Huế

Tại thị xã Hương Thủy, bên cạnh di tích Cầu Ngói Thanh Toàn nổi tiếng, khách du Xuân sẽ tham gia một số hoạt động trong khung cảnh tại làng quê thanh bình như chơi Bài Chòi cùng một số trò chơi dân gian diễn ra từ mồng 2 tết đến mồng 10 Tết Nguyên đán.

Lên núi du Xuân

Tại huyện A Lưới - một địa chỉ du lịch mới, còn non trẻ nhưng sẽ là một lựa chọn tuyệt vời để bạn tham quan du lịch vào dịp tết Nguyên Đán. Ở đây du khách có cơ hội được khám phá đêm lễ hội đặc sắc A Da Koonh (Mừng Lúa mới) đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, diễn ra lúc 19:30 ngày 28-1-2022 tức 26 tháng Chạp tại Trung tâm Sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới.

A Lưới hiện nay đang có nhiều người lựa chọn cho mình một chuyến đi du lịch để tận hưởng phong cảnh thiên nhiên trong lành và thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Ngoài suối A Lin, thác A Nô, đồi thông thơ mộng đẹp như tranh vẽ thì những ngôi nhà nho nhỏ của người đồng bào dân tộc thấp thoáng trong sương mù dày đặc luôn là điểm cuốn hút du khách khi đến với A Lưới.

Hy vọng rằng khi đến với Huế - “kinh đô ẩm thực”, “kinh đô áo dài”, “thành phố 4 mùa hoa”, “xứ sở mai vàng của Việt Nam” với những sắc diện tươi mới sẽ tạo cho du khách một luồng sinh khí đầy vui tươi, và xua đi những khó khăn bởi dịch bệnh để bắt đầu năm mới đầy hứng khởi, an lành, hạnh phúc.

Không gian hương xưa Tết Việt

Không gian đậm chất Tết Việt xưa. Ảnh: Visit Huế

Tọa lạc tại 313 Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, thành phố Huế, đây là một không gian rất rộng rãi yên bình và còn giữ được khá nhiều “chất Huế xưa” của vùng Vỹ Dạ, nơi mà thi sỹ Hàn Mặc Tử từng bao lần xao xuyến bởi “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” và rất nhiều thi sĩ đã viết rất nhiều bài bản ca Huế nổi tiếng tại nơi này…

Chủ nhân đã nghiền ngẫm và bỏ nhiều công sức đầu tư để sáng tạo nên nhiều không gian đa dạng nhằm phục vụ nhu cầu của cộng đồng du khách, nhất là các bạn trẻ đến check in: Làng tôi đón Tết, Bếp xưa của Mạ, Ông Đồ cho Chữ, May áo tặng Người, Rực rỡ sắc Xuân, Lung linh đèn Phố, Mai vàng trước ngõ, Cây cho Tài Lộc, Rơm vàng quê tôi, Gánh hoa đón Tết, Không gian trưng bày áo dài Nguyễn Triều…

Có thể nói, “Hương xưa Tết Việt” là một điểm đến rất thú vị dành cho tất cả mọi đối tượng trong dịp vui xuân đón tết năm nay.

Nguyễn Hưng

Nhiều người quan tâm