(SGTT) - Ai cũng biết Tết chính thức phải là ba ngày Mùng 1, Mùng 2 và Mùng 3 nhưng hầu như mọi người đều chộn rộn chuẩn bị tết từ khoảng 20 tháng Chạp và từ hôm đưa ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp, Tết Nguyên đán cứ thế mà ùa về gần hơn, bất kể là xã hội nay có thay đổi nhiều đến đâu.
Ở những khu đô thị lớn như TPHCM, nơi người dân nhiều vùng miền đến làm ăn, sinh sống, không khí tết thường đến rất sớm dù người lao động thường được nghỉ tết muộn từ 26, 27 tháng Chạp.
Phố thay áo mới
Từ đầu tháng 12 dương lịch, các khu trung tâm mua sắm đã bắt đầu thay áo mới cho các cửa hàng để chuẩn bị đón Giáng sinh và năm mới dương lịch. Đâu đâu cũng thấy màu đỏ, xanh và vàng biểu trưng của mùa Noel và ở các cửa hàng ven phố, những bài hát Giáng sinh vang lên khiến bao người không nén nỗi cảm giác xôn xao: A, sắp tới Tết rồi đó. Ngày nghỉ Tết Dương lịch qua nhanh, đường phố lại rục rịch thay áo xanh đỏ của Giáng sinh bằng áo vàng và hồng của hoa mai và đào của ngày Tết cổ truyền. Đường phố còn đông hơn trước khi hàng hóa được vận chuyển nhiều hơn qua phố. Nhiều người cho rằng, cảm giác háo hức nhất khi tết đến xuân về là được cùng người thân chuẩn bị đón tết. Trong khung cảnh người chở mai, đào tấp nập; dòng người hối hả tại những bến xe, bến tàu; chợ hoa, chợ tết trở nên náo nhiệt hẳn lên... mỗi người lại có những cảm xúc riêng tư khác nhau trong những ngày giáp tết này.
Lòng người nôn nao
Bạn Nguyễn Thị Yến Nhi, 19 tuổi, nhà ở quận 6, TPHCM, cho biết: “Thường vào khoảng 28 Tết, mẹ sẽ chở tôi đi mua mai, cúc, hoa mào gà ở chợ hoa công viên Văn Lang. Tôi thích nhất là lúc cùng mẹ và bà ngoại dọn dẹp đón tết. Gia đình chỉ có ba người thôi nên tết đến là cùng nhau quây quần, tôi và bà ngoại dọn dẹp, trang trí cây quất, nhà cửa; mẹ nấu ăn. Cả nhà thật sự rất vui và ấm cúng”.
Võ Ngọc Quỳnh Như (21 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh) nói không thể đón tết đơn giản được vì chị sống trong một gia đình có ba thế hệ. Chị Quỳnh Như cho biết: “Nhà tôi xưa giờ ở Sài Gòn. Căn nhà tôi đang ở cùng ông bà ngoại cũng là nhà từ đường, nên cả họ đều quan tâm giữ nếp truyền thống theo sự hướng dẫn của ông bà ngoại”. Chị Quỳnh Như cho biết từ 24, 25 tháng Chạp, gia đình lo chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, đánh bóng bộ lư đồng và chuẩn bị mâm cỗ Tết cổ truyền dù mọi thứ bây giờ đều có thể thuê dịch vụ làm nhanh chóng. Ông ngoại là người chịu trách nhiệm đánh bóng bộ lư hương trên bàn thờ, như một cách thể hiện sự hiếu thảo, kính trọng với ông bà, tổ tiên.
Điều thú vị là cả gia đình nội và ngoại của chị Quỳnh Như đều ở trong cùng một con hẻm, nên cứ vào 30 Tết, cả nhà sẽ ăn cỗ trưa ở nhà ngoại, ăn cỗ tối ở nhà nội và chờ đến giao thừa. Ngoài ra, cứ cách năm, chị em phụ nữ trong gia đình chị Như sẽ cùng hẹn nhau đi may áo dài, rồi cùng diện ra đường vào buổi sáng đầu tiên của năm mới – khoảnh khắc đường phố thông thoáng và bình yên nhất.
Tết còn là dịp đi du lịch
Theo Tiến sĩ Trần Long – Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM – thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo chầu trời, dọn dẹp nhà cửa, dẫy mả, chuẩn bị món ăn ngày tết, đi chợ hoa, mua sắm đồ dùng mới… là những lễ thức đón tết phổ biến ở nhiều địa phương của Việt Nam. Người dân đô thị chuẩn bị khá công phu nhưng không nằm ngoài phong tục đón tết truyền thống. Từ 22 tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu diện đồ đẹp đi chợ hoa tết để chụp những bộ ảnh bên hoa xuân, nhân tiện lựa chọn nhiều loại hoa của các vùng miền đem về chưng tết.
Cũng theo vị tiến sĩ này, ngày tết, ngoài mối quan hệ gia đình, dòng tộc, người Nam Bộ có khuynh hướng thăm viếng những đối tác làm ăn nào gắn bó nhiều với họ trong một năm chứ không “đại trà” như tập tục thăm tết ở miền ngoài.
Văn hóa đi du lịch tết nay cũng xuất hiện nhiều nơi nhất là ở các đô thị. Vui tết đang có xu hướng cá nhân hóa. Khi kinh tế phát triển, người dân có điều kiện sống tốt hơn, mọi người chủ động sắp xếp việc thăm viếng người thân, thăm viếng đối tác rồi đi du lịch, kết hợp vừa ăn tết vừa nghỉ dưỡng. “Việt Nam có 54 dân tộc anh em, là đất nước đa văn hóa. Xu hướng du lịch dịp tết để trải nghiệm văn hóa là một hiện tượng tất yếu, không chỉ du lịch tết trong nước mà còn đi ra nước ngoài nữa. Phong tục đón tết của người Việt Nam linh hoạt, đa dạng, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, tùy thuộc vào tập quán và kinh tế xã hội của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, tất cả đều có đặc điểm chung là thiên về đời sống tinh thần, mong ước một năm mới mọi người, mọi nhà đều được nhiều may mắn, ấm no và hạnh phúc”, Tiến sĩ Trần Long nói thêm.
Nhi Vũ