Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Tết Việt đâu chỉ riêng cho người Việt

(SGTT) - Có rất nhiều người nước ngoài làm việc và sinh sống ở TPHCM. Trong đó, có những người sống lâu đến hàng thập kỷ và xem mảnh đất này là quê hương thứ hai, cho nên mỗi độ xuân về, những “cư dân” mới này của thành phố cũng nô nức đón xuân như cách mà người Việt chào mừng năm mới.

Theo một số liệu chưa đầy đủ, có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại TPHCM. Những “cư dân” mới này không chỉ sống tập trung tại các khu phố “ngoại” như phố Tây ở khu vực Thảo Điền ở quận 2, phố “Seoul thu nhỏ” ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 hay phố Nhật ở đầu đường Lê Thánh Tôn, quận 1 và những con đường gần đó như Ngô Văn Năm, Thi Sách mà còn hiện diện khắp nơi trong thành phố. Với nhiều người, ký ức về Sài Gòn của những thập kỷ trước cũng như cảm xúc về ngày tết ở thành phố này cũng đầy ắp và sâu sắc như người dân bản địa.

Du khách nước ngoài ngoạn cảnh TPHCM. Ảnh: Hoàng Anh

Yêu năng lượng của những ngày tết

Michael Abadie, người đàn ông Mỹ yêu Việt Nam, yêu tà áo dài của phụ nữ Việt Nam đến kỳ lạ và nay, dù vẫn có nhà tại Mỹ nhưng ông gần như sống ở thành phố, thỉnh thoảng mới về Mỹ thăm nhà.

Ông kể, mối lương duyên với Việt Nam và tà áo dài bắt đầu từ khoảnh khắc đầu tiên khi ông gặp cô gái gốc Việt tên Tuyết Lê vào đầu thập niên 1980 tại Mỹ. “Cô ấy trông thật nhỏ nhắn và quá xinh đẹp với tà áo dài,” ông nói. Không lâu sau, hai người trở thành vợ chồng. Năm 1988, Abadie về thăm quê vợ lần đầu tiên rồi đến năm 1995 thì chuyển hẳn về TPHCM làm việc và sinh sống.

Từ khi đặt chân đến TPHCM, người đàn ông này bắt đầu say mê chụp những tấm ảnh về đất nước, con người Việt và đặc biệt vô số những tấm ảnh về người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài. Ông say mê khám phá mọi ngóc ngách của thành phố và nhớ như in những nét duyên của tết Sài Gòn xưa (vài mươi năm trước) gắn với những ngày tết đầu tiên mà ông trải nghiệm cùng gia đình vợ ở Sài Gòn. Đó là hình ảnh về ngôi nhà bên vợ trông bình thường, cũ kỹ nhưng đến tết thì bỗng trở nên đẹp đẽ, sạch sẽ và tinh tươm nhờ bàn tay chăm sóc của các thành viên trong gia đình. Đó là hình ảnh mọi người chọn cho mình bộ đồ mới nhất, đẹp nhất để mặc vào ngày đầu năm mới; rồi những bữa cơm tết với thịt kho, dưa kiệu và cả phong tục trao bao “lì xì” để chúc may mắn trong năm mới...

Sau ngần ấy năm sống ở thành phố, Abadie gần như đã là “người Sài Gòn”. Ông biết nói tiếng Việt, ăn món Việt và vào đêm giao thừa hằng năm, ở khung cửa nhỏ trong căn hộ chung cư ở Bình Thạnh, ông lại cùng bà xã hoặc thi thoảng có thêm vài người bạn ngắm pháo hoa rồi cũng y như người Việt, chúc nhau sức khỏe, bình an trong năm mới.
Không ở TPHCM lâu như Abadie nhưng Sophia Lee, CEO của Airgle Vietnam, cũng đủ thời gian để cảm nhận và yêu thích tết Việt. Người phụ nữ Hàn Quốc này vẫn nhớ rõ cảm giác phấn khởi khi lần đầu hòa cùng dòng người tập trung chờ đón thời khắc giao thừa, xem pháo hoa rồi đến nhà bạn chúc tết, chụp ảnh kỷ niệm, ăn bánh chưng và được mừng tuổi.

“Nhớ lại những khoảnh khắc đó, tôi vẫn còn cảm thấy hạnh phúc. Tết Việt đã trở thành sự giao hòa về văn hóa, gắn kết những con người khác biệt khiến cho họ tha thiết muốn ở bên nhau dù đến từ bất kỳ đâu trên trái đất này”, Lee nói.

Người con của xứ sở kim chi cho biết rất thích cách người Việt nghĩ về tết: tết là một sự khởi đầu mới, là thời điểm vứt bỏ những cái cũ, dọn dẹp mọi thứ và nhớ về tổ tiên của mình, là lúc các thành viên trong gia đình ngừng công việc và cuộc sống riêng để đoàn tụ, quay quần với nhau.

“Tôi thích năng lượng mà những ngày tết mang lại. Khi mọi người gác công việc lại, cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi là đã tạo cho mình cơ hội để tái tạo, làm nên sức bật mạnh mẽ hơn vào năm mới”, Lee nói.

Muôn kiểu chào đón nàng Xuân

Chỉ còn vài hôm nữa là đến tết, không phải chỉ người Việt mới có những dự định cho những ngày đặc biệt này mà người nước ngoài ở Sài Gòn cũng vậy và họ đã chuẩn bị sẵn nhiều chương trình mừng năm mới từ… trước cả tháng.

Trong đó, có cô gái trẻ người Hàn Quốc mà tôi gặp ở quận 7 tiếc nuối vì không thể ở lại thành phố để vui trọn cái tết với bạn bè người Việt nên định sẽ may chiếc áo dài để ra đường hoa Phú Mỹ Hưng chụp ảnh kỷ niệm trong những ngày cận tết. Có doanh nhân người Pháp, người sống ở Sài Gòn mười năm, đã lên kế hoạch cho những chuyến viếng thăm bạn bè, đối tác trong những ngày đặc biệt này và coi đó là cơ hội tốt nhất để kết nối tình cảm sau những ngày miệt mài với công việc.

Một người khác đến từ Anh thì đặt sẵn những tấm vé máy bay cho gia đình nhỏ về sum vầy với ông bà vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch rồi lại ngược về Sài Gòn để ăn tết Nguyên đán, để chờ đón giao thừa cùng vợ và hai con gái, để sáng Mùng 1 viếng lễ chùa rồi đi chúc tết bạn bè, nhân viên. Lại có những người định tết này sẽ rủ rê người thân từ quê nhà đến TPHCM “cho biết tết Việt Nam”. Hay cũng có người “lây” thói quen của người Việt, muốn tận dụng thời khắc chuyển giao của năm cũ sang năm mới để nhìn lại công việc, cuộc sống.

“Tết năm Tý này tôi sẽ tận hưởng không khí tết ở TPHCM và suy nghĩ về những chiến lược mới cho các công ty Việt Nam. Tết là một khoảng thời gian tuyệt vời để nghĩ về những gì chúng ta đã làm được trong năm qua và lên kế hoạch cho năm mới để đạt được thành công và hạnh phúc trong tương lai”, ông Savas Tumis, CEO của Whole Brain Strategy Co. Ltd., nói.

Với doanh nhân này, kỳ vọng cho tương lai ở mảnh đất này là đầy hứa hẹn. “Đây là một mảnh đất tuyệt vời bởi có những con người làm việc cực kỳ chăm chỉ. Sự năng động và sức sống có thể thấy ở khắp nơi, từ những người làm việc chăm chỉ trên phố hay hàng loạt những công ty mới ra đời, tham gia vào sự phát triển”, ông Savas Tumis nói.
Với Sophia Lee, tết này sẽ trọn vẹn bởi cô không chỉ ăn tết cùng bạn bè người Việt Nam mà sẽ cùng vui với cả gia đình của mình tại Việt Nam.

Minh Duy

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối