Y Nguyên -
Mùa mưa miền Trung xưa là mùa đánh lưới, thả lờ, giăng câu đón bắt cá “chạy mưa”. Làng tôi đa phần đồng cạn ruộng gò, chỉ đánh lưới được khi trời lụt nước lên to, còn bình thường thì giăng câu, thả lờ là “đắc địa”. Mùa mưa rảnh việc, tiền bạc, chợ búa lại khó khăn nên mẹ ủng hộ chuyện anh em tôi thi thoảng chạy thả lờ kiếm cá về ăn. Mà cũng không riêng nhà tôi, ấy là chuyện của… cả xóm.
Xóm tôi nằm giữa đồng, xung quanh bạt ngàn ruộng lúa, tha hồ cho dân thả lờ giăng câu vô tư “tác nghiệp”. Đầu mùa mưa, phiên chợ làng nào cũng có người quảy lờ đem bán. Những chiếc lờ hình trụ tròn, đường kính khoảng 3 tấc, đan bằng nan tre chuốt mỏng trông rất xinh. Vậy nhưng, đó lại là cái bẫy “chết người” cho lũ cá ngờ nghệch ham vui. Thường thì đầu mùa mẹ sẽ “đầu tư” cho anh em tôi chừng chục cái lờ mới, kỳ kèo xin thêm nhưng mẹ dứt khoát không cho. Mua nhiều cho chúng mày ham, ngoi suốt ngoài đồng à?. Lờ mua về được mẹ chẻ lạt buộc bửng (nắp lờ) buộc toi (miệng lờ), thui sơ qua lửa ngọn cho cháy hết lông tre, xong dùng dây thừng xỏ xâu treo lên, tránh bị giẫm bẹp.
Thả lờ bắt cá phải đợi mưa. Trời có mưa, cá đồng mới “chạy mưa”, tức theo dòng nước đi tìm chỗ đẻ. Lờ đặt nơi các trổ ruộng (lối xả nước từ ruộng ra mương hay sang ruộng khác. Tận dụng trổ cũ, nếu không có phải dùng cuốc cuốc bờ, khui trổ mới. Lờ đặt nơi đầu trổ, tức phía ruộng có mực nước cao hơn. Nước trổ chảy càng xiết cơ may cá vô lờ càng nhiều. Moi đất trống để đặt cho lờ chìm, ngập nước ít nhất đến phân nửa toi. Đặt xong, bứt cỏ phủ lên mặt lờ, tạo bóng râm để “dụ” cá.
Đó là những “bài học nghiệp vụ” vỡ lòng tôi được anh hai dạy dỗ!
Tháng 8 Âm lịch, đồng sắp vào vụ gặt. Khi những tiếng sấm đầu mùa bùng bục vỡ rền kèm vần vũ mây đen cũng là lúc anh em tôi nhấp nhổm đứng ngồi trông mưa để… thả lờ. Chờ vài ba trận mưa đầu, liệu chừng nước nhẫy (lên cao) đủ mức đặt lờ là hò nhau vác cuốc mang lờ… chạy bay ra đồng mỗi lúc nghe trời sấm sét, chuyển mưa. Ra sớm, nhanh chóng rải lờ giành các trổ ngon (không có đứa khác xí mất). Anh hai rải lờ, phần tôi lo vét trổ, đặt lờ, tủ cỏ. “Hợp đồng tác chiến” đâu ra đó xong, hai anh em thở phào, khoái chí nhìn mấy đứa chậm chân đang mang lờ nháo nhào chạy ngược chạy xuôi vì hết trổ. Lờ đặt xong mà trời sầm sập đổ mưa là hết chỗ chê. Nhưng cũng có hôm anh em tôi bị “quê” vì giành được trổ xong trời chỉ lắc rắc vài hột mưa lấy có hoặc… không mưa. Thể nào anh hai cũng sẽ vừa thu lờ vừa dậm cẳng dậm chân nguyền rủa ông trời chơi ác, phỉnh phờ.
Cá bắt được bằng lờ đa phần là các loại cá sống tầng nước trên như rô, sặc, tràu (cá lóc). Mê nhất là đặt lờ trúng cá tràu. Chú cá vào lờ, biết dính bẫy sẽ điên cuồng tung mạnh. Gặp cá tràu to, có khi tung bật văng cả lờ khỏi trổ. Vậy nhưng, đã vào lờ rồi thì đừng mong thoát (ngoại trừ… lờ rách). Đi thăm lờ mà dòm thấy cái lờ bị bật ngửa nghiêng hoặc rung rung là bụng như mở cờ: khả năng chín phần mười tóm được cá lớn. “Điên” nhất là gặp lũ rắn (rắn nước, rắn ráo) hoặc cua đồng mò vô ăn cá. Những con rắn to tướng, bụng vàng lườm chui vô lờ ních cá no căng không thể chui ra. Người miền Trung không quen ăn rắn, chỉ biết đập chết vứt đi hoặc mang về thui cho heo là cùng. Trời mùa đông mưa gió phập phù, củi dự trữ không đủ nấu ăn thì có đâu mà mang ra… thui rắn? Vậy là vứt. Cua đồng có khá hơn, đem về nướng giã mắm hoặc nấu canh đu đủ cũng không tồi. Phải tội chúng phá quá: vào lờ loay hoay một hồi không có lối ra là trở càng… kẹp, gãy hết nan lờ. Dễ hiểu vì sao chúng cũng bị anh hai tôi “xử trảm” không thương tiếc.
Cá bắt về ăn không hết mẹ tôi chuẩn bị cái thùng đất to để “rộng”. Suốt mùa mưa, dù chợ búa khó khăn nhưng ít khi nào bữa cơm nhà tôi không có cá tươi. Cái thú thả lờ ngày mưa cũng góp phần nuôi lớn anh em tôi bằng những bữa cơm có cá tràu nấu chua, cá rô dầm mắm.