(SGTT) - Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành phố, nhiều người dân lo ngại các bệnh viện, cơ sở y tế bị quá tải nên đã chủ động tìm phương án tự bảo vệ. Nhiều người tìm mua các thiết bị thở máy, máy tạo oxy, máy đo SpO2 để dự trữ tại nhà, phòng tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc sử dụng các loại máy tạo oxy cần có sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn để điều chỉnh phù hợp lượng oxy và đúng tình trạng bệnh lý.
- Muôn hình vạn trạng thị trường máy đo nồng độ oxy tại TPHCM
- Thắc mắc mùa dịch: di chứng sau khi đã điều trị khỏi Covid-19 có đáng ngại?
- Khuyến cáo khi sử dụng các loại thuốc trong đơn thuốc tự điều trị Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội
Cùng với khẩu trang, đồ bảo hộ thì các loại máy tạo oxy, máy đo SpO2 đang là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất hiện nay. Nhiều người lo lắng thiếu hụt về nguồn oxy trong điều trị Covid-19 khi số ca mắc liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua.
Trước đó, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo, việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng. Khi mắc Covid-19, bệnh nhân cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở.
Ngoài ra, người dùng cũng cần hiểu rõ bản chất và cách sử dụng của máy tạo oxy, máy đo SpO2 để tránh xảy ra sai số trong quá trình thực hiện hay những sai lầm đáng tiếc, đặc biệt trong theo dõi bệnh nhân Covid-19.
SpO2 có thể xuống đến bao nhiêu %, bệnh nhân vẫn còn cơ hội cứu chữa?
Theo ThS. BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Kiến An, cho biết hiện nay, rất nhiều người nhắc đến SpO2 nhưng hoàn toàn không hiểu đúng về bản chất của SpO2. Đây là chỉ số là nồng độ oxy máu mao mạch, đo ở đầu ngón tay, ngón chân, vành tai...
Máy đo SpO2 được sử dụng trong một số bệnh như suy hô hấp (khó thở), suy tuần hoàn (hạ huyết áp) cấp tính, nghiêm trọng (sốc). Cơ thể sẽ thích ứng bằng hiện tượng "trung tâm hóa tuần hoàn", máu giàu oxy lúc này chỉ tập trung nuôi các cơ quan quan trọng: tim, gan, thận, phổi, não... mà không đến trao đổi tại hệ thống mao mạch (môi, đầu ngón tay, ngón chân...).
Vì vậy, thời điểm SpO2 tụt xuống dưới 93%, chúng ta có thể quan sát môi, đầu ngón tay, ngón chân của bệnh nhân tím tái, lạnh... Khi thực hiện đo SpO2 tại các vị trí này có thể xuống đến mức rất thấp, vì oxy tại đây vẫn tiếp tục được tế bào sử dụng nhưng lại không được cung cấp mới. “Nó có thể cạn kiệt đến mức thấp hơn 24%. Nếu bệnh nhân được xử trí kịp thời và đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể hồi phục dù có thể để lại di chứng”, BS Dũng nhấn mạnh.
Thở oxy tại nhà thế nào để an toàn?
Trong thời gian này, việc người dân đổ xô đi mua dự trữ bình oxy, máy tạo oxy tăng cao dẫn tới cung không đủ cầu. Một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM chia sẻ, máy tạo oxy là thiết bị y tế hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh lý.
Loại máy này phù hợp với người lớn tuổi, những người phải thở oxy mãn tính như tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phổi, hen suyễn hay trường hợp có bệnh lý về tim, phổi, chức năng vận chuyển oxy của máu yếu... Việc sử dụng máy tạo oxy cần có sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn để điều chỉnh lượng oxy phù hợp và đúng tình trạng bệnh lý.
BS Tiến Dũng cho biết: "Oxy đã cứu rất nhiều người, nhất là bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, khi có oxy và máy tạo oxy, bệnh nhân cũng cần biết cách sử dụng máy an toàn và hiệu quả để tránh những sai lầm khi sử dụng oxy một cách cảm tính".
Sai lầm thường gặp là chỉ định oxy trị liệu rộng rãi quá mức cần thiết, ngay cả khi oxy máu ở mức bình thường. Theo một thống kê tại Anh, có đến 34% bệnh nhân sử dụng oxy lúc vận chuyển trên xe cấp cứu, 5-17% bệnh nhân nhập viện được nhận oxy ở bất kỳ thời điểm nào.
Ngoài ra, sai lầm thứ hai là sử dụng oxy liều cao không phù hợp, do nhận biết không đầy đủ về mối nguy cơ tăng oxy máu quá mức.
Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi những quan niệm không đúng về oxy trị liệu:
- Oxy không điều trị được khó thở, oxy chỉ giúp cải thiện tình trạng hạ oxy máu.
- Oxy không điều trị được các nguyên nhân gây hạ oxy máu và thở oxy phải đi kèm điều trị nguyên nhân (tổn thương phổi).
- Tình trạng tăng oxy máu quá mức cũng nguy hiểm không kém so với hạ oxy máu vì điều này sẽ gây ra: ức chế trung tâm hô hấp, làm bệnh nhân giảm thông khí (giảm tần số, giảm biên độ hô hấp...); gây tình trạng phụ thuộc vào oxy; làm nặng thêm tình trạng mất cân bằng khí máu; xẹp phổi do hấp thu; co thắt mạch vành và mạch não; giảm cung lượng tim; phá hủy tế bào do các oxy gốc tự do; tăng kháng lực mạch máu toàn thể.
Tình trạng tăng oxy máu quá mức có thể làm diễn tiến xấu đối với những bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp type II (bệnh phổi mãn tính), làm chậm nhận biết các diễn tiến lâm sàng xấu đi, vì bị che lấp bởi SpO2 bình thường hoặc cao.
Bên cạnh đó, tăng oxy máu quá mức còn làm tăng nguy cơ tử vong của một số nhóm bệnh nhân như tai biến mạch máu não nhẹ và vừa, ngưng tim, các bệnh nhân nằm ICU (phòng hồi sức tích cực)...
BS Tiến Dũng khuyến cáo, trong mọi trường hợp, nếu không có ý kiến của bác sỹ, phải chú ý không để người bệnh thở oxy cao hơn 5 lít/phút. Đối với bệnh nhân khỏe mạnh, SpO2 dưới 93%, chỉ duy trì oxy vừa đủ để SpO2 đạt 94% - 96%.Bệnh nhân có bệnh phổi mãn tính, SpO2 chỉ cần duy trì 88-92%, với liều oxy 1-2 lít/phút. Bệnh nhân suy tim, SpO2 chỉ cần duy trì khoảng 90%, với liều oxy 3-5 lít/phút. Đối với những trường hợp khác, bệnh nhân nên có tham vấn các bác sĩ.
Minh Thảo ghi
Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công thương đưa ra cảnh báo, nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở. Bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.