(SGTT) - Theo các bác sĩ, nếu có cơ hội được tiêm chủng không nên do dự, việc tiêm vắc-xin Covid-19 trước khi mang thai giống như tiêm phòng vắc-xin sởi, quai bị và rubella.
- Thắc mắc mùa dịch: Gia tăng rối loạn giấc ngủ trong đại dịch Covid-19
- Thắc mắc mùa dịch: Đang mang thai nhiễm Covid-19, xử trí thế nào?
- Thắc mắc mùa dịch: Tại sao phụ nữ cho con bú nên tiêm vắc-xin Covid-19?
- Thắc mắc mùa dịch: Quá thời gian tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19, liệu mũi 1 có mất tác dụng?
Ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 trước khi mang thai
Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, phụ nữ cần thực hiện tiêm các loại vắc-xin sởi, quai bị và rubella trước khi mang thai. Điều này giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh trong thời kỳ mang thai, giảm gánh nặng nỗi lo về bệnh tật. Ngoài ra, thai nhi cũng sẽ được thừa hưởng miễn dịch thụ động từ mẹ, giúp bảo vệ con trong những năm tháng đầu đời.
Tuy nhiên, hiện nhiều bạn đọc gửi câu hỏi băn khoăn về vấn đề tiêm chủng như "Liệu người mới tiêm vắc-xin Covid-19, đang trong lịch tiêm sởi, quai bị, rubella thì sau khi tiêm 14 ngày có thể tiếp tục tiêm tiếp mũi 2 của sởi, quai bị, rubella được không? Hay phải đợi tiêm xong mũi 2 của vắc-xin Covid-19 mới tiêm tiếp?"
Giải đáp câu hỏi này trong chương trình “Thắc mắc mùa dịch” của Sài Gòn Tiếp Thị, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa - Khoa khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Minh Anh - cho biết: “Trước đây, vắc-xin sởi, quai bị và rubella chỉ yêu cầu 1 mũi tiêm. Tuy nhiên, khi tiêm 1 mũi khả năng miễn dịch bị giảm, do đó cần phải thực hiện tiêm mũi thứ 2 sau ít nhất 1 tháng”.
Như vậy, “mũi tiêm vắc-xin sởi, quai bị và rubella có thể cách nhau từ 2-5 tháng. Trong đợt dịch này, nếu có điều kiện và thuộc diện đối tượng tiêm chủng, chúng ta nên ưu tiên tiêm ngừa vắc-xin Covid-19”, BS Thủy cho biết thêm.
Covid-19 có lây từ thai phụ sang thai nhi?
Liên quan đến vấn đề tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và khả năng sinh sản, một số phụ nữ thắc mắc: “Tiêm vắc-xin Covid-19 có ảnh hưởng đến kế hoạch mang thai không? Trường hợp sau khi tiêm vắc-xin mới phát hiện có thai, thai nhi có bị ảnh hưởng không?”
Trả lời vấn đề này bác sĩ, BS. CKII Nguyễn Thị Lan, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, phụ nữ mang thai mắc sởi, quai bị, rubella và các bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng rất lớn tới thai nhi như gây ra dị tật. Trường hợp mắc Covid-19 chỉ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người đang mang thai. Vì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bằng chứng về nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc tình trạng mẹ nhiễm virus ở thời kỳ mang thai có thể gây ra dị tật bẩm sinh.
“Thai phụ đang ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng đến thai nhi như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, tử vong chu sinh…”, BS Lan nhấn mạnh.
Vì vậy, BS Lan cho rằng trước khi mang thai hay trong lúc mang thai, phụ nữ thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 không phải quá lo lắng. Sau khi tiêm vắc- xin mới phát hiện có thai, bà bầu sẽ được bảo vệ tốt hơn. Nếu có cơ hội được tiêm chủng không nên do dự, việc tiêm vắc-xin Covid-19 trước khi mang thai giống như tiêm phòng vắc-xin thuỷ đậu, sởi, quai bị và rubella.
Hiện nay, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ban hành ngày 10-8 kèm theo quyết định 3802 thì riêng phụ nữ mang thai và đang cho con bú chống chỉ định với vắc-xin Sputnik V. Ngoài ra, phụ nữ mang thai dưới 13 tuần thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm vắc-xin Covid-19.
Minh Thảo