(SGTT) – Di chứng hậu Covid-19 là tình trạng các bệnh nhân mắc Covid-19 đã phục hồi nhưng vẫn tiếp tục chịu các triệu chứng như khó thở, suy nhược, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng nhận thức… Hậu quả lâu dài đối với sức khỏe ở người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt các di chứng sau điều trị Covid-19.
- Thắc mắc mùa dịch: Gia tăng rối loạn giấc ngủ trong đại dịch Covid-19
- Thắc mắc mùa dịch: Triệu chứng “cuồng chỗ làm” có thực sự tồn tại?
- Khuyến cáo khi sử dụng các loại thuốc trong đơn thuốc tự điều trị Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội
Theo hãng tin AFP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã bày tỏ quan ngại rằng rất nhiều người có thể đang chịu ảnh hưởng sức khỏe lâu dài sau khi điều trị khỏi Covid-19. Do đó, WHO kêu gọi những người đã qua giai đoạn cấp tính nhưng vẫn đang chịu những di chứng kéo dài hậu Covid-19 như mệt mỏi, khó thở, rối loạn tim, rối loạn giấc ngủ, hội chứng sương mù não (tình trạng đầu óc mất tập trung)… nên nhờ đến sự hỗ trợ của bộ phận y tế.
Để tìm hiểu về những di chứng hậu Covid-19, Sài Gòn Tiếp Thị đã có buổi trao đổi với ThS. BS Đoàn Nhật Trung, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những di chứng mà bệnh nhân từng mắc Covid-19 có thể gặp phải sau khi phục hồi; đồng thời hướng dẫn một số phương pháp cơ bản giúp người bệnh giảm bớt triệu chứng, cải thiện sức khỏe tinh thần.
SGTT: Hiện nay, những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được điều trị khỏi song vẫn gặp các triệu chứng về sức khỏe thể chất (suy nhược, mệt mỏi), rối loạn hệ thần kinh. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng của di chứng hậu Covid-19, thưa bác sĩ?
- BS. Đoàn Nhật Trung: Nhìn về cơ chế bệnh học để tìm hiểu nguyên nhân, virus SARS-CoV-2 đã tấn công vào hệ miễn dịch, một số tác động mạnh có thể khiến cơ thể phản ứng lại như sốt, lạnh run và bị suy kiệt.
Covid-19 tấn công chủ yếu vào đường hô hấp, làm tổn thương mũi họng, lưỡi, phổi gây ra các triệu chứng mất mùi, nghẹt mũi, ho, đau họng, viêm lưỡi, khó thở, khạc đờm và nghiêm trọng nhất là viêm phổi, thậm chí bội nhiễm gây suy hô hấp, tử vong. Trước đó, không ít trường hợp bị đuối cơ hô hấp dẫn đến tình trạng tử vong.
Đối với các bệnh nhân có bệnh nền, béo phì thường ít vận động nên cơ hô hấp yếu ớt, thở không hiệu quả… xảy ra tình trạng suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, rối loạn lo âu và stress (căng thẳng), mất ngủ cũng làm cơ thể thiếu hụt oxy và năng lượng dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn.
Các trường hợp nặng, phản ứng miễn dịch mạnh, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng nên cần sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, chống đông máu, lọc máu, thở máy… Trong khi đó, với các trường hợp nhẹ và trung bình, vấn đề chính là năng lượng cạn và thiếu oxy hệ thống. Đây là điều cốt lõi của các di chứng sau khi điều trị khỏi Covid-19.
Di chứng hậu Covid-19 thường có những biểu hiện như thế nào?
- Hiện tại, dù được điều trị tại bệnh viện hay ở nhà, những bệnh nhân Covid-19 và các F0 đều có cảm nhận khỏe hơn. Tuy nhiên, có không ít trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể kéo dài 4 tuần hoặc lâu hơn sau lần đầu tiên nhiễm. Đây được gọi là tình trạng hậu Covid-19 mà nhiều người có thể đang gặp phải nhưng loay hoay không biết cách xử trí.
Người mắc hội chứng hậu Covid-19 có thể phải nhập viện trở lại vì suy nhược nghiêm trọng, kiệt sức. Các triệu chứng hậu Covid-19 thể hiện rõ khi vận động mạnh, suy nghĩ nhiều và hao tổn sức lực tinh thần. Các biểu hiện thường gặp:
- Sốt, phát ban, mệt mỏi, đau ê ẩm toàn thân, đau khớp hoặc cơ có cảm giác châm chích, đau đầu, chóng mặt tư thế, khó tập trung, đãng trí, ý nghĩ lộn xộn, đầu óc mờ ảo.
- Tâm trạng thất thường, dễ nổi nóng, khó kiểm soát, buồn bã, rối loạn giấc ngủ, thay đổi vị giác.
- Khó thở hoặc thở gấp, ho, đau ngực, hồi hộp, tim nhanh hoặc đập thình thịch.
- Đau dạ dày, trào ngược dạ dày như ăn đầy hơi, ợ hơi, đôi khi xảy ra tiêu chảy.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn hoạt động tình dục, lãnh cảm, giảm ham muốn…
Có những phương pháp nào để giảm bớt các di chứng hậu Covid-19?
- Năng lượng của cơ thể được cung cấp qua 3 đường chính là ăn, uống và thở.
Đối với ăn uống, theo một số nghiên cứu từ Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã trình bày vào ngày 13-8 tại cuộc họp trực tuyến “Cập nhật điều trị Covid-19” của Bộ Y tế, nhu cầu năng lượng của bệnh nhân mắc Covid-19 tăng đến hơn 50%, nghĩa là người bình thường chỉ cần 220-2.500 kcal (calo), với bệnh nhân Covid-19 có thể phải cung cấp từ 3500-4000 kcal/ngày. Ngoài ra, thở là phương pháp đơn giản, có tác dụng hồi phục sức khỏe nhanh nếu biết thực hiện đúng cách.
Vậy bệnh nhân đã và đang nhiễm virus SARS-CoV-2 cần làm gì để hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần, tránh nguy cơ xảy ra các di chứng hậu Covid-19?
- Bệnh nhân đang mắc Covid-19 hoặc đã điều trị khỏi nên thường xuyên thực hiện 7 điều dưới đây:
- Rửa mũi, súc họng và cạo lưỡi thường xuyên mỗi ngày để cải thiện khả năng ngửi, nếm.
- Ăn khẩu phần có nhiều năng lượng hơn thông thường từ 30-50% nhằm cung cấp thêm năng lượng.
- Uống đủ nước và đúng thời điểm trong ngày giúp cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày, làm loãng đàm, giải nhiệt cho cơ thể.
- Tập vận động vừa sức và thực hiện các bài tập phù hợp với từng độ tuổi để lưu thông khí huyết.
- Bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất.
- Tập thở thường xuyên nhiều lần trong ngày. Trong mỗi đợt tập cố gắng duy trì liên tục nhằm thư giãn, giảm tiêu tốn năng lượng, tăng chuyển hóa và trao đổi chất cơ thể, thải độc điều hòa khí huyết, dễ ngủ…
- Khuyến khích thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu đủ điều kiện. Ngoài ra, bệnh nhân đã điều trị khỏi Covid-19 vẫn thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; đặc biệt phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay lập tức.
Minh Thảo ghi