Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thắc mắc mùa dịch: Người gắn máy tạo nhịp tim có nên tiêm vắc-xin Covid-19?

(SGTT) - Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy người gắn máy tạo nhịp tim chống chỉ định đối với vắc-xin Covid-19, bác sĩ khuyến cáo nhóm đối tượng này nên thực hiện tiêm chủng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm tỷ lệ tử vong nếu không may bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Giải đáp vấn đề này trong chương trình “Thắc mắc mùa dịch” của Sài Gòn Tiếp Thị,  bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa - Khoa khám bệnh Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, cho biết, người thuộc nhóm các bệnh liên quan đến tim mạch như: gắn máy tạo nhịp tim cần nắm rõ mốc thời gian đã gắn máy bao lâu và sức khỏe phải nằm trong tình trạng ổn định mới có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy người gắn máy tạo nhịp tim chống chỉ định đối với vắc-xin Covid-19. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng trong quá trình trước và sau khi tiêm chủng.

Trong chỉ định tiêm phòng, Bộ Y tế cho phép một số nhóm đối tượng mắc các bệnh nền mãn tính có thể trạng ổn định đều được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. “Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh nền hay sử dụng thêm các thủ thuật khác như gắn máy tạo nhịp tim, đặt stent… đã qua một thời gian dài hoặc đang trong giai đoạn ổn định, vẫn có thể thực hiện tiêm chủng”, BS Thủy cho biết thêm.

Tiêm vắc-xin cho nhóm đối tượng mắc các bệnh về tim là điều vô cùng quan trọng. Trường hợp không tiêm phòng, nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2, người mắc các bệnh về tim có thể diễn tiến nặng qua nhiều cơ chế, trong đó có cả tình trạng tổn thương viêm trực tiếp ở tim.

Ngoài ra, nhóm người mắc các chứng bệnh liên quan đến tim mạch như: bệnh cơ tim, suy tim, ghép tim, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, đái tháo đường, thuyên tắc phổi, bệnh mạch máu ngoại vi, sa sút trí tuệ, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, rung nhĩ... đều được phép tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Bộ Y tế khuyến cáo có 4 nhóm đối tượng cần phải cẩn trọng khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút...) là những đối tượng cần được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng tại khối bệnh viện.

Minh Thảo

Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối