(SGTT) - Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề, người đã từng dương tính với virus SARS-CoV-2 sau hồi phục có khả năng nhiễm tiếp virus này không. Theo bác sĩ, bệnh nhân vẫn có khả năng bị nhiễm virus nCoV dù đã được điều trị khỏi trước đó.
- Thắc mắc mùa dịch: Giải tỏa tâm lý cho trẻ trong mùa dịch Covid-19
- Thắc mắc mùa dịch: Người gắn máy tạo nhịp tim có nên tiêm vắc-xin Covid-19?
- Thắc mắc mùa dịch: Người cơ địa dị ứng có được tiêm vắc-xin Covid-19?
Hiện nay, một số bệnh nhân dù đã được điều trị khỏi Covid-19 nhưng vẫn xuất hiện tình trạng tái nhiễm với virus SARS-CoV-2. Hiện tượng này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc-xin và khả năng miễn dịch trong cộng đồng.
Trả lời qua chương trình “Thắc mắc mùa dịch” của Sài Gòn Tiếp Thị, Ths. BS Nguyễn Tiến Hưng, Giảng viên Bộ môn Y học gia đình, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch cho biết, ngay cả những người khỏi bệnh cũng không thể miễn nhiễm với virus SAR-CoV-2, vì biến chủng virus đã thay đổi khá nhiều và có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta bất kỳ lúc nào.
“Nếu người bệnh đã từng nhiễm nCoV, sau đó bị tái nhiễm thì nguy cơ có những triệu chứng nặng hoặc tỷ lệ tử vong sẽ giảm rất nhiều. Vì cơ thể đã có một phần kháng thể với virus SAR-CoV-2. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: người đã từng mắc Covid-19, sẽ miễn nhiễm với virus này gần như là không thể cho đến thời điểm hiện tại”, BS Hưng cho hay.
Ngoài ra, nhiều người thường nhầm lẫn với hiện tượng tái nhiễm và tái dương tính. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tái dương tính - trạng thái bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển bệnh, đã trải qua các giai đoạn xét nghiệm âm tính nhưng sau đó vẫn xuất hiện dương tính.
Hiện tượng tái nhiễm là trạng thái bệnh nhân đã được chữa khỏi nhưng sau một thời gian sẽ phát hiện nhiễm bệnh lần thứ hai. Với người khỏi bệnh, cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, kháng thể có bảo vệ cơ thể lâu dài như thế nào, sẽ phụ thuộc vào loại virus và cá thể của người bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, trên thế giới vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sâu về tình trạng tái nhiễm nCov. Đây là vấn đề còn rất nhiều câu hỏi đang bỏ ngỏ như: sự tái nhiễm xảy ra với tần suất bao lâu, trong thời gian như thế nào và người bị tái nhiễm có ít trường hợp nghiêm trọng hơn ở lần thứ hai hay bị nặng hơn? Vì vậy, nếu người bệnh xảy ra tình trạng tái nhiễm, bác sĩ sẽ căn cứ vào diễn tiến cụ thể của từng bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Bên cạnh giải đáp những vấn đề về nguy cơ tái nhiễm của người đã từng mắc và khỏi Covid-19, bác sĩ vẫn trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến hiệu quả của tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Mời bạn đọc đón xem số phát sóng mới nhất của chương trình “Thắc mắc mùa dịch” để có những kiến thức cần thiết, tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân trong mùa dịch Covid-19.
Minh Thảo
Video: Phùng My