(SGTT) - Lo lắng, căng thẳng là tâm trạng chung của nhiều người khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nếu tâm lý đó trở nên "thái quá", dẫn đến nhiều hành động ảnh hưởng đến người xung quanh, thì chúng ta nên cân nhắc, rất có thể người đó đã mắc chứng rối loạn lo âu.
- Thắc mắc mùa dịch: Giải tỏa tâm lý cho trẻ trong mùa dịch Covid-19
- Thắc mắc mùa dịch: cách giúp giảm stress khi phải ở nhà quá lâu
Cụ thể, vừa qua đã có hai bạn đọc gửi đến chương trình "Thắc mắc mùa dịch" của Sài Gòn Tiếp Thị trường hợp của bạn bè và hàng xóm xung quanh họ có một số biểu hiện thái quá do lo lắng về dịch bệnh.
Trường hợp đầu tiên đến từ anh Văn Nam ở TPHCM, anh cho biết "Khoảng 1 tuần trở lại đây, mỗi lần tôi đi làm về, bạn ở chung phòng với tôi luôn tìm cách tránh xa tôi, anh ấy bắt đầu ăn riêng, mọi ngóc ngách hay chén đũa tôi đụng vào, anh ấy đều lén xịt sát khuẩn, thậm chí, dù ở trong nhà nói chuyện với tôi, anh ấy cũng đeo khẩu trang, điều đó khiến tôi rất khó chịu".
Tiếp theo là trường hợp của chị Tú Trinh đến từ Bình Định, chị cho hay "Nhà hàng xóm cạnh tôi vì sợ dịch nên là đóng cửa kín mít, không giao lưu với mọi người, chị chủ nhà bên đó lúc nào cũng bật kinh phật nghe nhưng lại mở rất to làm hàng xóm đều mệt mỏi, khi hàng xóm xung quanh phàn nàn, chị đó nói rằng bật để Phật trừ Covid-19".
Trước hai trường hợp này, bác sĩ Chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, khoa Tâm Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM xác định hai trường hợp trên thuộc rối loạn lo âu, họ căng thẳng, lo lắng về dịch bệnh hơn người bình thường.
Nhưng bản thân những người bị mắc chứng rối loạn lo âu, họ sẽ không nhận biết được rằng mình đang có triệu chứng ấy, nên những người xung quanh như người thân, bạn bè hàng xóm nên là người khuyên nhủ và nhắc nhở để họ thoát khỏi triệu chứng rối loạn lo âu.
Đầu tiên, chúng ta cần thông cảm trước những trường hợp bị rối loạn lo âu, đặc biệt, đối với trường hợp của chị Trinh được kể trên, chúng ta đồng thời phải tôn trọng cả tín ngưỡng của họ.
Sau đó, chúng ta tìm cách nói chuyện bằng một thái độ nhẹ nhàng, khôn khéo để tránh gây cho đối phương cảm giác khó chịu, dẫn chứng bằng những bài viết cụ thể về dịch Covid-19 của Bộ Y tế, hoặc những trang báo đáng tin cậy về cách thức lây lan và phương pháp phòng tránh dịch. Đồng thời, khuyên những đối tượng bị mắc chứng rối loạn lo âu không nên tin vào những thông tin ở trên các trang mạng không chính thống, để tránh gây thêm nỗi lo cho bản thân.
Phùng My
Rối loạn lo âu (tiếng Anh: Anxiety Disorder) là một trong các rối loạn tâm lý có tính phổ biến cao, bệnh thường kết hợp với nhiều rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống, rối loạn dạng cơ thể. Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống.Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì đó là bệnh lý. Nguyên nhân chính xác của rối loạn bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu liên quan tới các sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu. (Theo Wikipedia)
Sài Gòn Tiếp Thị thông qua chuyên mục “Thắc mắc mùa dịch” sẽ là cầu nối để bác sĩ, chuyên gia y tế giải đáp các thắc mắc từ bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác. Bạn đọc có câu hỏi cần giải đáp hãy bình luận (comment) ngay dưới các bài viết thuộc chuyên mục này hoặc gửi mail về cho chúng tôi qua email admin@sgtiepthi.vn, hoặc gửi câu hỏi qua fanpage của báo.