Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Thăm làng nghề guốc mộc trăm tuổi ở Bình Dương

(SGTT) - Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, nghề guốc mộc ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương không chỉ tạo sinh kế cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là điểm du lịch làng nghề thú vị dành cho du khách.

Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương, nghề guốc truyền thống ở tỉnh ra đời cách đây hơn 100 năm, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của người dân. Xóm làm guốc Phú Văn (nay thuộc phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một) từng có hơn 80 hộ làm nghề. Do đó, tại thành phố Thủ Dầu Một có một con đường mang tên “Xóm Guốc” để tôn vinh nghề thủ công này.

Tuy nhiên, hiện tại làng nghề guốc mộc ở Bình Dương chỉ còn khoảng 20 cơ sở, tập trung ở phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một và phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An.

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Hồ Trung Nhân, quản lý một cơ sở sản xuất guốc ở phường Phú Thọ, cho biết cơ sở đã hoạt động hơn 50 năm và anh là đời thứ ba trong gia đình tiếp nối nghề.

Theo anh Nhân, để làm ra một chiếc guốc gỗ “đúng chuẩn”, cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là chẻ gỗ ra hình khối, phác thảo, sau đó vẽ khuôn rồi mang đi cắt.

Sau khi thành hình dáng, guốc sẽ được mang đi chà nhám, mài rồi sơn bóng, sơn màu và đục lỗ xỏ quai. Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ tạo dáng như gỗ thông, gỗ xoan với nhiều loại, mẫu mã.

Guốc có nhiều loại khác nhau như guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ khắc hoa văn. Dần dần, với đòi hỏi từ khách hàng, các loại guốc ra đời ngày càng sáng tạo, có sự kết hợp với các ngành nghề thủ công khác như sơn màu, kết cườm, thêu tay… tạo thành những đôi guốc có giá trị thẩm mỹ cao.

Về thị trường đầu ra, anh Nhân cho biết cơ sở của anh chỉ bán ở trong nước nên lượng hàng rất ít. "Mỗi tuần, xưởng làm việc khoảng 2-3 ngày vì đơn hàng chỉ tầm vài chục đôi", anh Nhân chia sẻ.

Anh Nhân cũng cho biết thêm đầu năm nay, xu hướng mặc áo dài, mang guốc mộc chụp ảnh nở rộ, nên lượng hàng có tăng đột biến nhưng “nhanh nở chóng tàn”.

Chị Phạm Thanh An, đại diện công ty TNHH SX-DV-TM Hùng Thái, cho biết hiện nay, guốc mộc truyền thống được sản xuất suy giảm đáng kể so với những năm trước.

Bên cạnh sản xuất guốc mộc, công ty cũng phát triển thêm các dòng sandal (dép có quai) bằng xốp EVA để xuất khẩu. “Bây giờ dòng guốc mộc chỉ làm xen kẽ, chủ yếu tập trung sản xuất các loại giày”, chị An nói.

Theo chị Thanh An, các đôi guốc được bán ra trong nước thường là loại thô, các cơ sở khác mua về sẽ tự đo kích cỡ sao cho phù hợp với khách hàng. Những thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp gồm có Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản.

Mỗi nước đều có những yêu cầu về kiểu dáng khác nhau. Cụ thể, Pháp yêu cầu những thiết kế đơn giản, Mỹ và Tây Ban Nha yêu thích các chi tiết cầu kỳ ở phần đế hơn, trong khi các đơn hàng từ Nhật chỉ yêu cầu làm đế và đục lỗ xỏ quai.

“Có sự khác biệt giữa hàng bán ra trong nước và hàng xuất khẩu ở nước ngoài. Với mặt hàng xuất khẩu, bên đối tác họ sẽ gửi mẫu về để làm theo, gỗ phải là hàng nhập khẩu và hàng xuất đi phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn”, chị An chia sẻ.

Chị An chia sẻ từ tháng 9 đến tháng 1 hàng năm là mùa cao điểm đối với mặt hàng guốc, khi các đơn hàng từ nước ngoài gửi về và bắt đầu sản xuất. “Thường thì một mùa “làm guốc” chỉ kéo dài 4-5 tháng, từ lúc lên ý tưởng, vẽ mẫu đến khi hàng được xuất bến”.

Trung bình một năm, công ty xuất khẩu khoảng 20.000 đôi guốc mộc, đủ loại, đến các thị trường quốc tế. Tùy vào chất liệu gỗ, lớp sơn, kiểu dáng và họa tiết điêu khắc, giá của một đôi guốc sẽ dao động từ 6-24 đô la Mỹ, tương đương 150.000-600.000 đồng.

Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề guốc mộc do thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, nhưng với tâm huyết với nghề, một số cơ sở guốc ở Bình Dương vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề guốc.

Nhờ đó, làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là điểm du lịch làng nghề thú vị ở Bình Dương.

Gia Nghi

Nhiều người quan tâm