DS. MỸ NỮ -
Ai ra xứ Huế, đi qua quốc lộ 1A, đoạn qua các xã Lộc Tiến, Lộc Thủy của huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) sẽ thấy hai bên đường có hàng trăm điểm trưng bày, bán dầu tràm đang tỏa hương thơm nồng, thậm chí nhiều điểm bán có kèm theo lò nấu bên cạnh cho khách mua hàng mục sở thị cách nấu dầu tràm.
Theo các bậc cao niên, nghề nấu dầu tràm ở đây đã có từ hàng trăm năm qua và hiện nay, tuy nguồn nguyên liệu không còn dồi dào nhưng nhiều người vẫn giữ nghề truyền thống này. Bà Nguyễn Thị Tam (56 tuổi), người có thâm niên nấu dầu tràm ở xã Lộc Thủy nói: “Những năm đầu của thập niên 1980 của thế kỷ trước, cây bổi (chổi), cây tràm còn rất nhiều. Lúc bấy giờ, xã Lộc Thủy đã có gần một trăm hộ dân chuyên đi bứt lá tràm, lá bổi để về nấu dầu bán. Nay lá bổi, lá tràm không còn nhiều như trước, số hộ dân làm nghề này cũng giảm xuống, nhưng bà con vẫn bám trụ với nghề, nấu dầu lấy công làm lãi”.
Nguyên nhân dẫn đến mai một làng nghề nấu dầu là do thiếu nguyên liệu vì các cánh rừng tràm và bổi trên địa bàn đã phải nhường chỗ cho cây keo lá tràm (trồng lấy gỗ) và xuất hiện các loại dầu dỏm, dầu tràm ngoại nhập bán chung với dầu tràm chính hiệu của làng nghề này.
Một thanh niên nấu dầu tràm ở xã Lộc Tiến.
Ông Nguyễn Văn Trưng (45 tuổi) có lò nấu dầu tràm bên cạnh quốc lộ 1A, thôn Phú Cường (xã Lộc Thủy) vừa buộc ống dẫn hơi nối liền với cái thùng phuy đang nghi ngút khói, vừa nói: “Như tôi đây, nấu một nồi dầu hơn ba giờ đồng hồ, nấu bằng lá thì được 1,5 lít, nấu bằng thân cây chỉ được 0,7 lít. Trung bình mỗi nồi lời có 100.000 đồng. Mùa nắng có ngày nấu hai nồi, nấu tới đâu bán hết tới đó. Tui tận dụng thân tràm, bổi sau khi nấu, hoặc củi quanh vườn chứ không phải đi mua, thế mới có lời”.
Ông cho biết trong thùng nấu gồm 1,5 tạ lá tràm, chiếm tỷ lệ 2/3 nồi, còn lại 1/3 là nước.. Toàn bộ dầu từ 1,5 tạ lá sẽ ra đầy năm chai loại 200 ml. Còn bà Tam ở cùng xã giải thích kỹ hơn: lá và nước được bỏ vào nồi được bịt kín bằng đất sét, nấu cho sôi, hơi nước bốc lên sẽ theo đường dẫn đổ xuống hệ thống làm lạnh. Từ đây, hơi nước (có tinh dầu) sẽ được ngưng tụ thành thể lỏng và theo vòi chảy vào bình chứa đặt trong một thau nước để làm mát dung dịch dầu và nước, nhằm tránh bốc hơi.
“Giá bình quân dầu tràm hiện nay khoảng 300.000 đồng/100 ml dầu nguyên chất”, bà Tam cho hay.
Theo các nhà khoa học, tinh dầu chổi, dầu tràm (tên khoa học Cajeput oil) có tính năng kháng khuẩn cao ở đường hô hấp, tác dụng long đờm, dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, ngoài ra còn được dùng xoa bóp, chữa đau nhức, sát trùng, chữa bỏng... Để thêm công năng và mùi thơm đặc trưng, người có kinh nghiệm dùng củ nén ngâm vào dung dịch dầu. Với người dân xã Lộc Tiến, Lộc Thủy thì trong nhà bao giờ cũng có một lọ dầu tràm ngâm thêm ít củ nén để đề phòng khi “trái gió trở trời”.
Bà Tam cho hay, từ xa xưa dầu tràm đã được phụ nữ xứ Huế dùng để chăm sóc cho các bé sơ sinh như hỗ trợ điều trị sổ mũi, cảm lạnh, ho có đờm, viêm phế quản; phòng gió cho bé khi ra lạnh, khi tắm, khi bị côn trùng đốt… Công dụng của tinh dầu tràm cho người lớn như dùng để trị ho, cảm cúm, sổ mũi; chữa đau bụng vặt rất tốt, xoa bóp đau nhức xương khớp, trị các vết côn trùng cắn…
Đặc điểm của dầu tràm vùng này là có màu xanh hoặc màu vàng nhạt. Dầu tràm nguyên chất có độ nhớt, hương thơm lưu giữ 5-6 giờ và khi xoa không bị nóng rát, kể cả trên da nhạy cảm như da em bé.
Ngày nay, dù có rất nhiều loại tân dược trên thị trường hay dầu ngoại nhập đắt tiền, nhưng chai dầu tràm Huế đối với người miền Trung nói chung và người Huế nói riêng vẫn còn nguyên giá trị của nó, thậm chí còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan… Ở hai xã Lộc Thủy và Lộc Tiến có hàng trăm hộ sản xuất dầu tràm, hàng năm sản xuất ra hàng chục ngàn lít tinh dầu và theo ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, dầu tràm ở đây đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận xuất xứ hàng hóa vào năm 2011.