Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Thăm những hang động kỳ vĩ

Thu Hường -

Miền Bắc có khá nhiều hang động kỳ vĩ, đường đi cheo leo, lòng động thâm u cùng với những nhũ đá hình thù kỳ lạ đẹp đến sững sờ. Với những người thích đi phượt, ưa khám phá những nơi hoang sơ, huyền bí, thì sẽ thật uổng nếu không tìm đến những hang động này.

anh-2_b2Khung cảnh làng quê Võ Nhai nhìn từ lưng chừng núi.

Hang Dơi xứ Thanh

Nằm ở bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, hang Dơi kỳ bí cheo leo trên một vách núi, nằm ở đoạn cuối con suối cạn chảy ngay qua thung lũng. Nếu muốn khám phá hết khu hang Dơi này, du khách cần chuẩn bị trước các đồ dùng chuyên nghiệp và phải bỏ ra một ngày.

Từ chiếc cầu khỉ bắc qua khe suối lên đến hang, chúng tôi đã phải leo qua một đoạn đường đất, độ dốc lớn. Nhiều chỗ phải dùng dao mượn của người địa phương để phát quang lối đi rồi mới tiến bước được. Khi đặt chân tới được cửa hang, mọi người đều có cảm giác choáng ngợp. Vòm hang rộng mênh mông như một vòm trời thu nhỏ, với những khối nhũ đá xanh màu rêu nhô lên.

Theo già bản Hà Đình Nếch, mặc dù đã có nhiều người dân địa phương cũng như du khách từng vào trong hang nhưng vẫn chưa biết nó thực sự sâu bao nhiêu. Đoạn đường mà mọi người đã đi được dài khoảng 2 km tính từ cửa. Đường vào hang rất trơn và có độ dốc lớn. Trong hang có nhiều đoạn ẩm ướt do mạch nước ngầm chảy quanh năm.

Lờ mờ trong ánh sáng yếu, chúng tôi nhìn thấy nhiều khối nhũ đá tạo hình khá đa dạng. Ở chỗ hang khô, nhũ đá có màu xanh rêu, nhưng vào sâu bên trong nhũ đá lại có màu vàng bàng bạc lấp lánh bên dòng nước nhỏ chảy phía dưới. Lòng hang có rất nhiều ngõ, ngách nhỏ thông ra các hướng khác nhau. Những nhũ đá mờ mờ ảo ảo hiện ra ngày một nhiều. Hệ thống nhũ đá của hang Dơi gồm cả phần khô và nước đã được thiên nhiên kiến tạo từ hàng triệu năm về trước.

Cho đến nay hang Dơi vẫn chưa được khám phá hết và những con số đoán định của du khách hay người bản địa chỉ là tương đối. Đúng như tên gọi của nó, hang là nơi trú ngụ của đàn dơi đông đúc. Người dân ở đây cho biết, khi mùa dơi về cư trú, cứ sáng ra họ thấy một lớp phân dơi dày dưới lòng hang. Khi đàn dơi bay ra khỏi cửa sẽ đen kịt, kín một góc trời.

Hòa Bình có động Thác Bờ

anh-4_b1Dưới cửa động Thác Bờ.

Động Thác Bờ thuộc địa phận núi Chủa nằm ở xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Núi Chủa trông uy nghi, sừng sững giữa trời. Vào mùa thu, dòng nước sông Đà trong xanh, mềm mại, uốn lượn ven chân núi. Chủa là một dãi núi đá vôi chạy dài khoảng 8 km, bám lấy lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Từ bến thuyền Thung Nai, sau khi du khách rẽ sóng nước ngắm vẻ đẹp của lòng hồ khoảng 12 km thì sẽ cập bến động Thác Bờ.

Theo người dân địa phương, vào mùa đông nước cạn, khi tới chân mép nước để leo lên cửa động du khách phải vượt hơn 100 bậc thang. May cho chúng tôi khi đi vào hè, nước vẫn còn đầy nên chỉ phải rời thuyền sang khu nhà nổi, sau đó đi trên những chiếc cầu phao kết bằng thân cây bương chạy dài khoảng 100 m, bước qua đôi chục bậc đá nữa là đặt chân tới cửa động Thác Bờ. Cửa động cao đến 30 m, rộng khoảng 20 m với những khối đá vòm có hình thù kỳ quái. Cho đến nay, du khách có thể đi sâu vào bên trong lòng động khoảng 300 m để khám phá vẻ đẹp tuyệt sắc, huyền ảo mà trời đất ban tặng cho nơi này. đường đi trong động gập ghềnh, nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao, lòng động chỗ rộng chỗ hẹp, nơi rộng nhất trên 40 m.

Động được chia làm ba khu chính. Khu vực thứ nhất rộng rãi thoáng đãng, vòm trần cao. Khu vực này được bố trí như một phòng chờ với những hàng ghế đá cho du khách ngồi nghỉ chân, thưởng ngoạn lòng động. Các khối nhũ hai bên vách tạo thành từng cụm lớn khiến ta liên tưởng tới những bức tranh của các trường phái trừu tượng. Trên vách phía tây, với dấu ấn của thời gian trôi qua đã để lại một khối nhũ lớn mang hình tượng cá chép đang hóa rồng.

Đi qua cây cầu nhỏ dài 50 m bắc ngang một hồ nước không sâu, trong vắt, với hàng đàn cá lội tung tăng, du khách vào đến khu vực thứ hai. Ở đây cảnh sắc huyền ảo, cả rừng nhũ đá rủ xuống từ vòm động, với những hình thù kỳ lạ. Giữa động có một cột nhũ đá lớn, cao trên 10 m, nhiều người ví như một ly kem khổng lồ, xung quanh là tầng tầng lớp lớp các cột đá nhỏ mọc lên.

Khu vực thứ ba nằm cao hơn khu vực thứ hai hơn 40 m, đường lên cheo leo, ngoằn ngoèo. Hiện nay một số đoạn đường lên đã được xây bậc đá để bớt khó đi và tránh xảy ra tai nạn. Khu vực này có vòm động rất rộng, trần cao chừng 30 m, chiều rộng tới 40 m, không khí thoáng đãng mát lành. Các cột đá mọc lên từ những nền hang như những tượng Phật. Bàn thờ Phật được bố trí khá ngăn nắp, các tượng Phật được xếp đặt lạc từ thấp đến cao.

Chinh phục hang Phượng Hoàng

Suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng là một quần thể thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Dãy núi Phượng Hoàng có 100 ngọn tất cả, theo truyền thuyết khi xưa đàn phượng hoàng bay về đây đã chọn được một ngọn để đậu và sau đó người ta gọi là đỉnh Phượng Hoàng. Hang nằm ở chính đỉnh núi ấy nên mang cùng tên.

Đường lên tới hang hiện nay đã được làm bậc, nhưng nhiều đoạn rất dốc. Theo người dân địa phương, có tất cả 2.200 bậc đá từ chân núi cho tới cửa hang. Càng leo lên cao, ngoảnh lại nhìn càng thấy cảnh sắc xung quanh hoang sơ, bình dị mà rất đẹp.

Hang có hai cửa rộng đón ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào. Từ đỉnh hang những giọt nước trôi theo nhũ đá đọng thành vũng nhỏ phía đáy. Men theo những bậc đá đã được làm tay vịn, lan can, chúng tôi bắt đầu mò dần xuống bên dưới. Dọc hành trình là những nhũ đá huyền ảo với các hình voi chầu, hổ phục, kỳ lân múa, mẹ bồng con, vũ nữ Chăm Pa… độc đáo, lạ mắt.

Lạ lẫm hang Huổi É

anh-7_b2Nhũ đá trong hang Huổi É màu vàng, được điểm vào những hạt lấp lánh như kim tuyến.

Ở xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La có một hang động mang cái tên nghe lạ tai: hang Huổi É.

Gửi xe ở điểm gần UBND xã Chiềng Khay, du khách phải đi bộ 5 km để tới cửa hang. Chỉ có duy nhất con đường mòn dẫn vào hang nên mọi người cần chuẩn bị dao để phát quang và có thể thuê người địa phương dẫn đường. Sau gần một giờ đi bộ, vượt đường rừng và được anh Nguyễn Văn Thanh ở Phòng Văn hóa Thể thao và Du lịch Quỳnh Nhai dẫn đường, chúng tôi đến được hang Huổi É.

Hang Huổi É nằm trong địa phận bản Nậm Ngùa. Theo anh Thanh, cơ quan chức năng vẫn chưa cho khai thác điểm du lịch hang Huổi É nên việc tham quan vẫn còn rất hạn chế. Anh Thanh cho biết, chiều dài hang đã được phát hiện ra là 1.500 m, nhưng đó chưa phải là số liệu cuối cùng vì còn nhiều đoạn vẫn chưa khám phá hết.

Trong hang, những khối nhũ đá màu vàng trở nên lộng lẫy khi có ánh đèn chiếu vào, chúng lấp lánh như được phủ một lớp kim tuyến lên trên. Hang tuy không rộng, nhưng sâu thăm thẳm, càng đi càng như lạc vào một mê cung ngoằn ngoèo khó đoán. Những vườn nhũ đá tuyệt sắc nối tiếp nhau, hình thù các khối nhũ đá đa dạng, màu sắc sinh động.

Nhiều du khách nhận xét, nếu chỉ tính các điểm du lịch của riêng Sơn La như nhà tù cổ, cao nguyên Mộc Châu, thì có thể nói Huổi É trong một ngày không xa sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn không kém.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối