Một vài cây oải hương cuối mùa lại bung cánh, khẽ chạm vào chúng, hương thơm lại thoang thoảng bay. Những nụ hồng nhiều màu sắc lại khoe mình, tiếng chim lại hót trong veo ríu rít trong vài bụi cây nào đó, khu vườn xung quanh ngôi nhà của đại văn hào Shakespeare đã trải qua thời thơ ấu thật yên tĩnh trong một sớm đầu thu.
Người ta tranh cãi về cái tên đại văn hào Shakespeare khi cho rằng, đó chỉ là bút danh của nhà soạn kịch, nhà thơ vĩ đại của nước Anh hay cũng chưa tường tận về hoàn cảnh gia đình ông, bởi không tìm được bất cứ quyển nhật ký nào liên quan, nhưng không ai có thể phủ nhận về độ kiệt xuất của ông qua những bài thơ hay những vở nhạc kịch vang tiếng. Giấc mộng đêm hè hay Romeo và Juliet là những vở nhạc kịch đã đi sâu vào tiềm thức khi tôi bắt đầu tìm hiểu môn nghệ thuật vốn dĩ xa lạ với người châu Á.
Stratford Avon – dấu ấn văn hóa Anglo-Saxon
Stratford-upon-Avon là một thị trấn nhỏ cách thành phố Birmingham khoảng 35 km. Trong tiếng Anh cổ, “Strat” có nghĩa là “con đường” và “Ford” có nghĩa là “khúc cạn”. Cụm từ “Stratford-upon-Avon” có nghĩa là “con đường cạn để dòng sông Avon len lỏi và xuyên qua phố. Stratford-upon-Avon từng là trung tâm văn hóa chính của tộc người Anglo-Saxon với những hiệp định quan trọng được ký kết và được cấp phép, là một trong những trung tâm thương mại của nước Anh để trao đổi hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng lông cừu.
Tôi lang thang đến con đường Sheep chạy cắt ngang từ đường Ely đến đường Waterside để xem qua ngôi nhà số 40 được xây dựng từ năm 1480, một trong những ngôi nhà cổ nhất còn sót lại sau cuộc hỏa hoạn vào năm 1595 ở Stratford-upon-Avon. Những ngôi nhà còn lại cũng cổ kính không kém khi chúng được xây dựng lại vào khoảng đầu thế kỷ 17.
Những bước chân nhẹ nhàng của du khách trên đường đá cuội qua con phố hẹp làm tôi gợi nhớ nơi đây từng là con đường thương mại sầm uất của Stratford-upon-Avon trong thời Trung cổ. Như tên gọi của con đường, nơi đây trong quá khứ tập trung các lò mổ để cung cấp thịt cừu cho các khu vực lân cận cũng như trao đổi lông cừu. Hầu hết, lượng cừu tập trung về đây được mua từ vùng lân cận Cotswold Hills.
Tôi ghé qua ngôi nhà cổ Shrieves, nơi đó ghi lại vết tích lịch sử khi nhà chính trị tài ba của nước Anh Oliver Cromwell từng ở đây vào năm 1651. Ông đã viết một kế hoạch quân sự tại đây và gửi đến Lord Wharton vào ngày 27-8-1651 trước khi cuộc chiến Worcest xảy ra.
Stratford-upon-Avon vẫn giữ lại cho mình những kiến trúc Anglo-Saxon đặc trưng qua những dãy phố có tuổi đời đã hơn 800 năm. Những ngôi nhà được sơn phết màu trắng cùng với những thanh gỗ màu đen bắt chéo trước mặt tiền nhà luôn xuyên suốt dãy phố. Chúng dường như chẳng tẻ nhạt cùng với thời gian dù đã rêu phong trên từng mái ngói.
Stratford-upon-Avon đâu chỉ còn những con đường đá cuội được giữ lại từ thời La Mã mà còn có ngôi nhà nơi đại văn hào Shakespeare đã trải qua thời thơ ấu của mình, mà những nhà sáng tác văn thơ, kịch nghệ lớn của thế giới luôn gọi bằng cái tên trìu mến: “Thánh địa Mecca dành cho những người yêu mến văn chương”.
Ngôi nhà thời niên thiếu của Shakespeare
Tôi len qua những lối dẫn trong khu vườn để ghé thăm ngôi nhà thời niên thiếu của Shakespeare. Những ngày cuối hè đầu thu, những tiếng ọt ẹt vang lên từ chiếc cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2 của ngôi nhà, nơi mà Shakespeare đã chào đời níu kéo tôi quay ngược quá khứ và thả hồn vào các tác phẩm kinh điển. Những hiện vật được trưng bày trong từng phòng cứ lần lượt tái hiện thời thơ ấu và lớn lên của ông trong ngôi nhà đó như thế nào. Ông cũng đã từng sống với vợ mình Anne Hathaway ba năm trước khi di chuyển đến London sống một mình.
Cả con đường Henley nơi ngôi nhà của Shakespeare tọa lạc dường như sống trong “hơi thở” những tác phẩm vĩ đại của ông. Những quầy hàng lưu niệm dường như chỉ có duy nhất hình ảnh của ông trên những món quà. Trên con đường nhỏ nhắn rêu phong ấy, những sinh viên từ các học viện âm nhạc cứ thả hồn tự nhiên và hóa thân thành chàng Romeo bảnh trai và nàng Juliet xinh đẹp trong tác phẩm của ông. Ngôi nhà cũ kỹ ấy dường như mang đến một sức sống mãnh liệt cho thế hệ diễn viên trẻ đầy tài năng trong tương lai của nước Anh.
Một sinh viên cho tôi biết: “Chỉ khi được diễn trên quê hương của ông, đặc biệt trước ngôi nhà niên thiếu, chúng tôi luôn có nhiều cảm xúc và cảm hứng rất đặc biệt dù đây không phải là sân khấu để diễn chính”.
Nước Anh đang ở cuối hè đầu thu với những cơn mưa chợt thoáng qua, những ruộng hoa cải màu vàng nở rộ xen lẫn với những đồi cỏ xanh ngát tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên những con đường yên ắng, những chiếc lá vàng của mùa thu lại theo gió bay xa. Tôi lại thèm được hưởng những ngày đầy sương mù của đảo quốc…
Nguyễn Chí Linh