(SGTT) – Tháp Chót Mạt (Tây Ninh) có tuổi đời hơn 1300 năm, đây là một trong những công trình kiến trúc tháp của nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ.
Tháp Chót Mạt được xây dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng, thuộc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Tháp Chót Mạt được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8 và được phát hiện vào đầu thế kỷ 20. Ngôi tháp đã được Bộ Văn hóa Thể Thao - Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23-7-1993.
Theo nhiều nguồn tài liệu khảo cổ, tháp Chót Mạt là một trong những công trình kiến trúc tháp của nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ, bên cạnh tháp Bình Thạnh ở Trảng Bàng (Tây Ninh) và tháp Vĩnh Hưng (Bạc Liêu).
Tháp Chót Mạt được xây dựng bằng hai loại vật liệu chính là gạch khổ lớn cao 7x8x25cm và đá phiến. Hình dáng tháp khá tương đồng như tháp của người Chăm ở các tỉnh miền Trung.
Đỉnh tháp nhọn dần, các bức tường thẳng và dày, chân tháp rộng và đặc biệt các viên gạch được xếp chồng khít lên nhau hầu như không thấy khe hở.
Bình diện tháp hình vuông, mỗi cạnh 5m, tháp cao trên 10m, các mặt vách tháp quay ra đúng hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Mặt chính hướng Đông, tuy nhiên cửa tháp đã sụp đổ phần vách, do đó đã mất phần chiều cao của tháp.
Có thể thấy, ba mặt Tây - Nam - Bắc của tháp đều có cửa “giả”, trên bề mặt được chạm nổi hình người, cách điệu hoa văn công phu và tinh xảo bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo nên.
Anh Lê Lam Nhật Tân, du khách đến từ Đồng Tháp, chia sẻ "Là người yêu thích những điểm đến văn hóa, tháp cổ Chót Mạt để lại cho mình nhiều ấn tượng đặc biệt. Các bức phù điêu được người xưa chạm khắc trên mặt ngoài của ngôi tháp còn khá nguyên vẹn, tỉ mỉ và rất đặc sắc”.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, khu di tích tháp cổ Chót Mạt đã mang cho mình một diện mạo mới nhưng đâu đó ngôi tháp ấy vẫn giữ nguyên được giá trị nguyên vẹn của nền văn hóa Óc Eo cùng tinh thần kiến trúc cổ xưa không thể lẫn vào đâu được.
Đây được xem là điểm đến văn hóa không thể bỏ qua của nhiều du khách khi ghé qua Tây Ninh.
Thượng Khải