Vĩnh Thụy -
Gã khổng lồ thức ăn nhanh McDonald’s đang có tham vọng biến 2.200 cửa hàng của mình ở Trung Quốc thành một cỗ máy hái ra tiền, bằng cách chuyển tất cả thành cửa hàng nhượng quyền.
Người tiêu dùng bên ngoài một tiệm McDonald’s ở Thượng Hải.
Dự kiến cuối năm nay, McDonald’s sẽ tìm được đối tác và tham vọng này được kỳ vọng sẽ kiếm được 1,5 -2 tỉ đô la từ các nhà đầu tư Trung Quốc. McDonald’s cũng dự kiến tăng được khoảng 5-7% doanh thu từ thỏa thuận nhượng quyền trong 20 năm này. Hãng thức ăn nhanh này sẽ chỉ giữ một ít cổ phần ở các cửa hàng nhượng quyền, đồng thời cắt giảm chi phí hoạt động và bảo toàn vốn.
Theo tờ Wall Street Journal, thỏa thuận tiềm năng này cũng phản ánh độ chín của lĩnh vực thức ăn nhanh ở Trung Quốc, nơi mà McDonald’s và Yum Brands Inc – sở hữu các thương hiệu Kentucky Fried Chicken (KFC) và Pizza Hut – đã hoạt động kinh doanh từ 25 năm qua. Khi lượng người tiêu dùng dịch chuyển từ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu đến các thành phố nhỏ hơn, các hãng thức ăn nhanh cần có đối tác nắm bắt được biến động về thị trường và nhà đất ở Trung Quốc, biết được nên lập cửa hàng ở đâu và cách cung ứng nguyên liệu cho những cửa hàng này.
Bà Phyllis Cheung, Tổng giám đốc McDonald’s ở Trung Quốc nói với The Wall Street Journal rằng họ muốn tăng tốc ở các thành phố nhỏ và cần một đối tác địa phương có nguồn lực và sự hiểu biết ngay tại địa phương. Nhượng quyền giúp McDonald’s linh động hơn, mở rộng thị trường và có thêm khả năng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Bà Cheung còn nói sự cạnh tranh tăng là lý do McDonald’s đang tìm một đối tác Trung Quốc “hiểu biết sâu” về thị trường Trung Quốc, thay vì kiếm một đối tác chỉ bỏ tiền xây cửa tiệm mới.
Hồi năm ngoái, Yum cũng tuyên bố một thỏa thuận tương tự, nhằm tăng hoạt động của KFC và Pizza Hut, cũng như duy trì chỗ đứng ở Trung Quốc.
Theo Ben Cavender, giám đốc một tập đoàn nghiên cứu thị trường ở Trung Quốc, đối với McDonald’s và Yum, việc chuyển qua mô hình chỉ là tiệm nhượng quyền ở Trung Quốc bởi thị trường này đã trưởng thành đến mức có thêm người có kinh nghiệm điều hành các dây chuyền thức ăn nhanh và nhà hàng thức ăn nhanh. Các thương hiệu cũng ráng nhảy vào những thị trường và họ không thể tự làm việc này nhanh nên họ cần sự giúp đỡ của người địa phương.
McDonald’s đã đến Trung Quốc từ 26 năm trước. Hiện tại doanh số từ các cửa hàng đã phục hồi sau một trục trặc về nguồn cung khiến thiếu gà và bánh mì hamburger ở vài nhà hàng hồi năm 2014. Doanh số của các cửa tiệm này sụt giảm suốt bốn quí liên tiếp trước khi bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2015. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh đang gia tăng. Cụ thể, Dicos (Đài Loan) đã có hơn 2.000 cửa tiệm ở Trung Quốc, tương đương số cửa tiệm của McDonald’s. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với một sự cạnh tranh khác của Trung Quốc là Real Kung Fu (sử dụng logo là cố võ sĩ-diễn viên điện ảnh Lý Tiểu Long) bán mì thịt heo và mì thịt bò.
Hiện có ít nhất 6 nhà thầu quan tâm đến thỏa thuận nhượng quyền của McDonald’s ở Trung Quốc, trong đó có các công ty tư nhân góp vốn của Mỹ là Tập đoàn CarlyleLP, TPG và Bain Capital LLC. Theo người nắm rõ tình hình cho biết, ba công ty này đã kết hợp với những đối tác Trung Quốc như Citic Ltd và Wumart Stores Inc., vốn là những nhà kinh doanh hiểu rõ các điều kiện thị trường địa phương.
Tại Trung Quốc và Hồng Kông, McDonald’s đang đề nghị các đối tác tiềm năng mua lại hơn 1.000 nhà hàng và xây 1.300 cửa tiệm mới. Theo giới quan sát, vẫn còn đất trống để phát triển ở Trung Quốc, thị trường lớn duy nhất mà số cửa tiệm của KFC (5.000 cửa tiệm và còn tăng) đang nhiều hơn số cửa tiệm của McDonald’s. Đối tác nhượng quyền sẽ phải tìm những cách mới để thỏa mãn người tiêu dùng Trung Quốc, những người đang đòi hỏi sự thay đổi như thức ăn phải lành mạnh hơn và cửa hàng hiện đại hơn.