Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Thắng lớn mùa kịch tết, nhưng sân khấu vẫn lo

Nguyễn Huy -

Dù sân khấu kịch mùa tết năm nay thắng lớn với hơn 20 vở mới được công diễn và liên tục cháy vé, nhưng vẫn còn những e dè rằng loại hình này chưa thể hồi sinh như thời rực rỡ của nhiều năm trước.

Sân khấu kịch cháy vé

Lâu nay, sân khấu kịch phía Nam đã rơi vào tình trạng khó khăn trước làn sóng dữ dội của gameshow truyền hình, phim truyền hình và phim chiếu rạp. Dẫu vậy, các ông bầu vẫn cố sức duy trì dù chỉ một số ít vở diễn có đông khán giả, còn phần lớn bán vé rất yếu.

Đến mùa tết này, sinh khí các sân khấu bỗng nhiên bừng dậy. Hồi giữa năm, nhiều đơn vị còn chưa có kế hoạch sản xuất kịch tết cụ thể thì gần cuối năm mỗi sân khấu đã tung ra ít nhất hai vở mới. Thành công ấn tượng của vở nhạc kịch Tiên Nga thuộc sân khấu Idecaf có thể đã tác động mạnh mẽ vào niềm đam mê nghệ thuật và niềm hy vọng vào sức hút của kịch nghệ, vốn vẫn luôn tồn tại trong các ông bà bầu sân khấu.

Trong mùa kịch Tết Mậu Tuất 2018, các sân khấu lớn nhỏ tung ra tổng cộng hơn 20 vở mới. Điều đáng nói, hầu hết các sân khấu đều cháy vé, khác hẳn với không khí ngày thường. Sân khấu Hồng Vân có tổng cộng bảy vở mới trong mùa tết này, bao gồm Tám thần tài, Người lạ ơi, Công chúa sao hỏa, Con trai chồng tôi, Xác sống, Căn phòng câm lặng, Gameover và Ngọc lan trong gió. Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng là địa điểm có kịch tết hùng hậu với các vở Thiên hà hội tụ, Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Sứ giả thiên đường.

Thành công bất ngờ của nhạc kịch Tiên Nga đã thắp lên tia hy vọng cho sự hồi sinh sức sống kịch nghệ.

Sân khấu Trịnh Kim Chi thì nhanh chóng hoàn thành để ra mắt hai vở kịch tết gồm Game ơi là show, Thầy giáo ma. Hai vở ra mắt trước đó của sân khấu này cũng được xếp vào mục kịch Tết là Chuyến đi tử thần, Hồn nữ mơ hoang. Sân khấu Idecaf sau thành công vang dội với nhạc kịch Tiên Nga đã ra mắt hai vở Thám tử si tình, Bởi vì ta yêu nhau.

Sân khấu kịch 5B dù đang được nâng cấp nhưng Hội Sân khấu TPHCM cũng nỗ lực tung ra vở Kỳ án xứ mặt trời, chọn rạp Công Nhân làm nơi trình diễn. Trong suốt năm hầu như không dựng vở mới, sân khấu kịch TPHCM cuối năm cũng tung ra vở Hẻm nhỏ Sài Gòn và được dư luận đánh giá tốt. Sân khấu Hoàng Thái Thanh thì đi sâu vào dạng kịch đậm chất nghệ thuật với hai vở Sài Gòn có một ngã tư và Giấc mộng vàng son.

Sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả đối với các tác phẩm mới khiến các ông bầu sân khấu không khỏi phấn chấn. Sân khấu Thế Giới Trẻ đã phải bán thêm ghế phụ cho tất cả các suất diễn. Sân khấu kịch Hồng Vân tăng thêm suất diễn. Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng náo nhiệt hơn ngày thường. Sân khấu kịch Sài Gòn lặng lẽ nhưng suất nào cũng đầy khán giả. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cháy vé. Sân khấu Nụ Cười Mới kể từ khi đổi địa chỉ mới lâm vào tình cảnh khó khăn nhưng mùa tết vẫn đông khách. Sân khấu kịch Minh Nhí thì bán hết vé cho chương trình hài ca nhạc tổng hợp.

Thành công mang tính mùa vụ

Việc bán hết vé cho các vở kịch được công diễn mùa tết là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy khán giả chưa bao giờ quay lưng với kịch nghệ. Tuy nhiên, người trong ngành cho rằng thành công này chỉ mang tính mùa vụ.

“Thực ra, mùa tết năm nào sân khấu cũng thành công chứ không riêng gì năm nay. Qua tết, lượng khán giả đến rạp sẽ giảm dần, tình hình sân khấu trở lại trạng thái bấp bênh. Vì vậy, ai đó nhìn vào hiện tượng cháy vé của mùa kịch tết 2018 và kết luận sức sống của kịch nghệ hồi sinh như thời đẹp nhất của nó thì hoàn toàn thiếu cơ sở”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf nhận định.

Theo ông Tuấn, sở dĩ sân khấu mùa tết ăn nên làm ra vì công chúng có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn bình thường. Họ đi xem kịch như là cách lấp thời gian trống. Bên cạnh đó, tâm lý hưởng thụ, sẵn sàng chi tiêu trong ngày tết khiến nhiều người không tiếc tiền cho việc mua vé xem kịch.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với ý kiến này của ông Tuấn. Ngày tết, phim chiếu rạp rất đa dạng, các chương trình giải trí trên truyền hình rất phong phú. Thế thì vì sao khán giả vẫn ùn ùn đi xem kịch? Thậm chí vé kịch tết còn bán hết trước hơn nửa tháng.

Nhìn từ vở Tiên Nga của Idecaf được khán giả đón nhận tích cực, ông Tuấn khẳng định kịch bản hay và đạo diễn giỏi sẽ kéo khán giả đến rạp. Thông thường, công chúng có thể tiếc tiền xem kịch, nhưng chỉ với những vở bình thường, chất lượng nghệ thuật không cao.

Giám đốc nghệ thuật kiêm đạo diễn Ngọc Hùng của sân khấu Thế Giới Trẻ cũng cho rằng nếu kịch bản hay và đạo diễn tốt thì thể loại kịch nào cũng hấp dẫn khán giả.

“Nhu cầu thưởng thức kịch hiện không bó hẹp vào một thể loại nhất định nào. Sau khi làm kịch kinh dị và kịch đồng tính, chúng tôi thử nghiệm kịch tâm lý bi và hài, được khán giả hưởng ứng tích cực. Trong mùa tết, vở nào có câu chuyện hay, dàn dựng chặt chẽ thì đông khán giả hơn các vở khác”, ông Hùng nói.

Từ chiến thắng lớn trong mùa tết, nhiều ông, bà bầu sân khấu vẫn tin rằng sức sống của kịch nghệ rất mạnh mẽ. Họ bất chấp khó khăn để đi đến cùng trong cuộc chơi nghệ thuật. Sân khấu Minh Nhí sẽ sáng đèn trở lại một cách đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật. Danh hài Hữu Nghĩa đã thuê lại mặt bằng tại địa chỉ 126 đường Cách Mạng Tháng Tám để mở sân khấu kịch mini. Bên cạnh đó, câu lạc bộ kịch Ví dầu vẫn sáng đèn hằng đêm. Trong cuộc lao động nghệ thuật giữa sự cạnh tranh, biến đổi không ngừng của thị trường, họ sẽ cố gắng tìm kịch bản hay để tạo ra các tác phẩm đi sâu vào tâm trí khán giả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối