THÙY DUNG -
Sau gần 4 năm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), đến ngày 17-5 vừa qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký bản ghi nhớ về nối lại chương trình này. Song, để duy trì chương trình bền vững phụ thuộc vào việc giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại đây.
Cơ hội mở lại cho tất cả lao động
Lao động Việt Nam trong buổi tập huấn về văn hóa Hàn Quốc. Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc đã được thực hiện từ những năm 2000. Tuy nhiên tới giai đoạn năm 2010-2011, số người lao động đi theo chương trình EPS sau khi hết hạn hợp đồng đã không về nước mà ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức gần 50%, có thời điểm lên đến 55%, cao gấp đôi so với mức trung bình của 15 nước tham gia chương trình.
Từ tháng 8-2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại bản ghi nhớ (MOU) bình thường về chương trình EPS mà chỉ ký bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm. Nhưng với bản ghi nhớ đặc biệt này, chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2011 và những lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh mới có thể tham gia chương trình. Điều này cũng đồng nghĩa hàng năm hàng chục ngàn lao động Việt Nam không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Doãn Mậu Diệp, về cơ bản, bản ghi nhớ lần này giống các bản ghi nhớ được ký trước đây, bao gồm các quy định như trách nhiệm cơ quan phái cử và tiếp nhận, chi phí phái cử, quy trình phái cử và tiếp nhận, các điều kiện đối với người lao động dự tuyển.
Song, điểm đặc biệt là tất cả lao động đều có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc mà không giới hạn như trước. Đồng thời, tất cả lao động sau khi thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn sẽ phải tham gia kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, đối tượng tham gia chương trình EPS lần này là người lao động có độ tuổi 18-39, không có tiền án tiền sự hoặc thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn quốc, cấm xuất cảnh Việt Nam, đủ sức khỏe đi làm việc ở nước ngoài. Những người lao động đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai chính phủ từ ngày 1-4-2016 đến 30-9-2016.
Quy trình đi về cơ bản vẫn như trước đây, tức người lao động phải nộp hồ sơ dự thi tiếng Hàn, những lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra tay nghề do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức. Những lao động được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn sẽ được bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hướng dẫn, hỗ trợ làm các thủ tục, giấy tờ liên quan để xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.
Khai thông nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
Để ký kết được bản ghi nhớ bình thường nói trên là nỗ lực về ngoại giao cũng như các biện pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Song, theo ông Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì theo bản ghi nhớ này, hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với số lượng bao nhiêu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc giảm số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước này.
Từ năm 2012, các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Các biện pháp bao gồm quy định ký quỹ với người lao động trước khi xuất cảnh, thành lập Văn phòng quản lý lao động theo chương trình EPS tại Hàn Quốc, đề nghị chính quyền, đoàn thể tại các địa phương có nhiều lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vận động các gia đình thuyết phục người thân của mình trở về nước, phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc gặp gỡ, tư vấn và vận động lao động trở về nước đúng thời hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện chính sách khuyến khích người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương.
Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015; số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người.
Tuy nhiên, ông Diệp cho biết tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của 14 nước khác có phái cử lao động sang Hàn Quốc.
Hiện tại, Hàn Quốc mới chỉ đồng ý tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm 2016 này trong tổng nhu cầu là 56.000 người. Con số đó còn thấp so với kỳ vọng của Bộ LĐTB&XH vì lao động Việt Nam vẫn được phía Hàn Quốc đánh giá cao trong công việc. Song, con số trên chỉ tăng khi lao động bất hợp pháp chịu về nước.
Trong thời gian tới, ngoài những biện pháp mà Bộ LĐTB&XH đã thực hiện, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, bộ sẽ tạm dừng tiếp nhận lao động ở một số địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao. Hiện nay, có 15 tỉnh, thành phố trên cả nước có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất, chiếm 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc.