Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Thấp hay cao lương cán bộ công chức?

Trúc Diễm - 

Tiền lương cơ sở của cán bộ công chức hiện rất thấp nếu nhìn vào mức 1,21 triệu đồng/tháng như hiện nay. Tuy nhiên, mức lương công chức thực tế có thấp hay không còn phải nhìn vào hiệu quả công việc. Theo các chuyên gia lao động thì 30% cán bộ bị trả lương quá thấp nhưng có tới hơn 50% cán bộ được trả lương quá cao so với công việc mà họ làm.

Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,3 triệu đồng/tháng

cong-chuc Lương công chức cao hay thấp nên được đánh giá thông qua hiệu quả công việc.  Ảnh: T.T

Tại phiên họp ngày 17-10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ủy ban này ủng hộ đề xuất của Chính phủ tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng một tháng, tương đương tăng 7%.

“Đó là đề xuất hợp lý. Việc tăng lương là hợp lý trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn”, ông Hải nói. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ cân nhắc bố trí nguồn để thực hiện đề án cải cách tiền lương.

"Việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cũng như phải cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương...", ông Hải nói.

Thực tế, lương cơ sở (hay còn gọi là lương tối thiểu ở khu vực nhà nước) rất thấp và chậm được điều chỉnh. Đến nay, lương tối thiểu vùng I của khu vực tư nhân đã là 3,5 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần lương cơ sở.

Tại một hội thảo của Bộ Nội vụ diễn ra gần đây, Ông Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa kinh tế và quản trị nhân lực, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, sau 12 năm cải cách tiền lương, mọi thứ đều biến động, tăng lên mạnh, nhất là giá cả hàng hóa tiêu dùng, nhưng riêng tiền lương vẫn “tương đối ổn định”, làm cho thu nhập thực tế của cán bộ, công chức và viên chức giảm sút, cuộc sống khó khăn, chịu nhiều áp lực, bản thân cán bộ, công chức và viên chức không yên tâm tập trung cho công việc của mình.

Chính những mâu thuẫn này là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức như tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, nhũng nhiễu vòi vĩnh, hình thành các nhóm lợi ích,… và không còn là “công bộc” của dân.

Ông Cầu cho hay, chỉ có những cán bộ, công chức, viên chức không thể nào có nguồn thu khác ngoài mức lương được chi trả thì mới quan tâm nhiều đến tăng lương tối thiểu mà đối tượng đó thường là những người có lương thấp, cán bộ trẻ mới vào nghề… và có thể nói họ là những người nghèo.

Cũng tại buổi hội thảo trên, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng tiền lương và chế độ đãi ngộ quá thấp đối với khoảng 30% đội ngũ cán bộ, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả; nhưng lại quá cao với gần 50% cán bộ, công chức, viên chức không đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tinh thần, thái độ, trách nhiệm theo yêu cầu của chức vụ, công việc.

Theo ông Lợi tăng lương như “đồng khởi”; ai cũng được tăng như nhau, cho dù mức độ hoàn thành công việc không giống nhau, đến ngày đến hạn là tăng lương sẽ không tạo động lực cho đội ngũ “công bộc” này.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho thấy, người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả lương được 50% mức sống tối thiểu, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang. Nhưng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, lương của cán bộ, công chức thấp nhưng với nhiều người lương vẫn cao hơn năng suất lao động của họ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, tình trạng công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” khá nhiều trong khi thiếu nhân tài và chảy máu chất xám. “Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm việc, tương đương 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm”, ông Lợi nói.

Đã đến lúc cần cải cách lương công chức

Theo các chuyên gia tại hội thảo trên, một điểm quan trọng cần cải cách trong chế độ tiền lương cho công chức là xây dựng cơ chế hưởng lương theo năng suất, tính tăng lương theo hiệu quả công việc. Với việc ngạch lương cứ 3 năm tự động tăng một lần như hiện nay thì công chức chỉ cần làm việc “tà tà” cũng được tăng lương.

Trong khi đó, ông Thăng Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho hay việc cần làm đầu tiên là phải cải cách hành chính một cửa để tách người công chức với người yêu cầu giải quyết công việc để tránh nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Đây là bài học thành công của Hàn Quốc, họ sử dụng triệt để điện tử hóa dịch vụ hành chính công.

Ngoài việc thực hiện Chính phủ điện tử, để tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương, Bộ Nội Vụ cho hay, đối với cán bộ công chức nhà nước, hưởng lương hoàn toàn do ngân sách nhà nước thì phải sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế. Trên cơ sở đó thực hiện khoán để các cơ quan tự chủ và chuyển các khoản như hội họp, đi nước ngoài sang chi cho tiền lương.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, theo ông Dũng, cần trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương.

“Chỉ có cách giao tự chủ cho đơn vị sự nghiệp thì họ mới quyết định việc tuyển bao nhiêu người và chi trả như thế nào cho hiệu quả. Nếu cứ trông chờ vào nguồn chi từ ngân sách nhà nước thì sẽ không thực hiện được”, ông Dũng nói.

Còn theo ông Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, hai khoản tiền lớn có thể tiết kiệm và dùng để cải cách tiền lương, đó là xe công và tiền chi cho hoạt động của các hội quần chúng.

Ước tính chi phí nuôi đội xe công của cả nước lên đến 12.800 tỉ đồng/năm. Trong khi đó, tổng số tiền ngân sách nhà nước chi cho các tổ chức quần chúng công từ trung ương đến xã, phường, thôn, có thể lên tới từ 45.000 tỉ đồng đến hơn 68.000 tỉ đồng.

Như vậy, theo ông Huyên, cần tiếp tục giảm các chức danh được sử dụng xe đưa đón, đưa phụ cấp bằng tiền quy đổi từ chi phí xe phục vụ vào lương của các chức danh hiện đang được hưởng. Bên cạnh đó, chuyển một số tổ chức quần chúng công sang hoạt động theo cơ chế tự nguyện, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có như vậy thì ngân sách mới tiết kiệm được tiền để cải cách lương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối