Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Thất bại trong quản lý P2P lending tại Trung Quốc

(SGTT) - Đã từng là một nước đi sau về trước với thị trường cho vay ngang hàng - P2P Lending - vượt mặt các quốc gia như Mỹ và Anh để đạt giá trị 100 tỉ đô Mỹ, nhưng giờ Trung Quốc đang phải trả giá vì đã thả nổi hoạt động của mô hình này. Để không giẫm lên vết xe đổ của đất nước tỉ dân, Việt Nam cần rút kinh nghiệm để đưa P2P Lending vào khuôn khổ pháp lý ngay từ đầu nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ trong khi vẫn được hưởng những lợi ích mà hình thức cho vay bằng công nghệ mang lại.

Sớm nở tối tàn

Theo chuyên gia tư vấn Tyler Aveni và chuyên gia tài chính Ivo Jenik của Công ty tư vấn CGAP có trụ sở tại Washington DC, Mỹ, sự bùng nổ dữ dội của thị trường cho vay ngang hàng tại đất nước tỉ dân những năm gần đây đến từ nhiều yếu tố, trong đó có văn hóa tiết kiệm của người dân, lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn thấp, tỷ lệ người dân tiếp cận với Internet cao và sự thờ ơ của các tổ chức tài chính truyền thống đối với đối tượng người đi vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Và một phần đóng góp không nhỏ biến Trung Quốc trở thành thị trường cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới đến từ quy định quản lý có phần “nhân từ” nếu không muốn nói là “thả nổi để phát triển tự do” của chính phủ nước này.

Trong một thời gian dài, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã hạn chế các biện pháp can thiệp và để cho hình thức cho vay ngang hàng phát triển như nấm sau mưa với một phương châm “chờ đợi và quan sát”. Đáng tiếc, chính vì thiếu quản lý sát sao, khi thị trường cho vay ngang hàng vượt ngưỡng giá trị 100 tỉ đôla, nhiều vấn đề tiêu cực đã nảy sinh, dù mục đích ban đầu của hoạt động này có thể hoàn toàn lành mạnh khi áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo vào loại hình cho vay mang tính truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của một bộ phận người vay.

Lý do đơn giản chính là việc kết nối giữa người cho vay và người đi vay không dựa trên nền tảng chứng minh được khả năng hoàn trả các khoản nợ của người đi vay, đi kèm nguy cơ hình thức P2P Lending chuyển đổi trở thành một dạng ngân hàng ngầm.

Lấy ví dụ Ezubao, một công ty cho vay ngang hàng được thành lập năm 2014 tại tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, đã thu hút được khoảng 5 tỉ nhân dân tệ từ 900.000 nhà đầu tư. Công ty này sau đó đã bị đóng cửa vào cuối năm 2015 do liên quan đến cáo buộc lừa đảo theo mô hình Ponzi (hình thức vay của người này để trả cho người khác).

Theo đó, các cá nhân tham gia mô hình này đã đầu tư tiền để cho vay với hi vọng nhận lại một khoản lãi suất cao gấp bảy lần so với lãi suất của ngân hàng, rơi vào khoảng 9%-14,6%/năm. Nhưng kết quả đã không như mong đợi khi người đi vay sử dụng tiền vào mục đích trái pháp luật như buôn bán và vận chuyển vũ khí xuyên biên giới.

Các can thiệp sau đó của chính phủ Trung Quốc đã làm giảm số lượng các P2P Lending hoạt động từ 3.000 xuống còn khoảng 2.500 vào năm 2016.

Các biện pháp khắc phục, dù tới muộn, nhưng được hy vọng sẽ hỗ trợ thị trường cho vay ngang hàng bằng cách tạo ra sự minh bạch và một sân chơi công bằng cho tất cả người tham gia bao gồm các trung gian hay nền tảng cho vay, nhà đầu tư và người đi vay.

Đưa vào khuôn thước

Những gì đã xảy ra với P2P Lending tại Trung Quốc cũng không nên được coi như một tiền đề để phủ nhận hoàn toàn tiềm năng của kênh cung cấp vốn qua Internet này, tại chính đất nước này hay các tại các quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam. Bởi loại hình này đã và đang khắc phục được những điểm yếu của hệ thống tài chính truyền thống khi có khả năng đáp ứng được các nhu cầu tài chính cấp thiết của các cá nhân và doanh nghiệp SME cũng như tiếp cận được các khu vực nông thôn và hẻo lánh.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới - World Bank có tựa đề “Quy định cho các hình thức tài chính thay thế”, khi xem xét quy định áp dụng lên các hình thức tài chính thay thế, bao gồm cho vay ngang hàng, 90% các cơ quan quản lý (trong 111 cơ quan quản lý tại các nước và vùng lãnh thổ được khảo sát, không bao gồm Việt Nam) cho rằng quy chuẩn và các bài học kinh nghiệm từ các nước khác chính là then chốt giúp thúc đẩy những thay đổi về quy định cho các loại hình tài chính thay thế.

Với trường hợp của Việt Nam khi chưa có một bộ quy chuẩn quy định về cho vay ngang hàng, bài học từ Trung Quốc sẽ là một tiêu chuẩn để Việt Nam rút kinh nghiệm không thể lơ là và thiếu kiểm soát loại hình cung cấp vốn này ngay từ đầu để “tự sinh tự diệt”, với rủi ro trông thấy rõ là thiệt hại cho cả người vay và người đi vay, và hệ thống tài chính nói chung.

Cũng theo World Bank, mặc dù các hình thức tài chính thay thế, bao gồm cho vay ngang hàng (P2P), gây quỹ cộng đồng (ECF) và huy động vốn Cryptocurrency (ICO) đã bùng nổ từ năm 2015, các hoạt động này hầu như chưa có quy định chính thức tại nhiều nơi trên thế giới, ví dụ như mới chỉ có khoảng 22% các cơ quan quản lý chính thức có khung pháp lý cho P2P Lending.

Tổ chức này đưa ra nhận định đến giữa năm 2021, hầu hết các khu vực lãnh thổ sẽ có quy định cho ECF và hơn một phần ba có ý định sẽ ban hành khung pháp lý cho P2P và ICO, và khuôn khổ pháp lý riêng có thể sẽ trở nên phổ biến hơn nữa.

Một số quy định về P2P Lending mà Việt Nam có thể tham khảo bao gồm quy định về tuân thủ luật chống rửa tiền, cung cấp các thông tin cơ bản về rủi ro và chi phí cho nhà đầu tư, yêu cầu kiểm tra lịch sử tín dụng của người đi vay và yêu cầu về vốn tổi thiểu mà một công ty cho vay ngang hàng cần có.

Tây Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối