Văn Nam-Thu Nguyệt -
Tăng lương tối thiểu vùng, dịch chuyển đơn hàng sang các nước lao động rẻ hơn được dự báo sẽ là những khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể vươn lên vị trí những nước dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may nếu tập trung đổi mới, cải tiến công nghệ.
Giảm thâm dụng lao động
Khi lợi thế về nhân công giá rẻ không còn, doanh nghiệp lúc này đang phải cạnh tranh về năng suất lao động. Ảnh: Văn Nam
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề buổi hội thảo về dệt may tại TPHCM cuối tuần qua, ông Saurav Ujjain, cố vấn cao cấp của Công ty ThreadSol – doanh nghiệp tư vấn về giải pháp công nghệ ngành dệt may có trụ sở tại Singapore – nhận định Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc lớn trên thế giới. Dệt may Việt Nam đang có nhiều lợi thế về tính chuyên nghiệp, tay nghề của công nhân cũng như chất lượng sản phẩm xuất khẩu được các thương hiệu trên thế giới đánh giá cao.
Theo ông Ujjain, trong ngành dệt may, nguyên liệu vải chiếm đến 80% chi phí sản xuất ra thành phẩm. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp do áp dụng công nghệ cắt, may chưa cao nên phần vải thừa chiếm 5-10% tổng lượng vải tiêu thụ cho mỗi đơn hàng. Nếu một nhà máy công suất 20.000 sản phẩm/ngày thì chi phí vải cũng chiếm gần 30 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Ông Ujjain cho biết thêm, hiện đã có một vài nhà máy dệt may tại Việt Nam bắt đầu thay đổi, ứng dụng phần mềm dự toán vải (hay còn gọi là IntelloCut) và hệ thống lập kế hoạch nguyên liệu (IntelloBuy) mà nhiều nước tiên tiến áp dụng. Điều này đã giúp giảm tỷ lệ vải thừa xuống chỉ còn khoảng 1%, qua đó vừa giúp doanh nghiệp giải quyết chuyện thiếu-thừa vải cho mỗi đơn hàng vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giúp tăng lợi nhuận và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), cho biết hiện nay số lao động tại công ty đã giảm 5% và doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là nhờ đầu tư máy móc thiết bị, kỹ năng và mô hình quản lý để nâng cao năng suất. Hiện nay, trung bình mỗi chuyền may của công ty còn 65 công nhân thay vì phải cần 70 như trước đây, trong khi đó năng suất tăng lên. Cụ thể, tại một nhà máy của công ty ở huyện Hóc Môn, máy móc thiết bị giúp giảm 5% lao động, nhưng năng suất tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Ông Hùng cho biết, chủ trương của công ty là thâm dụng đầu tư chứ không thâm dụng lao động, tức là thay vì mở rộng thì công ty đầu tư theo chiều sâu.
Một số người trong ngành cho biết, hiện nay đang nổi lên một số thị trường sản xuất hàng dệt may với nguồn lao động rẻ cạnh tranh với Việt Nam như Campuchia, Myanmar, Lào và khu vực Nam Mỹ. Trong bối cảnh này, chỉ mỗi việc duy trì chất lượng sản phẩm là chưa đủ đối với ngành dệt may Việt Nam nếu giá bán không cạnh tranh với các thị trường mới nói trên. Hơn nữa, ngành dệt may trong nước vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chưa chủ động được nhiều.
Đại diện một doanh nghiệp hàng dệt may xuất khẩu tại TPHCM nhận định, chỉ có con đường cải tiến công nghệ mới đủ sức giúp ngành dệt may trụ vững trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tuy nhiên, khả năng thích nghi, thay đổi công nghệ chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, rất khó bức phá về đầu tư cải tiến công nghệ.
Cùng nhận định, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho rằng không còn cách nào khác ngành dệt may trong nước phải hội nhập với ngành dệt may thế giới, đặc biệt là trong xu hướng cạnh tranh với các nước có công nghệ hiện đại.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng mô hình quản lý LEAN (hệ thống quản lý tinh gọn, cải tiến liên tục, loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất giúp cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất) để từng bước tinh gọn về nhân lực, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng giá trị gia tăng.
Riêng ngành sợi đã có doanh nghiệp áp dụng công nghệ tự động hóa từ bông trải thô – cuốn ống ra đến đóng gói (hoàn thiện) – để cho chất lượng tốt hơn, thời gian giao hàng chính xác, chi phí sản xuất giảm. Còn ngành dệt đã có dệt kim cho hàng thể thao không dùng nước, chỉ có hóa chất và khí hơi không ảnh hưởng đến môi trường, cho sản phẩm vải đẹp, bền và màu sắc ổn định hơn.
“Hiện ngành dệt, may, sợi của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho phát triển. Vấn đề là tiềm lực tài chính cho việc đầu tư, từ nhà xưởng phù hợp cho đến công nghệ nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị gia tăng”, ông Giang nói. Trong xu hướng thay đổi nhanh về công nghệ, theo ông Giang, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, tiềm lực về thị trường, tiềm lực con người sẽ trụ vững vàng. Còn các doanh nghiệp nhỏ do yếu về nguồn vốn thì khả năng bị đào thải, bị đóng cửa là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Giang, nếu đổi mới công nghệ quyết liệt thì dù hiện nay Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu hàng dệt may có thể lên đứng hàng thứ ba vào năm 2020 và kỳ vọng đến năm 2025 sẽ đứng thứ hai, chỉ còn sau Trung Quốc.
Cạnh tranh năng suất
Trước đó, phát biểu tại hội nghị Vietnam Summit 2016 do The Economist tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng 11-2016, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết lâu nay lương tối thiểu tại Việt Nam còn thấp là tiền đề phát triển ngành dệt may. Tuy nhiên, từ năm 2007 trở đi, nhiều nước đang phát triển khác cũng bắt đầu sản xuất hàng dệt may, nên cạnh tranh trên cơ sở giá lao động thấp, suất đầu tư thấp không đủ để đảm bảo sự phát triển cho ngành dệt may Việt Nam.
Ông Trường cho biết, trong vài năm qua, bài toán tăng trưởng của ngành dệt may đã không còn dựa vào tiền lương thấp nữa, vì hiện nay lương tối thiểu của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước, và chỉ thấp hơn Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp trong ngành lúc này đang cạnh tranh về năng suất. “Lao động Việt Nam có kỹ năng tương đối tốt, nên chúng tôi phải đi vào sản xuất những sản phẩm có yêu cầu khó về kỹ thuật, đơn hàng nhỏ đòi hỏi kỹ thuật khó mà một số nước khó có thể cạnh tranh ngay được”, ông Trường cho biết.
“Nếu không muốn mất vị trí là một trong năm nước mạnh về dệt may thì Việt Nam phải tiếp tục đầu tư công nghệ. Những cách thức thiết kế nhà máy, đội ngũ sẽ thay đổi rất nhiều. Sẽ có những con người bị đào thải”, ông Trường nói.
Những người trong ngành cho rằng, dù ngành dệt may đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, cao hơn con số 27 tỉ đô la năm 2015 nhưng khi xét về sự phát triển lâu dài, nếu không sớm thay đổi phương thức kinh doanh thì cho dù có hội nhập sâu đến mấy, doanh nghiệp trong nước vẫn mãi kiếp “làm thuê”, lợi thế hội nhập sẽ không có nhiều ý nghĩa.