Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Thay đổi lối sống để tránh loãng xương

Bệnh loãng xương có mối nguy hại chẳng kém gì các bệnh ung thư, tim mạch, bởi bệnh cũng đang đe dọa tới sức khỏe của gần 3 triệu người Việt Nam. Việt Nam hiện có 2,8 triệu người bị bệnh loãng xương; mỗi năm có gần 200.000 người bị gãy xương do căn bệnh này.

Bệnh diễn tiến âm thầm, không triệu chứng nhưng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Việc hiểu biết và phòng tránh bệnh loãng xương vẫn chưa được coi trọng và đánh giá đúng mức.

Nguyên nhân của loãng xương

Nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến của bệnh loãng xương là do chế độ dinh dưỡng thấp, thiếu canxi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), lượng canxi cần thiết cho cơ thể phải đáp ứng khoảng 1.000-1.200 mg mỗi ngày và 400 IU vitamin D, giúp xương hấp thu canxi dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Trung ương, hiện người dân tại các thành phố lớn chỉ được cung cấp khoảng 500 mg canxi/ngày. Việc thiếu canxi kéo dài thường xuyên như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ loãng xương.

Việc luyện tập thể dục, tăng cường vận động sẽ giúp giảm nguy cơ bị loãng xương.
Việc luyện tập thể dục, tăng cường vận động sẽ giúp giảm nguy cơ bị loãng xương.

Sự ít vận động của lối sống công nghiệp ngày nay cũng là nguyên nhân gây loãng xương và gãy xương. Hầu hết mọi người làm việc công sở thường ít có điều kiện vận động, thường xuyên ngồi một chỗ, ít hoạt động ngoài trời, đặc biệt đối với nữ nhân viên văn phòng, công chức… khiến các tế bào hủy xương tăng hoạt tính làm cho quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, quá trình tái tạo xương hoạt động kém hiệu quả do thiếu vitamin D (có trong ánh nắng).

Ở đàn ông, bệnh loãng xương xảy ra khi họ có thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động, ăn uống thiếu chất canxi và yếu tố di truyền. Ngoài ra, những bệnh lý nội khoa cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến loãng xương như rối loạn hấp thu đường ruột, bệnh gan do rượu, suy thận mãn, suy tuyến sinh dục, cường giáp...

Ở phụ nữ, bệnh loãng xương thường xảy ra ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên, nhưng có thể sự mất mát hao hụt chất xương đã bắt đầu sớm hơn, từ sau 35 tuổi, khoảng 50% sự hao hụt này xảy ra bảy năm sau mãn kinh. Khi cơ thể phụ nữ bắt đầu giảm sản xuất estrogen – là hormone nữ ảnh hưởng đến khung xương cũng như cơ quan khác trong cơ thể như ngực và tử cung. Giai đoạn mãn kinh, lượng estrogen có thể giảm đến 80%, tiến trình mất xương xảy ra nhanh hơn tiến trình tái tạo, khiến xương trở nên xốp nhẹ và giòn.

Việc phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không được cung cấp đủ protein và canxi cũng làm giảm canxi gây loãng xương.

Ngoài ra, nguyên nhân do loãng xương thứ phát khi có các yếu tố nguy cơ làm thúc đẩy nhanh quá trình loãng xương như việc kém phát triển thể chất từ nhỏ do thiếu canxi, còi xương suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/phốt pho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D… làm khối lượng xương đỉnh khi trưởng thành thấp.

 Phòng tránh bằng thay đổi lối sống

group-of-runners

Cần một chế độ dinh dưỡng tốt, đảm bảo nhu cầu canxi, vitamin D cho bà mẹ mang thai, bà mẹ đang cho con bú, lứa tuổi nhũ nhi, thiếu niên và người trưởng thành, nhằm tạo nên bộ khung xương đầy đủ lượng khoáng chất cần thiết, đạt khối lượng xương đỉnh tốt nhất. Chế độ ăn uống luôn luôn bảo đảm đầy đủ protein và khoáng chất, đặc biệt là canxi.

Trong bữa ăn hàng ngày, mỗi gia đình cần lựa chọn những thức ăn giàu canxi là sữa, các loại cua, ốc, tôm, tép, vừng, cà rốt, rau xanh... Liều lượng canxi cần thiết hàng ngày là 1.200 mg đối với người 11-18 tuổi, 800 mg đối với phụ nữ tiền mãn kinh, 1.500 mg đối với phụ nữ sau mãn kinh.

Ngoài ra, cần bổ sung nguồn vitamin D (trong sữa, trứng, nấm tươi, cá hồi, lươn, trai, sò...) để cơ thể hấp thụ được canxi. Phụ nữ mang thai nên ăn thức ăn đa dạng, bảo đảm đủ canxi và chất đạm giúp hình thành xương cho thai nhi trong suốt quá trình phát triển.

Ở đàn ông cần phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ như hạn chế uống rượu, bỏ thói quen hút thuốc lá, nên thường xuyên tập thể thao, phơi nắng khi có điều kiện.

Thể dục thể thao với các môn khiêu vũ, đi bộ, yoga, khí công, đạp xe… giúp cơ săn chắc, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và duy trì các chất xương, đặc biệt đối với phụ nữ sau mãn kinh. Nếu thiếu hoạt động thể dục sẽ làm tăng sự hao hụt chất xương.

Điều quan trọng khi vào độ tuổi 50, phụ nữ và nam giới cần đo loãng xương định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát nguy cơ loãng xương và bổ sung kịp thời, tăng cường thuốc canxi và vitamin D cho cơ thể nếu có nguy cơ.

Việc bổ sung, cân bằng lượng nội tiết tố nữ estrogen trong cơ thể ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ là vô cùng quan trọng. Rất nhiều các nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc bổ sung lượng nội tiết tố nữ từ thực phẩm cũng như từ thuốc do bác sĩ chỉ định có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương.

Đối với giới văn phòng nên hạn chế các loại đồ uống có cafein, thức ăn mặn, cùng với đó là việc luyện tập thể dục giữa giờ, tăng cường vận động đi thang bộ thay vì thang máy…

(BS. Huỳnh Bá Lĩnh, Bệnh viện STO Phương Đông) Bình Minh ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối