Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Thay đổi phác đồ điều trị, thuốc kháng virus favipiravir điều trị F0 nhẹ và trung bình

(SGTT) - Bộ Y tế vừa thay đổi phác đồ điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng virus favipiravir đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhẹ và trung bình trong 5-7 ngày, thay vì trước đó chỉ dùng cho bệnh nhân nhẹ và thời gian từ 7-14 ngày.

Thay đổi này được Bộ Y tế cập nhật trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, ngày 12-12. Theo đó, Bộ Y tế điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với 3 loại thuốc kháng virus gồm favipiravir, remdesivir và molnupiravir. Đây là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam.

Các bác sĩ đang thảo luận. Ảnh: Cổng thông tin điện tử củ Bộ Y tế

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, đối với thuốc kháng virus favipiravir 200mg được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình (theo quy định ban hành ngày 6-10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ).

Bên cạnh đó, thời gian điều trị thuốc favipiravir 200mg giảm xuống còn 5-7 ngày thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó.

Đối với thuốc remdesivir, thời gian điều trị cho người bệnh Covid-19 là từ 5-7 ngày (trước đây thời gian điều trị đối với thuốc này là 5 ngày).

Với thuốc molnupiravir thì chỉ định, chống chỉ định và liều dùng như đang áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Báo điện tử Vnexpress thông tin thêm, molnupiravir và favipiravir là hai loại thuốc kháng virus dạng viên, dùng theo đường uống, dễ dàng cho F0 điều trị tại nhà.

Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố đưa thuốc kháng virus molnupiravir vào điều trị thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng molnupiravir sau 5 ngày là từ 72-93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. Đây là kết quả hứa hẹn với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu.

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ thuốc remdesivir, favipiravir...).

Thời gian qua, Bộ Y tế luôn tiếp cận các phương pháp điều trị mới trên thế giới và liên tục cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 trong nước.

TPHCM huy động hơn 6.500 nhà thuốc cung ứng thuốc cho F0 tại nhà

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, Sở Y tế TPHCM có văn bản về việc huy động hơn 6.500 hệ thống nhà thuốc tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có các hoạt động cung ứng thuốc cho F0 tại nhà.

Trạm y tế lưu động phát thuốc cho F0 tại nhà. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Cụ thể, nhà thuốc sẽ tham gia 3 hoạt động, gồm: Cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc Covid-19.

Hoạt động 2 là truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ cung cấp nội dung hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 cho các nhà thuốc.

Hoạt động 3 là tham gia làm cầu nối giữa người F0 với các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 cộng đồng.

Hà Nội được phép dùng kết quả test nhanh xác định F0

Theo báo điện tử Vnexpress, đây là phúc đáp của Bộ Y tế vào ngày 12-12, sau khi Sở Y tế Hà Nội đề nghị cho ý kiến về việc sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên xác định người nhiễm nCoV và xác định tình trạng khỏi bệnh, cho xuất viện.

Test nhanh kháng nguyên là phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm nhanh, kết quả có sau 15 phút, độ chính xác khoảng 70-80% nên mang ý nghĩa tầm soát, sàng lọc. Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm PCR là lấy mẫu xét nghiệm bằng máy, độ chính xác cao, mang giá trị khẳng định nCoV, tuy nhiên mất nhiều thời gian hơn test nhanh.

Trước đó, trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng, ngành y tế Hà Nội đã xin ý kiến Bộ Y tế vào tuần trước. Đến nay, theo quy định của Bộ Y tế, PCR vẫn là phương pháp xét nghiệm chính để xác định một người mắc Covid-19.

Thời gian qua, khi dịch bùng phát mạnh, số ca nhiễm tăng cao, TPHCM và một số tỉnh phía Nam cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối