Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Thay đổi tư duy để phát triển du lịch ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch. Thế nhưng, để du lịch phát triển thì đầu tiên cần phải thay đổi tư duy, theo các chuyên gia trong ngành.
Du khách tham quan tại mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Chia sẻ với báo chí bên lề diễn đàn kết nối du lịch giữa TPHCM và 13 địa phương ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp vào hôm 20-5, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, cho rằng muốn phát triển du lịch, điều đầu tiên phải làm là chuyển đổi tư duy, thay đổi cách làm.

Để du lịch phát triển, ông Mỹ gợi ý, nên thay đổi từ những việc nhỏ và cụ thể. Chẳng hạn, Đồng Tháp phải quảng bá sản phẩm của chính địa phương. “Tại sao trong phòng (phòng khách sạn nơi ông lưu trú tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp- PV) chúng ta không treo ảnh của địa phương để quảng bá?”, ông nêu câu hỏi và cho biết khi đi Cao Bằng, có một chi tiết rất nhỏ được ông đánh giá cao, đó là khách sạn nơi ông ở, người ta in hình thác Bản Giốc trên gối. “Đó là cách PR cực hay”, ông nói và đặt câu hỏi, tại sao các địa phương ĐBSCL phải treo ảnh ở châu Âu, vịnh Hạ Long… để quảng cáo cho người ta?.

Ông Mỹ cũng cho rằng liên kết phát triển du lịch phải thực hiện trong từng chuyện cụ thể và từng đơn vị nhỏ nhất, chứ không nên nói chuyện…. “xa vời”.

Các đại biểu tham dự sự kiện hôm 20-5 tại Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Miquel Angel P. Martorell, Trưởng nhóm nhân sự và chất lượng thuộc Ban tư vấn du lịch Việt Nam, cho rằng muốn phát triển du lịch cần có định hướng trung và dài hạn, thay vì chỉ đầu tư ngắn hạn.

Ông Martorell gợi ý, cần phải quan tâm hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ để phục vụ khách du lịch tốt nhất. “Điều tôi nói ở đây là phải làm sao hoàn thiện toàn diện, tức không thể chúng ta tốt ở điểm này, nhưng điểm khác không đạt”, ông nói và dẫn chứng, như tỉnh Bạc Liêu có khách sạn tốt, nhưng giao thông trắc trở hay có hướng dẫn viên chuyên nghiệp nhưng sản phẩm chưa đạt thì chưa thật sự phát triển đồng bộ.

Ông Martorell cũng lưu ý các địa phương ĐBSCL cần quảng bá nhiều hơn về sản phẩm của vùng đến khách hàng. “ĐBSCL có đặc sản rất ngon và nhiều cảnh quan rất đẹp và điều này chúng ta ở đây ai cũng biết, tuy nhiên, khách hàng thị trường quốc tế chưa biết đến sản phẩm của các bạn”, ông nói.

Bên cạnh đó, theo ông Miquel Angel P. Martorell, ĐBSCL cũng nên tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là thế hệ trẻ- tầng lớp kế cận để phát triển cho du lịch Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Hàng ngàn người dân và du khách tham quan lễ hội Sen tại Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn này, ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam, cho rằng những năm gần đây, sau khi có chương trình hợp tác giữa TPHCM và 13 địa phương ĐBSCL, đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng.

Ông Siêu gợi ý, cần làm rõ chuỗi giá trị nông nghiệp khi dựa vào ba lĩnh vực nổi trội, đó là lúa, trái cây và thuỷ sản. “Đây chính là những sản phẩm đặc trưng của vùng và câu chuyện liên kết giữa 13 tỉnh nên cần tập trung vào nhóm này”, ông nói.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng muốn đi xa phải đi cùng nhau, do đó sự hợp tác là điều tất yếu. “Nếu chúng ta đi riêng lẻ thì sẽ không đến được và không tạo ra sức mạnh được”, ông nói. Theo ông, Đồng Tháp xác định đó là điều quan trọng nên địa phương thành lập trung tâm giới thiệu hàng đặc sản của Đồng Tháp và ĐBSCL ở Hà Nội và Phú Quốc (Kiên Giang) nhằm quảng bá hành ảnh, sản phẩm đến với du khách.

Trung Chánh
Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối