Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Thế giới kệ bếp

Hình thức kệ bếp-tủ bếp hiện rất đa dạng với các loại vật liệu khác nhau như gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, nhôm kính… Các đơn vị thiết kế cũng giới thiệu thêm các vật liệu ốp vách bếp như kính cường lực, đá ốp Mosaic, inox... giúp làm sạch bề mặt kệ bếp, tạo nét thẩm mỹ và mới lạ cho nhà bếp.

Kệ bếp chữ L, chữ U

Tùy vào không gian và địa hình cụ thể của nhà bếp, chủ nhà có thể chọn cách thức thiết kế kệ bếp-tủ bếp (kệ bếp) theo kiểu dáng hình chữ U hoặc chữ L. Hiện nay, kệ bếp hình chữ L được nhiều bà nội trợ lựa chọn do kiểu thiết kế này phù hợp với nhiều dạng nhà ở khác nhau, căn hộ chung cư hay nhà phố đều được.

Theo lời khuyên của một số kiến trúc sư, khi thiết kế kệ bếp phải tính toán cân đối giữa diện tích khu bếp và chiều dài của kệ. Việc chọn kệ bếp hình chữ L hay chữ U còn tùy thuộc vào chiều dài của nhà bếp. Nếu nhà chật quá thì chỉ có thể thiết kế kệ bếp theo hình chữ I (kệ bếp dàn theo chiều ngang), bỏ bớt phần tủ bếp phía trên cho không gian nhà bếp thoáng hơn.

Thông thường, kệ bếp phía dưới sẽ có chiều cao khoảng 70-90 cm, độ sâu khoảng 50 cm. Phần tủ bếp treo phía trên có chiều cao khoảng 50-60 cm, độ sâu khoảng 30 cm.

Tùy theo chiều cao của nhà bếp mới tính được chiều cao của kệ bếp, nhưng thông thường chiều cao tối đa của phần trên/dưới của kệ bếp chỉ vào khoảng 2,4 m. Nếu thiết kế tủ bếp cao quá sẽ khó mở cửa tủ để lấy hoặc cất vật dụng bên trong, khả năng với tay lên cửa tủ bếp chỉ nên tối đa 1,7-1,8 m.

8

[box type="download"] Chi phí thiết kế kệ bếp

Giá thiết kế kệ bếp-tủ bếp bằng gỗ tự nhiên có thể lên đến hàng chục triệu đồng cho mỗi mét tới (cả kệ bếp phía dưới và tủ phía trên). Còn sử dụng gỗ công nghiệp thì tùy thuộc vào phụ kiện đi kèm (loại thường hay loại cao cấp); giá kệ bếp-tủ bếp có thể dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng cho một mét chiều dài. Chi phí này chưa bao gồm các loại phụ kiện như khay trượt đựng chén/đĩa, kệ treo chảo, xoong, nồi… bên trong tủ bếp.[/box]

6a

Gỗ tự nhiên đẹp hơn?

Hiện nay, các gia đình sống ở các thành phố lớn thường thích sử dụng loại kệ bếp bằng gỗ. Họ có thể chọn dòng sản phẩm làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp như MDF (Medium Density Fiberboard) hoặc HDF (High Density Fiberboard).

Một số đơn vị thiết kế kệ bếp cho biết, việc sử dụng chất liệu gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp cho kệ bếp tùy thuộc vào sở thích và gu thẩm mỹ của chủ nhà. Trong một số trường hợp, việc dùng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp cũng còn tùy thuộc vào lối kiến trúc của ngôi nhà, có cần sự đồng bộ về chất liệu gỗ hay không.

Trước đây, các đơn vị thiết kế thường sử dụng gỗ xoan đào để làm kệ bếp nhưng gần đây thì chuyển qua dùng gỗ sồi nhiều hơn. Gỗ tự nhiên sẽ tạo nên đường nét thiết kế sang trọng và ấm cúng.

Theo tư vấn của Công ty TNHH Thương mại nội thất Bếp Gia Đình, các bà nội trợ có thể chọn lối thiết kế cổ điển hoặc hiện đại. Các kệ bếp kiểu cổ điển thường sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên kết hợp với mặt đá mang phong cách châu Âu. Còn kiểu thiết kế hiện đại thường dùng vật liệu gỗ công nghiệp phối hợp với mặt đá, các loại kệ treo, phụ kiện bếp bằng inox.

Các loại kệ bếp cổ điển thường dùng các loại gỗ tự nhiên như xoan đào, sồi, căm xe… Các đơn vị thiết kế sẽ thiết kế theo yêu cầu của chủ nhà và lựa chọn màu gỗ tự nhiên phù hợp với màu cửa, màu sơn các vách tường…

Gần đây, vật liệu vách cho nhà bếp có sự thay đổi. Thay vì lệ thuộc vào vật liệu gạch men truyền thống như trước đây, một số đơn vị thiết kế đã dùng đến loại vật liệu kính hoặc đá ốp Mosaic (ốp từng vỉ đá viên nhỏ).

Theo đánh giá của một số công ty thiết kế thì khi dùng kính ốp khoảng trống vách bếp giữa tủ bếp phía trên và kệ bếp phía dưới sẽ tạo ra phong cách riêng, không bị tình trạng “lỗi mốt” như khi ốp gạch lát tường. Chủ nhà có thể thoải mái ốp kính nguyên tấm theo kích cỡ và kiểu dáng nhà bếp.

Khi sử dụng kính để ốp tường, cần chọn loại kính cường lực có khả năng chịu được nhiệt độ cao. Kính cường lực cũng đảm bảo an toàn khi có va đập giữa đồ dùng bằng inox, nhôm, sắt… vào mặt kính. Đồng thời, vách bếp khi ốp kính sẽ giúp cho các bà nội trợ dễ dàng vệ sinh, chùi sạch dầu mỡ, bồ hóng… bám vào vách.

Một số gia đình lại chọn cách phối hợp giữa kính ốp tường ở vị trí đặt bếp và máy hút mùi; phần vách còn lại có thể ốp gạch bình thường. Điều này giúp cho chủ nhà dễ khoan tường mỗi khi muốn gắn thêm kệ treo chảo, xoong, nồi…

4

Cẩn thận với hơi ẩm

Theo kiến trúc sư Nguyễn Lê Quang, khi làm kệ bếp cần chú ý không nên để kệ bếp bằng gỗ tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà, cần có một khung xương gỗ làm trung gian giữa kệ bếp và sàn nhà. Điều này giúp kéo dài tuổi thọ của kệ bếp do không bị tác động bởi hơi ẩm dưới sàn nhà.

Có thể sử dụng gỗ MDF cho phần tủ bếp ở phía trên; còn phần kệ bếp bên dưới nên chọn loại gỗ cao cấp hơn bằng HDF. Cả hai chất liệu gỗ MDF và HDF đều có khả năng chống mối mọt nhưng HDF có độ bền tốt hơn MDF. Đồng thời, phải dùng thêm lớp phủ bên ngoài để bảo vệ mặt gỗ, chống hơi ẩm cho kệ bếp phía dưới.

Chỉ có thể dùng tủ bếp bằng nhôm kính nếu không đòi hỏi cao về thẩm mỹ, không cần dùng loại kệ bếp có đường nét đẹp, hài hòa với không gian chung. Loại tủ bếp nhôm kính thường được làm sẵn với một số kích thước cố định, nên sẽ không có sự linh hoạt về kiểu dáng, kích thước… như kệ bếp-tủ bếp bằng gỗ.

Theo ghi nhận từ thị trường thì giá sản phẩm tủ bếp bằng nhôm kính hiện rẻ hơn nhiều so với tủ bếp bằng gỗ. Do đó, thông thường loại tủ bếp này thích hợp với những gia đình có nhu cầu trang bị tủ bếp giá rẻ, không có yêu cầu cao về thiết kế.

Ông Nguyễn Hà, một nhà thầu chuyên thiết kế kệ bếp-tủ bếp ở quận Tân Bình, cho biết khi làm kệ bếp không nên để cửa tủ bếp bên dưới lồi ra bên ngoài, tránh tình trạng nước trào ra từ bồn rửa chén thấm xuống mặt cửa, gây hư hỏng. Đồng thời, nếu kết cấu nhà bếp ở các chung cư có sẵn các tấm đan, có thể tận dụng để thiết kế kệ bếp đặt bên trên, không cần đập bỏ.

Chí Thịnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối