LOAN ANH -
Ở Hà Nội, chuyện sinh viên cầm thẻ tại các tiệm cầm đồ để lấy tiền tiêu xài không còn mới. Thế nhưng nếu ngày trước một chiếc thẻ cầm cố cùng lắm chỉ vay được 1 triệu đồng, thì nay con số này đã lên đến vài triệu. Và hiện tượng này ngày càng trở nên quen thuộc hơn.
Nếu vay chỉ vài trăm ngàn đồng để giải quyết nhu cầu cấp bách thì sau đó sinh viên sẽ nhanh chóng “xoay” được tiền để chuộc lại thẻ. Tiệm cầm đồ ngày trước cũng không mặn mà với loại thẻ này. Nhưng nay thẻ của sinh viên có giá hơn, vì chỉ khi có thẻ sinh viên mới dự thi được. Vậy nên nhiều tiệm đã cầm thẻ với giá 4-8 triệu đồng, tùy thuộc mức độ quen biết và uy tín của người đi cầm thẻ.
Nhiều sinh viên hiện không chỉ dùng thẻ của mình, mà còn mượn thẻ của bạn bè cùng lớp, cùng trường để vay tiền. Ngoài những sinh viên vay tiền để đóng tiền trọ, mua sách vở, dụng cụ học tập..., khi bố mẹ ở quê chưa kịp gửi, thì nhiều sinh viên lại dùng số tiền vay được để chơi game, trả nợ tiền cờ bạc, cá độ bóng đá.
Tôi từng chứng kiến một cậu sinh viên tên H. quê ở một tỉnh miền núi, học năm thứ 4 một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội. H. được bố mẹ gửi khoảng vài triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng luôn cảm thấy thiếu nên đã cầm thẻ sinh viên ở một tiệm cầm đồ. Đến cuối tháng mẹ cậu lại phải đem tiền đến trả để lấy thẻ về cho H. đi thi.
Tấm thẻ sinh viên lên giá, các chủ tiệm cầm đồ cũng tăng lãi suất theo. Mức lãi suất mà các chủ tiệm lấy từ việc cho sinh viên cầm thẻ là 5.000-7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nếu vay 8 triệu thì một tháng số tiền lãi đã lên tới 1,68 triệu đồng (21%/tháng).
Cho sinh viên cầm thẻ, các chủ tiệm cầm đồ cũng luôn là những người nắm đằng chuôi, sinh viên buộc phải viết cam kết các thông tin về quê quán và nếu sinh viên không trả tiền, họ sẵn sàng nhờ người đến đòi theo kiểu “xã hội đen”.
Trong khi nhiều sinh viên ở trọ lên thành phố phải làm thêm kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm kinh nghiệm, thì những sinh viên chỉ chờ sự chu cấp của cha mẹ, cũng như khi cần thì cầm thẻ là rất đáng chê trách.