Lê Anh
Sau khi đưa ba tuyến xe điện vào hoạt động từ đầu năm 2017, thời gian tới TPHCM sẽ thí điểm thêm ba tuyến xe điện nữa ở khu vực trung tâm thành phố.
Tuyến mới phục vụ khách du lịch
Từ đầu năm 2017, TPHCM đã có ba tuyến xe điện hoạt động, và sắp tới sẽ đưa vào hoạt động thêm ba tuyến nữa nhắm tới khách du lịch.
Hôm 3-5, chính quyền TPHCM đã ban hành Quyết định số 2130 phê duyệt đề án thí điểm xe điện chở khách du lịch. Theo quyết định này, Công ty TNHH Vận tải lữ hành Kingtour là doanh nghiệp được giao thí điểm dùng xe điện chở khách du lịch trong phạm vi khu trung tâm thành phố theo hình thức hợp đồng.
Khác với tuyến xe điện đưa vào hoạt động hồi đầu năm 2017, ba tuyến xe điện sắp hoạt động chỉ phục vụ cho khách du lịch. Chính vì vậy, lộ trình các tuyến xe điện này sẽ đi qua các điểm tham quan như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Hội trường Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Cung văn hóa Lao động, công viên Tao Đàn, chợ Bình Tây, chùa Bà Thiên Hậu, chợ An Đông...
Bãi đậu xe được sử dụng để đậu xe, sửa chữa, bảo trì và nạp điện tại số 342 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Các điểm đón khách chủ yếu tại khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn (17 Lê Duẩn), khách sạn New World (76 Lê Lai), khách sạn Sheraton (88 Đồng Khởi), khách sạn Victory (14 Võ Văn Tần), nhà hàng Ocean Palace (2 Lê Duẩn).
Loại xe được sử dụng là xe 4 bánh chạy bằng điện, từ 8 đến 14 chỗ ngồi, với số lượng xe ở giai đoạn thí điểm là 20 xe. Thời gian hoạt động từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 19 giờ đến 23 giờ hàng ngày.
Thời gian hoạt động thí điểm ba tuyến xe điện này là ba năm kể từ ngày đề án được phê duyệt. Sau khi được chính quyền thành phố chấp thuận, Sở Giao thông Vận tải sẽ công bố quyết định và hướng dẫn Công ty TNHH Vận tải lữ hành Kingtour triển khai thực hiện đề án, đồng thời, sở sẽ quản lý, giám sát hoạt động của các tuyến xe điện nêu trên, quyết định điều chỉnh lộ trình và thời gian hoạt động của từng tuyến cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tuyến cũ chủ yếu vận tải công cộng
Đối với các tuyến xe điện đã hoạt động hiện nay (đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017) thực tế là không phân biệt đón khách du lịch hay người dân có nhu cầu di chuyển, và cũng có lộ trình đi qua nhiều điểm tham quan của thành phố. Tuy nhiên, các tuyến này nhắm tới nhu cầu vận tải công cộng chứ không thuần túy phục vụ du lịch. Vì vậy, theo một số hành khách, các tuyến xe điện này hạn chế một số nhu cầu mang tính du lịch của người dân. Ông Phùng Văn Thanh, một hành khách từng đi xe điện trên hồi tháng 4 vừa qua, kể lại khi xe đến Nhà thờ Đức Bà, gia đình ông muốn xuống chụp hình nhưng nhân viên lái xe nói rằng nếu xuống xe chụp hình, khi lên xe hành khách sẽ phải mua vé tiếp. Nhân viên lái xe cho biết, tuyến xe điện này hoạt động theo dạng giống như xe buýt, có nghĩa là hoạt động theo lộ trình cố định và vé thu theo loại vé của xe công cộng nên không thể đáp ứng được theo nhu cầu của hành khách.
Vẫn theo nhận xét của hành khách tên Thanh nói trên, tuyến xe điện này chỉ có lộ trình lượt đi từ Thảo Cầm Viên đến công viên 23 Tháng 9 là đi qua các điểm tham quan, còn lộ trình lượt về thì ít đi qua các điểm tham quan. Một nhân viên điều hành xe ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, vấn đề này đã có nhiều hành khách phản ánh, doanh nghiệp đã thấy được bất cập và đã xin điều chỉnh lộ trình cho hợp lý. Tuy nhiên, đến nay việc điều chỉnh lộ trình vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.
Vẫn theo nhân viên điều hành xe ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, với ba tuyến xe điện hoạt động sắp tới, lộ trình cũng đi qua nhiều điểm tham quan giống như xe điện hoạt động hiện tại. Do vậy, lộ trình có một số đoạn sẽ trùng nhau dẫn đến hoạt động không hiệu quả của các tuyến xe điện.
Nhân viên điều hành này cho biết thêm, lượng khách đi xe những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết khá đông. Tuy nhiên, những ngày thường thì lượng khách không nhiều. Chính vì thế, doanh nghiệp phải điều chỉnh giờ chạy xe và số lượng xe cho phù hợp với từng thời điểm.
[box type="info"] Lộ trình của ba tuyến xe điện sắp đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch
Lộ trình 1:
Nguyễn Thị Minh Khai (20C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1)-Mạc Đĩnh Chi-Lê Duẩn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Lê Lợi-Vòng xoay công trường Quách Thị Trang-Lê Lợi-Pasteur-Nguyễn Thị Minh Khai (điểm tham quan: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Hội trường Thống Nhất và chợ Bến Thành).
Lộ trình 2:
Nguyễn Thị Minh Khai (20C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1)-Mạc Đĩnh Chi-Lê Duẩn-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Thị Minh Khai-Đinh Tiên Hoàng-Lê Duẩn-Hai Bà Trưng-Công trường Lam Sơn-Đồng Khởi-Nguyễn Thiệp-Nguyễn Huệ-Lê Thánh Tôn-Pasteur-Võ Văn Tần-Bà Huyện Thanh Quan-Nguyễn Thị Minh Khai-Cách Mạng Tháng Tám-Phạm Hồng Thái-Lê Lai-Huỳnh Thúc Kháng-Nguyễn Huệ-Nguyễn Thiệp-Đồng Khởi-Đông Du-Hai Bà Trưng-Nguyễn Thị Minh Khai (điểm tham quan: Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Cung văn hóa Lao động, công viên Tao Đàn).
Lộ trình 3:
Nguyễn Thị Minh Khai (20C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Đa Kao, quận 1)-Mạc Đĩnh Chi-Lê Duẩn-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Nguyễn Thị Minh Khai-Đinh Tiên Hoàng-Lê Duẩn-Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Hàn Thuyên-Pasteur-Võ Văn Tần-Cao Thắng-Nguyễn Thị Minh Khai-Hùng Vương-Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ-Lê Quang Sung-Phạm Đình Hổ-Tháp Mười-Hải Thượng Lãn Ông-Châu Văn Liêm-Nguyễn Trãi-Trần Phú-An Dương Vương-Nguyễn Văn Cừ-Trần Hưng Đạo-Lê Lợi-Pasteur-Nguyễn Thị Minh Khai (điểm tham quan: Bảo tàng Lịch sử, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chùa Bà Thiên Hậu, chợ An Đông). [/box]