Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Thị dân châu Á với niềm vui ngao du một mình

(SGTT) - Tận hưởng niềm vui được ẩn mình ở nơi nào đó đang trở thành một xu thế du lịch, đặc biệt phổ biến trong giới thị dân châu Á.

Để tham gia xu hướng “niềm vui ẩn mình” – JOMO (joy of missing out) này, điều du khách cần làm là tự ngắt sự kết nối với điện thoại di động, các trang mạng xã hội - vốn là điều cốt lõi của xu hướng “sợ bị lãng quên” (fear of missing out – FOMO).

Bắt nguồn từ FOMO
Tự tại an yên, không mạng xã hội, rong chơi phương xa đang là xu thế. Ảnh: Medium.

Trước hết, hãy nhớ lại một chút về xu hướng sợ bị lãng quên, FOMO. Năm 2018, dân làng ở vùng đồi núi Menoreh của Indonesia xây dựng một khu vui chơi mạo hiểm để thu hút du khách đam mê cảm giác mạnh. Nhưng những người đến đây lại chỉ cần… những tấm ảnh ấn tượng để đăng Instagram.

Thế là, làng du lịch Kalibiru (gần Yogyakarta) thiết kế lại những dây cáp treo và trạm nghỉ trên ngọn cây sao cho nơi đây trở thành điểm đến hoàn hảo đối với dân mê khoe hình trên mạng xã hội. Dân làng còn chu đáo đến mức lắp đặt máy ảnh và thuê nhiếp ảnh gia để cho du khách lời khuyên sao cho có tấm ảnh đẹp.

Khi Kalibiru nổi như cồn trên các blog du lịch và Instagram, WeChat, Facebook, du khách có khi phải chờ đến sáu giờ mới tới lượt chụp hình vào những ngày cao điểm. Điều đó không khó hiểu bởi với giới trẻ châu Á tầm 20-30 tuổi, chuyện khoe nơi đến, hay còn gọi là “check-in”, ở những điểm nổi tiếng còn mang tính biểu tượng hơn cả việc xách túi hiệu Louis Vuitton hay mặc lên người quần áo thiết kế riêng.

Đó chính là xu hướng du lịch kiểu du lịch FOMO: sợ bị thế giới - dù ngoài đời hay trên mạng - lãng quên, nên luôn luôn cần xuất hiện, luôn luôn cần một lượt thích hay chia sẻ.

Bị thay thế bởi JOMO

Thế nhưng, theo bản báo cáo Xu hướng du lịch 2020 của công ty du lịch Skyscanner, người ta chẳng còn sợ kiểu đi du lịch mà không ai biết đến, không có gì để khoe như FOMO nữa.

Người đi du lịch sẵn lòng ngắt kết nối với thế giới mạng, và cả những mối quan hệ ngoài đời thực, để ngao du trong sự tự tại. FOMO dần bị JOMO soán ngôi.

Dựa trên dữ liệu của hơn 7.800 du khách khắp bảy thị trường du lịch ở châu Á – Thái Bình Dương, Skycsanner kết luận khách du lịch theo phong cách JOMO không ngừng tăng trưởng kể từ năm 2018.

Phong cách JOMO là hướng tới những nơi xa thị thành để gột rửa sự bức bối, căng thẳng hằng ngày và trở về với phiên bản thật nhất của bản thân. Muốn JOMO đúng nghĩa, trước hết khách lữ hành hãy quên đi những từ dán nhãn (hashtag) thịnh hành trên Instagram!

JOMO - những điểm đến được ưa chuộng

Khi đi du lịch JOMO, bạn có thể chỉ cần tìm đến những địa điểm ít nổi tiếng trong bản đồ du lịch, nơi mà bạn có thể dạo chơi trên những con đường ít người lai vãng hay thong thả tận hưởng niềm vui đọc sách.

Thử lấy ví dụ từ thị trường khách du lịch từ Hồng Kông. Theo số liệu mới nhất của chính quyền đặc khu kinh tế này của Trung Quốc, vào năm 2018, có tới 92,3% số hộ gia đình kết nối Internet và 5,8 triệu người từ 10 tuổi trở lên có điện thoại thông minh và dành 30 giờ một tuần lang thang trên mạng.

Chính vì vậy, người dân hòn đảo này ưa thích những điểm đến giúp họ tạm thời rời xa chiếc điện thoại cũng như tạm biệt Facebook, Instagram, WhatsApp, WeChat hay e-mail công việc, các nền tảng chia sẻ dữ liệu… Và các hòn đảo ở Đông Nam Á, như Phú Quốc (Việt Nam), Krabi (Thái Lan)… nhanh chóng lọt vào tầm ngắm.

Xa hơn, dân JOMO đang tìm đến Georgia, Kyrgyzstan hay tỉnh Nova Scotia ở Canada. Ở vùng núi Trung Á, họ có thể băng rừng trong các công viên quốc gia hay lên núi cưỡi ngựa, trượt tuyết. Nói chung, bạn đi đâu cũng được, làm gì cũng xong, miễn là đừng để âm thanh của điện thoại làm phiền.A

Trào lưu “du lịch chậm”Cũng theo báo cáo Xu hướng Du lịch 2020 của Skyscanner, “du lịch chậm” (tạm dịch từ “slow travel”) đang dần trở nên thu hút. Trái với cái tên, “chậm” không hẳn là di chuyển chậm mà có nghĩa ở lại lâu hơn. Nhờ vậy, du khách có nhiều thời gian để trải nghiệm một địa điểm cũng như có cơ hội bước lên các phương tiện giao thông công cộng địa phương. Không đặt mục tiêu phải đi được bao nhiêu nơi, chơi được bao nhiêu món trong một khoảng thời gian nhất định, những người “du lịch chậm” cứ tùy nghi cài đặt nhịp độ cho chuyến đi của mình.Thái độ du lịch này được xem là cách thoát khỏi lối sống vội ở đô thị. Với rất nhiều người, làm việc thêm giờ là một phần của cuộc sống, do đó họ mong chờ ngày nghỉ luôn tất bật với các buổi gặp mặt trong gia đình, ăn tối với bạn bè hay giải trí đâu đó. Vì vậy, đi du lịch theo quan điểm của họ cũng phải “đáng đồng tiền bát gạo”. Tuy nhiên, khi “du lịch chậm”, có thể bạn sẽ chẳng cần làm gì cả ngoài việc rong chơi tùy thích hoặc ngủ cho đẫy giấc…Không chỉ thoải mái, “chơi chậm” còn ít tốn kém hơn so với du lịch truyền thống, theo báo South China Morning Post. Ví dụ, các chủ nhà nghỉ trên Airbnb thường giảm giá cho khách thuê dài ngày hơn.

Duy An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối