Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Thị trường cần một cú hích từ sandbox

(SGTTO) - Các công ty khởi nghiệp, công ty công nghệ tài chính (Fintech) vẫn đang trông chờ việc ban hành chính thức khung thử nghiệm mô hình kinh doanh mới (sandbox) trong năm nay nhằm có một môi trường ổn định để thử nghiệm các dịch vụ mới.

Sandbox là một thuật ngữ mới với tên đầy đủ Regulatory Sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát). Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là một khung điều chỉnh thử nghiệm giúp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình đổi mới sáng tạo của các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech. Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch nghiên cứu, áp dụng cách thức quản lý theo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) phù hợp với thực tiễn thông lệ quốc tế để tiến tới việc ban hành khung pháp lý và quản lý chính thức.

Cho doanh nghiệp một cơ chế thử nghiệm cái mới

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, các chuyên gia kinh tế đã bàn luận nhiều về các mô hình kinh tế mới (như kinh tế chia sẻ đang được Grab ứng dụng tại Việt Nam) và điểm mấu chốt là cách thức ứng xử với các mô hình này. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần kịp thời đưa ra chính sách phù hợp dành cho những mô hình chưa có ở thị trường trong nước hay chưa có khung pháp lý...

Đại diện Vụ Công nghệ thông tin thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết trước sự xuất hiện của các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ với sự xuất hiện của Uber và Grab, Chính phủ và các bộ ngành đã tăng cường tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy chính sách cho phù hợp với chuyển động của thị trường.

Mới đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với Quyết định số 999/QĐ-TTg (ngày 12-8-2019). Điểm quan trọng trong quyết định số 999/QĐ-TTg là việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (cơ chế sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy). Quyết định này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghệ mới, có điều kiện ứng dụng công nghệ mới (được phép thử nghiệm theo cơ chế sandbox) theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Theo ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, các doanh nghiệp Fintech ngay từ đầu nên chọn đối tác hợp tác là ngân hàng thương mại khi triển khai các mô hình kinh doanh mới (trong lĩnh vực tài chính). Kế đến là nên xây dựng hoặc nhắm tới một cơ sở dữ liệu khách hàng/khả năng kết nối.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho lời khuyên đối với các startup (khởi nghiệp) là những giải pháp tham gia sandbox (cơ chế thử nghiệm chính sách mới) phải là giải pháp mới hoàn toàn; có khả năng giải quyết một vấn đề gì đó trong xã hội... Đây sẽ là những điều kiện cơ bản để doanh nghiệp tham gia thử nghiệm theo mô hình sandbox. Đồng thời, startup cũng phải cung cấp cụ thể việc sẽ triển khai giải pháp trên nền tảng nào, cơ chế vận hành có an toàn hay không...

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, các cơ quan Nhà nước cần tạo khung để doanh nghiệp thử nghiệm cái mới (theo cơ chế sandbox). Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển nền kinh tế số.

Ông Thắng nói thêm rằng hãy cho doanh nghiệp một cơ chế để có thể xây dựng mạng lưới hỗ trợ dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi.

 Sandbox - công cụ tăng cường sáng tạo

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nói về lợi thế của mô hình kinh tế mới như Fintech: Các sản phẩm mang tính đổi mới sáng tạo, đối tượng khách hàng đa dạng, nguồn lực (quỹ đầu tư) dồi dào, chất lượng dịch vụ ổn định... Và cái mà doanh nghiệp đang cần là cơ chế thử nghiệm mô hình mới.

Bản thân các công ty ứng dụng công nghệ cho mô hình kinh tế chia sẻ (ví dụ như Grab, Rada, triip.me...) cũng cần đưa ra các dịch vụ mới, tập cho người dùng làm quen với cái mới... Rồi các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần từng bước thích nghi với mô hình mới, đưa ra những quy định phù hợp góp phần thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ thêm: Trong quá trình thử nghiệm mô hình mới (áp dụng sandbox) nên có cơ quan quản lý Nhà nước cùng tham gia với doanh nghiệp trong quá trình triển khai giải pháp để bảo đảm tuân thủ quy định quản lý Nhà nước và an toàn thông tin cho người dùng khi doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thế giới hiện có hơn 30 quốc gia ban hành cơ chế sandbox (cho các mô hình khác nhau) và Việt Nam cũng đang trong quá trình nghiên cứu cơ chế thử nghiệm này. Các nước ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khuynh hướng ủng hộ sandbox, điều này giúp các công ty khởi nghiệp có thời gian thử nghiệm mô hình mới và đánh giá độ an toàn của dịch vụ mới.

Như vậy, để Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy nền kinh tế số, góp phần hỗ trợ các startup (công ty khởi nghiệp) phát triển bền vững và lành mạnh, cơ chế sandbox cần nhanh chóng được ban hành. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cơ chế sandbox sẽ góp phần đánh giá tác động toàn diện của các mô hình kinh tế mới đối với thị trường, từ đó xây dựng khung chính sách phù hợp.                                                                                        

Minh Chí

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối