Minh Duy
Lần đầu tiên, tàu Quantum of the Seas, một trong những tàu du lịch loại lớn của thế giới, sẽ đến Việt Nam vào giữa tháng này. Con tàu cao 18 tầng mang theo khoảng 4.900 du khách sẽ cập cảng Cái Mép ODA tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng một con tàu cỡ lớn đến cũng chỉ giống như ngọn nến le lói, không đủ để làm sáng thị trường du lịch tàu biển hiện nay.
Thị trường du lịch tàu biển đang giảm sút trầm trọng trong vài năm trở lại đây, và nó được dự báo sẽ còn sụt giảm hơn nữa do mất đi những chuyến tàu đến từ Trung Quốc, mang theo hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm.
“Năm nay, doanh thu thị trường tàu biển của chúng tôi giảm 50%”, phó tổng giám đốc của một công ty du lịch lớn tại TPHCM cho biết. Về phía doanh nghiệp, từ nhiều năm nay, công ty ông phải đa dạng thị trường, tìm thêm tàu từ Mỹ và châu Âu để bù vào phần thiếu hụt do một số thị trường sụt giảm. Theo ông, do những chính sách không hợp lý, cũng như thiếu đầu tư cho du lịch tàu biển đã dẫn đến kết quả này.
Vị này cho rằng, một trong những chính sách chưa hợp lý là quy định bắt du khách tàu biển nhập cảnh phải xin thị thực từ đầu năm nay. Mặc dù sau đó Thủ tướng Chính phủ đã can thiệp, cho phép du khách được cấp thị thực rời giúp giảm bớt chi phí và thời gian làm thủ tục nhập cảnh, nhưng quy định này cũng đã làm xáo trộn thị trường. Nhìn chung, du khách hiện vẫn mất nhiều thời gian cho việc làm thủ tục nhập cảnh, thậm chí thủ tục còn nhiêu khê hơn mười năm trước. Một số hãng tàu cho biết, có thể họ sẽ cho tàu sang những cảng ở một số nước lân cận, vốn có quy định nhập cảnh thông thoáng hơn cho du khách.
Thêm vào đó, chính sách về thu lệ phí cập cảng cho tàu cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hãng tàu cân nhắc khi đến Việt Nam. “Mức phí này cao hơn so với các nước khác trong khi du lịch của chúng ta chưa hấp dẫn. Sắp tới đây, vấn đề về phí cập cảng sẽ còn gây khó hơn nữa bởi một số cảng cho biết sẽ tăng phí lên gấp đôi, dù hiện tại chưa có văn bản chính thức”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excursions cho biết.
Việt Nam có cả ngàn ki lô mét bờ biển, có đầy đủ điều kiện tự nhiên để đón cả tàu du lịch lớn lẫn du thuyền, nhưng mỗi năm chỉ đón được vài trăm ngàn lượt khách tàu biển. Hơn nữa, ngành du lịch chưa có sự đầu tư bài bản nào cho mảng này, cụ thể là thiếu cảng du lịch, vấn đề được nói đến cả chục năm qua.
Vài năm trước, với sự đề nghị của Tổng cục Du lịch, các chuyên gia tàu biển của Singapore đã đi khảo sát thực tế và đề xuất một số biện pháp để phát triển du lịch tàu biển. Theo đó, Việt Nam cần sự phối hợp giữa các cấp bộ, ngành trong việc xây dựng đề án phát triển du lịch biển, và cần có một đơn vị chuyên môn xem xét các kế hoạch cấp tỉnh để đảm bảo kế hoạch phát triển của tỉnh này không ảnh hưởng tiêu cực đến tỉnh khác.
Việc thiếu cảng du lịch chuyên dụng cũng có thể được giải quyết trong điều kiện khó khăn về tài chính. Chẳng hạn như tận dụng những cảng thương mại cho du lịch bằng việc phân bổ một phần thành cảng chuyên dùng cho tàu du lịch với các trang thiết bị cơ bản như cầu tàu, nhà vệ sinh, bãi đậu xe du lịch... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có đề xuất nào được cơ quan quản lý du lịch đưa vào chương trình hành động và triển khai.
Phó tổng giám đốc công ty du lịch kể trên cho rằng, bây giờ đã muộn để có những biện pháp kéo khách tàu biển đến trong cuối năm nay. Tuy nhiên, nếu bắt đầu thay đổi chính sách, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường ngay những điểm du lịch, tăng cường sản phẩm thì chắc chắn trong tương lai, du lịch tàu biển sẽ là thế mạnh cho du lịch Việt Nam.