Vũ Yến
Bên cạnh cộng đồng người Hồi giáo đang sinh sống tại TPHCM, lượng khách du lịch từ các quốc gia theo tín ngưỡng này đến thành phố cũng ngày càng nhiều. Theo một số ý kiến, cơ hội kinh doanh đang lớn hơn cho những người cung cấp dịch vụ, sản phẩm, nhất là ẩm thực dành riêng cho cộng đồng này; đặc biệt trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN vốn có những quốc gia thành viên có đông dân cư theo đạo Hồi.
Nhu cầu tăng
Cái tên Ibrohim Halal Hub & café gây chú ý cho người qua lại trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM khi vừa xuất hiện vài ngày qua. Đó là một cửa hàng tiện lợi, song nó không bán những mặt hàng thông thường khác mà chỉ bán thực phẩm khô, đóng hộp, cà phê dành cho những người theo đạo Hồi.
Ông Ibrohim Bernard, Giám đốc Công ty Thực phẩm Ibrohim, chủ cửa hàng tiện lợi trên, cho biết hiện ông cũng là giám đốc một công ty lữ hành chuyên đưa khách du lịch Malaysia sang TPHCM. Ông cho biết, số lượng khách du lịch đến từ các quốc gia có đông người theo đạo Hồi như Malaysia đang tăng dần thời gian gần đây.
Tuy nhiên, theo khảo sát của ông thì một cửa hàng tiện lợi dành cho người theo đạo Hồi tại TPHCM hiện nay chưa nhiều, trong khi nhu cầu của khách du lịch được đánh giá là khá lớn. Đó là chưa kể nhu cầu từ cộng đồng người Hồi giáo đang sinh sống tại TPHCM.
“Nhiều khách hàng của tôi khi tới TPHCM thường khó khăn trong việc tìm một địa điểm chuyên bán thực phẩm ăn liền, thực phẩm đông lạnh hay đồ uống Halal(*). Thị trường các loại thực phẩm này rất tiềm năng nhưng còn bị bỏ ngỏ, chưa khai thác hết”, ông Ibrohim Bernard nhận định. Ông cho biết các loại thực phẩm của cửa hàng được nhập trực tiếp từ Malaysia, Indonesia và Singapore.
Ông Man Sour (tên Việt Nam là Nguyễn Văn Hoàng), thư ký của thánh đường Al Rahman tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, cho biết TPHCM là một trong những nơi có nhiều người theo đạo Hồi, những người Chăm bản địa và khách du lịch đến từ Malaysia, Indonesia… Người theo đạo Hồi phải tuân thủ những quy định, luật lệ của đạo, nhất là đối với thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Theo đó, người theo đạo Hồi chỉ được ăn những loại thực phẩm Halal – những món ăn được làm từ trái cây và rau quả, các loại hải sản. Các loại thịt bò, gà, cừu, dê phải được xử lý theo đúng phương pháp của đạo Hồi. Những đồ uống có cồn như bia, rượu không được phép sử dụng theo quy định của người Hồi giáo.
Ông Man Sour cho biết thêm, các loại trái cây, rau, củ, quả và các loại hải sản là những loại thực phẩm người theo đạo Hồi có thể sử dụng khi mua tại các cửa hàng, chợ, siêu thị tại TPHCM. Nhưng với các loại thịt bò, gà, cừu, dê, do phải được giết mổ theo đúng phương pháp của đạo Hồi, nên gần như không thể mua trực tiếp tại chợ, cửa hàng, siêu thị. Do vậy, muốn sử dụng những loại thực phẩm này, người có đạo thường tìm tới một số địa chỉ quen do người Chăm tại TPHCM giết mổ và bán, hay do người Chăm tại tỉnh An Giang giết mổ rồi mang lên TPHCM bán hàng ngày.
Theo ông Man Sour, số cửa hàng bán các loại thực phẩm tươi sống chuyên biệt này tại TPHCM không nhiều, chỉ khoảng 10 địa điểm, bao gồm cả nguồn hàng do người dân từ An Giang mang lên. “Con số này quá ít so với số lượng người Hồi giáo, du khách Hồi giáo tại TPHCM”, ông Man Sour nói.
Ông Mohamed Gofor, nhân viên tại cửa hàng thực phẩm Abdul Alim trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, cho biết trên cả tuyến đường Trần Hưng Đạo, kéo dài từ quận 1 qua quận 5, chỉ có cửa hàng Abdul Alim là chuyên bán thực phẩm Halal. Bò được giết mổ và đưa từ Sa Đéc và An Giang lên, cừu và dê thì mua tại Đồng Nai, còn gà thì do người Chăm giết mổ trực tiếp tại lò mổ Tân Mỹ Châu (quận Gò Vấp).
Giá thịt đùi bò khoảng 240.000 đồng/kg, phi lê 260.000 đồng/kg; thịt dê đùi sau khoảng 240.000 đồng/kg, đùi trước 230.000 đồng/kg; thịt gà ta khoảng 150.000 đồng/kg, gà thả vườn 85.000 đồng/kg; thịt cừu đùi sau khoảng 230.000 đồng/kg và sườn 210.000 đồng/kg.
“Doanh thu trung bình mỗi ngày của cửa hàng khoảng 20 triệu đồng. Bên cạnh việc bán lẻ cho người có đạo, chúng tôi còn bỏ sỉ cho một số nhà hàng Halal ở đường Nguyễn An Ninh (quận 1). Nhu cầu của thị trường khá lớn trong khi ít người bán”, ông Mohamed Gofor nói.
Cũng theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị, tại thị trường TPHCM, hầu như chưa có công ty nào sản xuất thực phẩm đóng hộp và cả bánh kẹo Halal. Nước giải khát thì có sản phẩm trà bí đao Wonderfarm của Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc Tế (Biên Hòa, Đồng Nai) có chứng nhận Halal; cà phê nhân thì có Trung Nguyên và Mê Trang. Thịt thì có sản phẩm thịt bò của chuỗi ki-ốt Vua Bò (King of Beef) được cấp chứng nhận Halal. Đối với các loại bánh, snack, những người có nhu cầu phải tìm mua tại các cửa hàng bán đồ nhập khẩu từ Malaysia.
[box type="download"] Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tại TPHCM cho biết, hiện tại thành phố có khoảng gần 8.000 tín đồ Hồi giáo, trong đó có hơn 4.000 người Chăm sinh sống. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong ba tháng đầu năm 2015 đã có 79.532 lượt khách Malaysia đến Việt Nam, tăng 98,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và lượng du khách đến từ Indonesia khoảng 14.438 lượt, tăng 81,7% so với cùng kỳ năm ngoái.[/box]
Quán xá nở rộ
Nếu số lượng các cửa hàng thực phẩm Halal còn hạn chế thì thời gian gần đây số lượng các nhà hàng, quán ăn bình dân Halal phục vụ du khách đến từ các nước Hồi giáo đang ngày càng tăng lên, theo đại diện một số người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và ẩm thực.
Ông Bùi Thanh Huy, quản lý nhà hàng Halal Sài Gòn trên đường Đông Du và nhà hàng Warung trên đường Nguyễn An Ninh, quận 1, cho biết nếu như năm 2013 tuyến đường Nguyễn An Ninh mới chỉ có ba nhà hàng Halal, thì nay đã có tới sáu nhà hàng lớn và ba nhà hàng nhỏ, chưa kể những quán ăn bình dân Halal.
Bà Basiroh, chủ của hai nhà hàng Basiroh trên đường Nguyễn An Ninh, cho biết vào năm 2000 khi bà mở quán ăn Halal nhỏ trên đường này, tại khu vực quận 1 chưa có một nhà hàng nào dành cho người Hồi giáo. Hiện nay, số lượng nhà hàng, quán ăn bình dân dành cho cộng đồng này đã tăng lên đáng kể.
Được biết, hiện tại TPHCM có khoảng 20 nhà hàng Halal, riêng trên tuyến đường Nguyễn An Ninh đã có sáu nhà hàng và hai quán ăn bình dân. Còn lại là các nhà hàng nằm trên đường Trương Định, Đông Du và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngoài ra, còn có một số quán ăn Halal bình dân nằm rải rác tại địa bàn cư trú của người Hồi giáo như khu vực đường Nguyễn Văn Trỗi-Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận; khu vực đường Dương Bá Trạc, quận 8; đường Trần Hưng Đạo, quận 1…
Cùng với sự gia tăng số lượng du khách theo đạo Hồi đến TPHCM, tại các con đường xung quanh chợ Bến Thành như Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn, Trương Định thời gian gần đây cũng xuất hiện những xe máy nhỏ bán dạo cà phê Halal, một số loại bánh như Kuin Kari Bap, Popia, Binkang cho du khách.
Ông Huy của Halal Sài Gòn cho rằng, theo quy luật tất yếu của thị trường, khi số lượng nhà hàng có chứng nhận Halal tăng lên, sẽ kéo theo sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, ông cũng nhận định, mặc dù cạnh tranh nhưng tiềm năng thị trường của dịch vụ nhà hàng vẫn còn rất lớn.
(*) Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc “được phép dùng”. Những sản phẩm, thực phẩm chỉ được xác nhận là Halal khi không có các thành phần bị cấm (theo quy định của đạo Hồi) và đảm bảo sự tinh khiết trong suốt quá trình sản xuất.